Quốc hội sôi nổi tranh luận việc mua máy bay cho cảnh sát cơ động

0:00 / 0:00
0:00
Theo đại biểu, trang bị máy bay cho cảnh sát cơ động là một chính sách lớn, cần có báo cáo đánh giá tác động cụ thể và cân nhắc cẩn trọng.
Đại biểu Hoàng Đức Thắng tham gia thảo luận. Đại biểu Hoàng Đức Thắng tham gia thảo luận.

Sáng 26/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự thảo Luật Cảnh sát cơ động.

Dự thảo luật bổ sung thêm 2 quyền hạn mới phù hợp với yêu cầu thực tiễn thực hiện nhiệm vụ của Cảnh sát cơ động, như được mang theo người vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ vào cảng hàng không và lên tàu bay dân sự trong các trường hợp chống khủng bố, giải cứu con tin, trấn áp đối tượng có hành vi phạm tội nguy hiểm có sử dụng vũ khí; bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt, áp giải bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng và trường hợp sử dụng tàu bay riêng do cấp có thẩm quyền huy động để kịp thời cơ động giải quyết các vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự.

Hai là ngăn chặn, vô hiệu hóa phương tiện bay không người lái và các phương tiện khác trực tiếp tấn công, xâm phạm hoặc đe dọa tấn công, xâm phạm mục tiêu bảo vệ của Cảnh sát cơ động.

Dự luật cũng quy định "Cảnh sát cơ động được trang bị tàu bay, tàu thuyền".

Theo đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị), đây là một chính sách lớn, cần có báo cáo đánh giá tác động cụ thể và cân nhắc cẩn trọng.

Ông Thắng phân tích, các đơn vị quân đội, trong đó có bộ đội biên phòng, cảnh sát biển với công an nhân dân đã có việc phối hợp huy động phương tiện và đang thực hiện, vận hành tốt. Trong thực tế, khi thực hiện nhiệm vụ, cảnh sát cơ động cần phải sử dụng tàu bay, tàu thuyền không nhiều và không thường xuyên. Mặt khác, trong các tình huống cụ thể đã có cơ chế để các đơn vị quân đội cũng như các lực lượng khác phối hợp bảo đảm hoặc huy động phương tiện, thiết bị theo quy định.

Hiện nay, tàu bay của không quân nhân dân Việt Nam, tàu thuyền của bộ đội biên phòng, cảnh sát biển và các lực lượng liên quan khác đang bố trí khắp ở các khu vực tác chiến có thể huy động nhanh thì phối hợp với cảnh sát cơ động thực hiện nhiệm vụ trong mọi tình huống và bất cứ nơi nào theo yêu cầu quy định. Còn nếu vướng quy định pháp luật trong huy động, sử dụng thì xem xét trình Quốc hội điều chỉnh, bổ sung, hay cứ nhất thiết phải mua sắm riêng cho lực lượng cảnh sát cơ động mới thực hiện được nhiệm vụ? ông Thắng đặt vấn đề.

Mặt khác, đại biểu Thắng còn lo ngại việc trang bị tàu bay cho cảnh sát cơ động có làm phát sinh xung đột với việc quản lý bay, làm phức tạp thêm hoạt động quản lý vùng trời của lực lượng phòng không nhân dân hay không?

Việc trang bị loại phương tiện này chắc chắn sẽ tiêu tốn nguồn lực quốc gia rất lớn và nó cần được quản lý, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm. Đất nước chúng ta còn khó khăn nhưng đã dành dụm, ưu tiên rất lớn đầu tư nguồn lực, trang bị cho các lực lượng vũ trang bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ. Đó là tiền của nhân dân, tài sản quốc gia, nhất thiết phải được quản lý, sử dụng có trách nhiệm, hiệu quả, tiết kiệm, chứ nhất định không thể gây lãng phí không cần thiết, ông Thắng phát biểu.

Trang bị phương tiện tàu bay, tàu biển cho cảnh sát cơ động, theo tôi là không hợp lý, điều kiện nước ta hiện nay đang rất khó khăn, có cần thiết phải trang bị thứ đó hay không, đại biểu Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) phát biểu.

Dùng quyền tranh luận với cả hai vị trên, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hoà) cũng chia sẻ với các đại biểu là đất nước còn khó khăn, phải tiết kiệm.

Nhưng chúng ta cũng phải khẳng định một điều là cảnh sát cơ động là lực lượng chống khủng bố, bảo đảm an ninh trật tự, chống bạo loạn. Đây là một lực lượng nòng cốt, quan trọng nhất của công an, do đó, chúng ta không thể nói là vì tiết kiệm mà không trang bị cho họ tàu bay, tàu thủy, ông Thịnh nói.

"Tôi đồng tình là phải trang bị và chúng ta không nên tiết kiệm chuyện này, nếu tiết kiệm chuyện này, xảy ra chuyện gì thì chúng ta sẽ rất ân hận", đại biểu Thịnh thể hiện chính kiến.

Cũng dùng quyền tranh luận, đại biểu Nguyễn Minh Đức (TP.HCM) nói theo công ước quốc tế, khi có bạo loạn, có khủng bố xảy ra thì không bao giờ được phép sử dụng lực lượng quân đội để thực hiện hành vi trấn áp để bảo đảm an ninh quốc gia, mà lúc đó phải sử dụng lực lượng cảnh sát. Nếu như không trang bị sớm cho cảnh sát các loại phương tiện để đáp ứng yêu cầu đảm bảo an ninh quốc gia theo đúng tinh thần pháp luật của quốc gia, quốc tế thì rất khó khăn.

Phát biểu cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm không đề cập thẳng vào vấn đề được tranh luận sôi nổi nói trên. Ông cho biết tiếp thu ý kiến tham gia của các đại biểu Quốc hội, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ rà soát, chỉnh lý các quy định của dự thảo luật về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, huy động người, phương tiện, thiết bị, hợp tác quốc tế của cảnh sát cơ động và các nội dung khác, chặt chẽ, thống nhất với hệ thống pháp luật, tránh chồng chéo nhiệm vụ của các lực lượng khác.

Nguyễn Lê
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục