Quốc hội cho ý kiến về thí điểm không tổ chức Hội đồng Nhân dân cấp phường tại Hà Nội

177 phường thuộc 12 quận và thị xã Sơn Tây của TP. Hà Nội sẽ thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng Nhân dân phường khi Nghị quyết của Quốc hội chính thức được thông qua.
177 phường thuộc 12 quận và thị xã Sơn Tây của TP. Hà Nội sẽ thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng Nhân dân phường khi Nghị quyết của Quốc hội chính thức được thông qua 177 phường thuộc 12 quận và thị xã Sơn Tây của TP. Hà Nội sẽ thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng Nhân dân phường khi Nghị quyết của Quốc hội chính thức được thông qua

Sáng nay (29/10), Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày trước Quốc hội Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về thí điểm không tổ chức HĐND tại các phường thuộc quận, thị xã của thành phố Hà Nội. Sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết trên. 

Các đại biểu sẽ thảo luận vấn để này ở tổ trong ngày mai và biểu quyết thông qua Nghị quyết về thí điểm không tổ chức HĐND tại các phường thuộc quận, thị xã của thành phố Hà Nội vào ngày 27/11. 

Trước đó, tại phiên họp thẩm tra dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND phường tại Hà Nôi, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cho biết, xuất phát từ những cơ sở lý luận, thực tiễn và cơ sở chính trị, pháp lý, việc trình Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết về thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND phường tại thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021 - 2026 là cần thiết để tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc từng bước đổi mới mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, đáp ứng những đòi hỏi từ thực tiễn quá trình phát triển và yêu cầu quản lý nhà nước trên địa bàn thành phố Hà Nội nói riêng và chính quyền đô thị trên cả nước nói chung.

Giảm biên chế, chi phí

Với cơ cấu tổ chức bộ máy chính quyền HĐND và UBND quận, phường như hiện nay, theo Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo, vẫn còn tồn tại nhiều tầng nấc trung gian, chưa hợp lý với đặc điểm, tính chất các đơn vị hành chính nội bộ, chưa tinh gọn, hiệu quả. 

Cụ thể, HĐND quận, thị xã, phường về thực chất chưa quyết định được những vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội trên địa bàn mà chủ yếu do chính quyền thành phố quyết định. Cơ chế hoạt động tập thể UBND còn chưa hợp lý, chưa phát huy được vai trò, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu. 

Tổ chức bộ máy HĐND các cấp của TP. Hà Nội hiện nay gồm HĐND thành phố hiện có 102 đại biểu, trong đó có 18 đại biểu chuyên trách, chiếm tỉ lệ 17,6%. Tương tự, HĐND mỗi quận, huyện, thị xã của TP. Hà Nội có từ 30-40 đại biểu, chủ tịch HĐND quận, huyện, thị xã đồng thời kiêm Bí thư quận ủy, huyện ủy hoặc thị ủy.

Số lượng đại biểu HĐND mỗi phường, xã, thị trấn trong khoảng từ 25-30 đại biểu, trong đó số lượng đại biểu là cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ hưu chiếm tương đối, số còn lại hầu hết là cán bộ, công chức đương chức của phường. Như vậy, nếu xóa bỏ tổ chức Hội đồng nhân dân tại 177 phường trên địa bàn, TP. Hà Nội sẽ giảm được từ 2.900 - 3.500 cán bộ HĐND cấp phường.

Đồng thời, với việc dự kiến xây dựng mô hình tổ chức hai cấp chính quyền (cấp thành phố và quận) và cơ quan hành chính tại phường ở khu vực đô thị; mô hình tổ chức ba cấp chính quyền (cấp thành phố; cấp huyện, thị xã và xã, thị trấn) ở khu vực nông thôn thì HĐND quận, huyện, thị xã tập trung vào thực hiện chức năng giám sát là chính, chỉ quyết định những công việc được phân cấp, phân quyền quản lý và những công việc riêng có của địa phương; không quyết lại những vấn đề mà chính quyền cấp trên đã quyết.

Trong khi đó, nhiệm vụ chính của UBHC phường là thực hiện một số công việc cụ thể của quản lý hành chính nhà nước và cung ứng một số dịch vụ công theo phân cấp và ủy quyền của UBND quận. Do không tổ chức HĐND ở phường nên phường không phải là một cấp quy hoạch, một cấp ngân sách. UBHC phường cũng không có nhiệm vụ, quyền hạn trong quản lý quy hoạch và quản lý ngân sách.

Ủy ban hành chính hay Ủy bản nhân dân?

Trước ý kiến của một số thành viên UBTV Quốc hội đề nghị làm rõ mô hình UBND phường khi không có HĐND phường, thực chất khi đó là uỷ ban hành chính chứ không phải UBND, tuy nhiên tên gọi trong dự thảo nghị quyết vẫn ghi UBND, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết: Thực hiện Kết luận 46 của Bộ Chính trị, Bộ Nội vụ phối hợp với các bộ ngành liên quan và TP. Hà Nội chuẩn bị cả nội dung thí điểm không tổ chức HĐND phường và cơ chế chính sách đặc thù cho Hà Nội.

Tuy nhiên, Chính phủ mới thông qua nội dung thí điểm vì chính sách đặc thù liên quan đến nhiều bộ ngành. Về tên gọi, ngay trong Kết luận 46 cũng thể hiện là UBND phường.

Về phía lãnh đạo Hà Nội, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết, về tên gọi, đúng là hoạt động của UBND sau này sẽ hoạt động như Ủy ban hành chính nhưng sau khi tính kỹ lưỡng thì quyết định vẫn lấy tên là UBND. Việc này cũng phù hợp với Kết luận trong Kết luận 46 của Bộ Chính trị.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng khẳng định, việc này cũng sẽ tiện cho việc luân chuyển cán bộ giữa các phường. Hơn nữa nếu thay đổi tên gọi là Ủy ban hành chính thì toàn bộ hồ sơ lý lịch của dân cư (khoảng 5 triệu người) sẽ phải thay đổi; sổ đỏ, chứng minh thư đã cấp cũng sẽ phải thay đổi sẽ rất phức tạp. Đặc biệt, nếu đổi thành Ủy ban hành chính thì tiến độ xây dựng chính quyền điện tử của thành phố Hà Nội sẽ bị chậm lại.

“Để lại tên gọi UBND phường cũng phù hợp với nguyện vọng của người dân”, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung nói. 

Thời gian thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND cấp phường trong nhiệm kỳ 2021-2026 của HĐND. Tại những nơi thực hiện thí điểm, HĐND phường kết thúc nhiệm kỳ 2016-2021 vào ngày 1-6-2021, UBND phường nhiệm kỳ 2016-2021 tiếp tục hoạt động cho đến khi UBND mới được thành lập.

Thu Trang
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục