Quốc hội “thúc” tiến độ giải ngân gói hỗ trợ phục hồi kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
Quá sốt ruột với tiến độ giải ngân chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi kinh tế, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: “Đến năm 2023, nếu không giải ngân được, sẽ trình Quốc hội chấm dứt”.
Nhiều nội dung quan trọng về kinh tế được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại họp phiên thứ 11. Nhiều nội dung quan trọng về kinh tế được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại họp phiên thứ 11.

“Rất lo ngại”

Đánh giá bổ sung tình hình kinh tế - xã hội năm 2021 và kết quả những tháng đầu năm 2022 là nội dung sẽ được Chính phủ báo cáo Quốc hội tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ ba (sáng 23/5/2022), sau khi tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 11 giữa tuần này.

Đương nhiên, nội dung báo cáo của cả Chính phủ và thẩm tra từ các cơ quan của Quốc hội đều phải bám sát yêu cầu được nêu tại Nghị quyết của Quốc hội. Nhưng, điểm đặc biệt của năm 2022, theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, là ngoài những nghị quyết thường kỳ về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách, Quốc hội còn có Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, được thông qua tại Kỳ họp bất thường (tháng 1/2022)

Nhắc lại gói chính sách tài khóa và tiền tệ 347.000 tỷ đồng được quy định tại nghị quyết này chỉ được giải ngân trong hai năm 2022 - 2023, Chủ tịch Quốc hội chia sẻ là “rất lo ngại, vì bây giờ đã gần nửa năm của năm 2022, nhưng tình hình triển khai gói này rất chậm”.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, Nghị quyết số 43/2022/QH15 yêu cầu điều hòa nguồn vốn đầu tư công trong Kế hoạch Đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 và nguồn vốn đầu tư công trong chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình để ưu tiên vốn cho các dự án trọng điểm, có tác dụng lan tỏa, liên kết vùng, thúc đẩy tăng trưởng, có khả năng hấp thụ vốn.

“Giữa chúng ta nói và chúng ta làm là khác nhau, rà đi, rà lại, chỉ bổ sung được dự toán có 18.000 tỷ đồng. Theo tinh thần Nghị quyết của Quốc hội, đến năm 2023, nếu không giải ngân được, sẽ trình Quốc hội chấm dứt, chứ không có chuyện đưa ra một gói, rồi sau đó lại cứ chuyển nguồn để làm lại, như thế không đúng tính chất là gói kích thích kinh tế”, Chủ tịch Quốc hội đưa ra thông điệp dứt khoát.

Là vấn đề trọng tâm của báo cáo trình Quốc hội, kết quả thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 cũng là vấn đề được các cơ quan của Quốc hội nhấn mạnh tại các báo cáo thẩm tra.

Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nêu rõ, căn cứ vào tiến độ được quy định trong Nghị quyết số 43/2022/QH15 và yêu cầu cấp bách của thực tiễn đặt ra, thì việc tổ chức triển khai đến nay là khá chậm.

Qua 5 tháng kể từ ngày thông qua Nghị quyết, căn bản nguồn vốn chưa đi vào thực tế, chưa phân bổ được vốn cho các dự án đầu tư thuộc Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, việc thực hiện điều hòa nguồn vốn giữa các dự án chậm. Các gói phục hồi liên quan đến y tế, giáo dục, công nghệ, chuyển đổi số đều chậm triển khai. Nếu đối chiếu với quy định về tiến độ giải ngân, thời hạn hoàn thành dự án quy định trong Nghị quyết số 43/2022/QH15, thì khó hoàn thành.

Nhận xét chung về tiến độ triển khai nhiều công việc khác bên cạnh Nghị quyết số 43/2022/QH15, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nói, ông có cảm giác “Quốc hội cần, nhưng các cơ quan chưa vội/Quốc hội vội, thì Quốc hội lội Quốc hội sang”. Tuy nhiên, nhiều việc Quốc hội không thể làm thay và cũng không thể làm trái thẩm quyền được.

Ông Trần Quang Phương dẫn chứng: “Quốc hội đã thông qua trên 100.000 tỷ đồng cho đầu tư công các công trình trọng điểm quốc gia. Nhưng với tình trạng hiện nay, tôi e đến cuối năm 2023 khó hoàn thành…”.

