Quốc hội quyết định danh mục hàng hoá bình ổn giá là "chia sẻ với Chính phủ"

0:00 / 0:00
0:00
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau tại Dự thảo Luật Giá (sửa đổi).
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp

Mở đầu phiên họp thứ 21, sáng 15/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Giá (sửa đổi).

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách (cơ quan thẩm tra dự án luật) Nguyễn Phú Cường cho biết, quá trình tiếp thu, chỉnh lý sau kỳ họp thứ tư của Quốc hội, về bình ổn giá vẫn còn ý kiến khác nhau.

Cụ thể, về thẩm quyền quyết định danh mục hàng hóa thuộc diện bình ổn giá, nhiều đại biểu Quốc hội và cơ quan thẩm tra đề nghị giữ như quy định của luật hiện hành, theo đó, cần quy định rõ mặt hàng bình ổn giá trong luật, trường hợp cần điều chỉnh, giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Vì, giá là vấn đề ảnh hưởng, tác động trực tiếp đến từng người dân, doanh nghiệp, liên quan ổn định thị trường, do đó, cần được quy định cụ thể trong luật nhằm tạo sự công khai, minh bạch, đặc biệt nhằm tránh việc lạm dụng để mở rộng phạm vi các mặt hàng thuộc diện bình ổn giá, hạn chế sự can thiệp từ cơ quan quản lý nhà nước đến quy luật cung cầu; bảo đảm tính pháp lý chắc chắn, ổn định, giúp doanh nghiệp, người dân đang kinh doanh những mặt hàng thuộc diện bình ổn giá có chiến lược kinh doanh phù hợp. Đồng thời, việc quy định rõ danh mục các mặt hàng bình ổn giá trong Luật cũng khắc phục tình trạng “luật khung, luật ống”.

Để bảo đảm tính linh hoạt, kịp thời, Luật Giá hiện hành cũng đã quy định trường hợp cần điều chỉnh danh mục các mặt hàng bình ổn giá, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định (Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp hằng tháng và có thể họp bất thường để kịp thời quyết định), ông Cường nhấn mạnh.

Nhưng, cơ quan soạn thảo đề nghị giao Chính phủ quy định mặt hàng bình ổn giá, một trong các lý do là, nếu tiếp tục giữ như hiện hành, mặc dù không có vướng mắc, nhưng cần thêm thời gian nhất định để thực hiện quy trình thẩm tra và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định. Do việc xác định danh mục là hoạt động có tính điều hành, nên từ thực tiễn triển khai thời gian qua cho thấy, nếu giao Chính phủ để gắn với trách nhiệm trong triển khai hoạt động này cũng phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ.

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, việc thay đổi danh mục mặt hàng bình ổn giá có tác động lớn đến quyền và nghĩa vụ của công dân và doanh nghiệp.

Để linh hoạt hơn, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, quyền quyết định thay đổi danh mục vẫn là của Quốc hội, nhưng trong thời gian Quốc hội không họp, có thể ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội trên cơ sở đề nghị của Chính phủ.

"Như thế, thực chất là chia sẻ trách nhiệm cho Chính phủ thôi chứ không phải khó khăn gì", Chủ tịch Vương Đình Huệ khẳng định.

Dự thảo luật dành một điều quy định về quỹ bình ổn giá. Ông Huệ cũng cho rằng, nên nghiên cứu quy định các biện pháp bình ổn giá, chứ không chỉ là quỹ bình ổn giá ở điều này. Vì, các biện pháp bỉnh ổn giá vừa phải theo quy luật thị trường, nhưng phải có định hướng quản lý của nhà nước để hài hoà lợi ích của nhà nước, doanh nghiêp và người dân. Có những tình huống bất ngờ như thiên tai, địch hoạ, khi đó xuất hiện rất nhiều người đầu cơ trục lợi thì nhà nước phải đưa ra các biện pháp đặc biệt để bình ổn giá.

Nên chăng, mở rộng các biện pháp bình ổn giá để tương thích Luật Phòng thủ dân sự và các luật khác có liên quan. Quỹ bình ổn chỉ là một giải pháp, còn quy định các biện pháp sẽ tạo cơ sở cho cơ quan nhà nước có thầm quyền đưa ra những biện pháp đặc biệt, đôi khi có biện pháp hành chính chứ không thuần tuý thị trường, Chủ tịch Quốc hội phân tích.

Đồng tình quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, quy định về bình ổn giá nên đặt trong tổng thể lớn hơn để có biện pháp mạnh hơn.

Ông Tùng cũng đồng tình với phương án giữ như quy định hiện hành về thẩm quyền quyết định danh mục hàng hóa thuộc diện bình ổn giá.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho hay, Thường trực Ủy ban này cho rằng, cần giữ quy định về Quỹ bình ổn giá trong Luật Giá nhằm tạo cơ sở pháp lý cũng như bảo đảm cho công tác tổ chức thực hiện đối với các trường hợp cần thiết phát sinh. Ngoài ra, việc giữ quy định về thành lập quỹ như Dự thảo Luật nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý đối với Quỹ bình ổn giá xăng dầu đang hoạt động.

Nên để quỹ như một công cụ bình ổn thôi, nhưng cần tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện cơ chế làm sao để công khai minh bạch, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Riêng với quỹ bình ổn giá xăng dầu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, tại phiên giải trình vừa qua thì nhiều ý kiến cho rằng chưa đảm bảo đúng mục đích.

Ông Thanh dẫn chứng, qua theo dõi hoạt động của quỹ này thì ngày 21/6/2022 giá xăng dầu cao đỉnh điểm mà quỹ chả tác động gì.

Thường trực Ủy ban Kinh tế có hai luồng ý kiến có nên giữ lại hay không, đây là vấn đề hết sức trăn trở, ý kiến cá nhân tôi là có thể giữ, nhưng nếu giữ lại quỹ thì phải hoàn thiện cơ chế quản lý hiệu quả hơn, ông Thanh phát biểu.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị các cơ quan liên quan tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật để xin ý kiến đại biểu Quốc hội chuyên trách trước khi tiếp tục trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023).

Nguyễn Lê
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục