Quốc hội lo nợ công tăng nhanh và bong bóng bất động sản

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khi thẩm tra báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội của Chính phủ đã bày tỏ mối lo ngại khi thâm hụt ngân sách và nợ công vẫn đang ở mức cao, tiếp tục gây sức ép trả nợ và tạo rủi ro đối với phát triển bền vững của nền kinh tế.     
Quốc hội lo nợ công tăng nhanh và bong bóng bất động sản

Đọc báo cáo thẩm tra về Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016; kết quả thực hiện những tháng đầu năm 2017, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của quốc hội cho biết, Ủy ban cơ bản tán thành với báo cáo của Chính phủ đã nêu.

Đó là kinh kinh tế vĩ mô ổn định, với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 so với tháng 12 năm 2016 tăng 0,9%; tín dụng tăng 5,75%, cao nhất so với cùng kỳ trong 6 năm gần đây; xuất khẩu tăng 16,8%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký mới, bổ sung và góp cổ phần đạt 10,6 tỷ USD, tăng 40,5%...

Tuy nhiên, ông Thanh cũng đặc biệt nhấn mạnh những khó khăn, thách thức mà nền kinh tế đang phải đối mặt. Đó là tăng trưởng chưa thực sự bền vững, quý I chỉ ước đạt 5,1% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng trưởng thấp nhất so với những năm gần đây.

Cần tiếp tục tăng cường kiểm soát rủi ro trong cho vay đối với lĩnh vực bất động sản, nhất là thị trường bất động sản phân khúc cao cấp để giảm thiểu nguy cơ về bong bóng bất động sản như thời gian trước đây

- Ủy ban Kinh tế của Quốc hội 

“Tăng trưởng quý I/2017 ở mức thấp có nguyên nhân từ việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế chậm, nền kinh tế vẫn phụ thuộc lớn vào các ngành khai khoáng, chưa tìm được động lực mới thay cho công nghiệp khai khoáng và chưa tận dụng khai thác được thị trường nội địa”, ông Thanh nói và đề nghị Chính phủ cần có đánh giá khi tốc độ tăng trưởng GDP giảm sẽ tác động như thế nào đến các chỉ tiêu khác như tỷ lệ nợ công, bội chi ngân sách...

Bên cạnh đó, cần phải cân nhắc kỹ lưỡng giải pháp thực hiện việc tăng thêm sản lượng khai thác dầu thô và hoạt động khai khoáng nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng.

Cùng với đó, Ủy ban Kinh tế cũng bày tỏ quan ngại trước thực tế thâm hụt ngân sách và nợ công ở mức cao, tiếp tục gây sức ép trả nợ và tạo rủi ro đối với phát triển bền vững của nền kinh tế.

Theo số liệu mới nhất, tính đến ngày 27/3/2017, tỷ lệ nợ công/GDP khoảng 61,5%, trong đó nợ Chính phủ khoảng 51% GDP; nợ được Chính phủ bảo lãnh 9,8% GDP và nợ chính quyền địa phương khoảng 0,7% GDP. Dự kiến đến hết năm 2017, tỷ lệ nợ công/GDP khoảng 64,6% GDP (GDP kế hoạch năm 2017 là 4.800.000 tỷ đồng).

“Có ý kiến cho rằng, cần kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách theo Nghị quyết của Quốc hội do dự báo tốc độ tăng trưởng GDP năm 2017 khó đạt 6,7%, trong khi thực hiện chi chuyển nguồn vốn trái phiếu Chính phủ năm 2016 sang năm 2017 và vốn vay ODA thực tế cao hơn so với dự toán”, ông Thanh nhấn mạnh.

Cũng liên quan tới các khó khăn, thách thức mà nền kinh tế đang phải đối mặt, ông Thanh đã nhắc tới con số tăng trưởng tín dụng 4 tháng đầu năm tăng 5,75% so với cuối năm 2016 để khẳng định rằng, cần phân tích về khả năng hấp thụ vốn của các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh.

“Cũng cần tiếp tục tăng cường kiểm soát rủi ro trong cho vay đối với lĩnh vực bất động sản, nhất là thị trường bất động sản phân khúc cao cấp để giảm thiểu nguy cơ về bong bóng bất động sản như thời gian trước đây”, báo cáo của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề cập.

Phát biểu trước Quốc hội, người đứng đầu Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng bày tỏ sự lo ngại khi các doanh nghiệp nhà nước chưa nghiêm túc thực hiện quy định và công bố thông tin.

Cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước hiệu quả thấp do sự thiếu kiên quyết thực hiện của người đứng đầu doanh nghiệp và tâm lý chờ đợi các cơ quan có thẩm quyền thống nhất chủ trương thành lập cơ quan đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

“Nợ xấu còn cao, chưa được xử lý triệt để, còn là gánh nặng của nền kinh tế, kìm hãm việc giảm lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng. Dư nợ thuế tuy đã được cải thiện, nhưng còn ở mức cao và chưa có giải pháp khắc phục hữu hiệu, nhất là chống chuyển giá tại các tập đoàn, doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài”, ông Thanh nói.

Nguyên Đức
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục