Trong ngày làm việc 24/3, Quốc hội thảo luận ở tổ về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2015, giai đoạn 2011 - 2015 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020.
Để nền kinh tế trong năm nay, cũng như giai đoạn 5 năm tới phát triển lành mạnh, hiệu quả hơn, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị cần xóa bỏ tình trạng “xin - cho”, tư tưởng bao cấp vẫn còn tồn tại trong hoạch định và triển khai chính sách phát triển kinh tế.
Chính phủ đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm tới đạt 6,5 - 7%/năm. Đến năm 2020, GDP bình quân đầu người khoảng 3.200 - 3.500 USD. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm bằng khoảng 32 - 34% GDP, trong đó tổng vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước 2.106.000 tỷ đồng (gồm phát hành trái phiếu chính phủ giai đoạn 2017 - 2020 là 200.000 tỷ đồng); bội chi ngân sách nhà nước đến năm 2020 còn khoảng 4% GDP...
Để hiện thực hóa mục tiêu trên, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, Chính phủ cần tập trung chỉ đạo giải quyết cơ bản những bất cập trong 2 năm đầu của kế hoạch 5 năm tới nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ toàn diện, nhất là cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính, giảm bội chi ngân sách, tháo gỡ khó khăn DN...
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu, Chính phủ cần tiếp tục cơ cấu lại thị trường tài chính, bảo đảm cơ cấu hợp lý giữa thị trường tiền tệ, thị trường vốn và bảo hiểm.
Quan tâm phát triển nhanh thị trường vốn và thị trường bảo hiểm, tiếp tục phát triển TTCK lành mạnh, phát triển nhanh thị trường trái phiếu, cổ phiếu, tạo kênh thu hút vốn xã hội để đầu tư phát triển, góp phần cơ cấu lại hoạt động thị trường tiền tệ phù hợp giai đoạn phát triển mới. Tiếp tục tái cơ cấu các tổ chức tín dụng gắn với xử lý giảm nợ xấu, bảo đảm an toàn hệ thống; thực hiện minh bạch và áp dụng quản trị ngân hàng theo chuẩn mực, thông lệ quốc tế.