Chậm vì quá nhiều việc

Đồng tình với đánh giá việc thực hiện nhiều nội dung của Nghị quyết số 43/2022/QH15 là chậm, Phó thủ tướng Lê Minh Khái nêu nguyên nhân: “vì quá nhiều việc”. Dù vậy, theo Phó thủ tướng, cũng có những việc được làm rất nhanh. Đó là, Nghị quyết số 43/2022/QH15 ra đời ngày 11/1/2022, thì đến ngày 30/1/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP để triển khai. Sau 18 ngày ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15, Chính phủ đã có Nghị định số 15/2022/NĐ-CP quy định chính sách miễn, giảm thuế.

Phó thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, hiện nay, trong tổng số nguồn lực theo Nghị quyết số 43/2022/QH15, trừ đi 46.000 tỷ đồng mua vắc-xin và trang thiết bị y tế để phòng, chống dịch, còn lại cơ bản đã triển khai hết, chỉ còn danh mục dự án đầu tư là chưa trình.

Lý do chậm trình danh mục dự án để phân bổ vốn từ gói hỗ trợ, theo Phó thủ tướng, chủ yếu là do liên quan đến 14.000 tỷ đồng của các dự án ở các địa phương cho chương trình y tế dự phòng và y tế cơ sở, Bộ Y tế làm rất chậm.

“Vừa rồi, Thủ tướng đã giao Phó thủ tướng Vũ Đức Đam rà soát việc này, khi hoàn thành mới báo cáo được. Nếu làm không kịp, thì chắc cũng phải báo cáo sớm với Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo danh mục đầu tiên để Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, nếu đợi các dự án liên quan đến 14.000 tỷ đồng nói trên, thì rất chậm”, Phó thủ tướng Lê Minh Khái nêu giải pháp.

Vẫn theo Phó thủ tướng Lê Minh Khái, nhiều chính sách khác đã triển khai cơ bản là xong, như 38.400 tỷ đồng cho tín dụng xã hội. Đối với 40.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất thông qua ngân hàng thương mại cho doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh, Chính phủ đã lấy ý kiến thành viên Chính phủ để sớm ban hành. Sau đó, sẽ phát hành trái phiếu bảo lãnh của Chính phủ để có nguồn.

“Đúng là làm chính sách cũng khó, nhưng trong thời gian hơn 3 tháng mà làm được những chính sách này, có thể nói là các bộ, ngành rất cố gắng mới được. Chậm ở đây là chậm các dự án cơ sở hạ tầng, trong đó có cơ sở hạ tầng giao thông”, Phó thủ tướng trình bày.

Mục tiêu tăng trưởng năm 2022 không chỉ là 6 - 6,5%

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, mục tiêu tăng trưởng năm 2022 được Quốc hội thông qua là 6 - 6,5%. Nhưng khi trình Nghị quyết số 43/2022/QH15, Chính phủ đánh giá, gói hỗ trợ Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội sẽ làm cho GDP tăng thêm khoảng 2% nữa. Vì thế, cần đánh giá xem mục tiêu này có thể đạt được hay không.

Làm rõ ngân hàng nắm nhiều trái phiếu

Vấn đề rất “nóng” tại phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là hạn chế rủi ro từ trái phiếu doanh nghiệp.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh chia sẻ, có ý kiến cho rằng, giai đoạn vừa qua, thị trường bùng nổ phát hành trái phiếu, việc mua, bán, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của chính tổ chức tín dụng và các công ty chứng khoán thành viên hiện ở mức cao, cần được báo cáo, làm rõ.

Đến cuối tháng 3/2022, có 40 tổ chức tín dụng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp với tổng số dư là 326.500 tỷ đồng, tăng 19% so với cuối năm 2021. Tỷ trọng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp so với tổng dư nợ tín dụng đến cuối tháng 3/2022 là 2,95%. Tính đến hết tháng 3/2021, tổng số dư đầu tư trái phiếu doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực xây dựng, kinh doanh bất động sản của toàn hệ thống tổ chức tín dụng là 160.600 tỷ đồng (tăng 24,1% so với cuối năm 2021), chiếm tỷ trọng 49,2% so với tổng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của toàn hệ thống.

Nguyễn Lê
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục