Quốc hội sắp sửa Luật Điện lực, có nội dung gỡ vướng các dự án điện lớn

(ĐTCK) Dự án Luật Điện lực (sửa đổi) dự kiến được trình và thông qua tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XV, gỡ vướng 3 nội dung quan trọng là quy hoạch điện; thực hiện đầu tư các dự án lớn, công trình điện quan trọng và giá điện, trong có giá điện sinh hoạt.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội trả lời tại buổi họp báo (Ảnh: M.Minh)

Chiều 20/10, tại họp báo về dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV, báo chí quan tâm đến dự án Luật Điện lực đang được Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua tại một kỳ họp.

Một số ý kiến đặt câu hỏi đến cơ quan thẩm tra dự án Luật này của Quốc hội, đề nghị cho biết nội dung và tính cấp thiết của dự án Luật này.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận thấy đây là một dự án luật rất quan trọng, có mục tiêu giải quyết những vướng mắc của thực tiễn, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

"Với tính chất cấp thiết như vậy, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội thống nhất Luật này có thể thông qua tại một kỳ họp nhưng phải đáp ứng các điều kiện", ông Tuấn Anh thông tin.

Theo đó, với mong muốn giải quyết các vướng mắc, để được thông qua tại một kỳ họp, dự án luật cần tập trung vào chính sách lớn, chính sách quan trọng, cần giải quyết ngay. Những chính sách khác nếu có những vướng mắc nhưng chưa cấp thiết thì trình sau, có thể là thông qua nghị quyết.

Toàn cảnh buổi họp báo

Bên cạnh đó, trong quá trình thảo luận, các cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra phải tiếp thu đầy đủ ý kiến của đại biểu Quốc hội và các cơ quan có liên quan.

Cuối cùng, dự án Luật này phải được các đại biểu Quốc hội nhất trí thông qua quy trình rút gọn, cho phép thông qua tại một kỳ họp.

Thông tin về nội dung của dự án Luật Điện lực (sửa đổi), ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết, dự án Luật có 3 nội dung rất quan trọng, thuộc thẩm quyền của Quốc hội, hiện đang gặp nhiều vướng mắc. Đó là quy hoạch điện; thực hiện đầu tư các dự án điện lớn, công trình quan trọng và giá điện, trong có giá điện sinh hoạt.

"Luật Điện lực sửa đổi sẽ giải quyết bất cập về giá điện sinh hoạt, là vấn đề nhận được nhiều ý kiến trái chiều thời gian qua", ông Tuấn Anh nói.

Trước đó, khi trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) vào tháng 8/2024, Chính phủ đề xuất bổ sung quy định cơ cấu biểu giá bán lẻ hợp lý, giảm dần và tiến tới xóa bỏ bù chéo giá giữa các vùng miền và nhóm khách hàng không tham gia thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Cơ chế giá điện cũng được áp dụng phù hợp với các nhóm khách hàng có mức tiêu thụ điện lớn.

Theo dự thảo, Chính phủ sẽ là cơ quan có thẩm quyền trong ban hành cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện, thay vì Thủ tướng. Cụ thể, Chính phủ ban hành Nghị định về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện, trong đó nêu cụ thể thẩm quyền theo từng mức điều chỉnh giá. Thời gian điều chỉnh giá cũng được rút xuống còn 3 tháng, thay vì 6 tháng hiện nay.

Ngoài ra, một điểm mới tại dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) lần này là đề cập tới phát triển điện hạt nhân. Theo đó, điện hạt nhân là một trong số loại năng lượng mới, do Nhà nước độc quyền trong đầu tư xây dựng các dự án nhà máy điện hạt nhân, bên cạnh độc quyền về đầu tư nhà máy thủy điện đa mục tiêu và các dự án nguồn, lưới điện khẩn cấp; điều độ hệ thống điện...

Minh Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục