10 năm mòn mỏi đòi đất
Theo nội dung trong đơn tố cáo của ông H.Q.V gửi đến cơ quan chức năng, Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai có dấu hiệu không minh bạch, thất tín trong hoạt động kinh doanh bất động sản, cụ thể là với sản phẩm đất nền tại Dự án Khu dân cư lô số 4 - Khu 6B (Khu dân cư 6B) thuộc xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP.HCM.
Cụ thể, ông H.Q.V cho biết, năm 2007, ông có ký hợp đồng mua lại 1 lô đất có diện tích 125 m2 với giá hơn 4 tỷ đồng của bà Lê Thị Diệu Minh - người trực tiếp ký hợp đồng góp vốn mua nền đất với Công ty Quốc Cường Gia Lai tại Dự án Khu dân cư 6B. Khi ông H.Q.V ký hợp đồng mua lại lô đất này, đại diện Công ty Quốc Cường Gia Lai là ông Nguyễn Quốc Cường, Phó tổng giám đốc đã đứng ra xác nhận và chủ đầu tư thu hơn 4 triệu đồng tiền phí chuyển nhượng.
“Tôi là người nhận chuyển nhượng từ bà Minh, có trưởng phòng và nhân viên của Công ty Quốc Cường Gia Lai làm thủ tục, kèm theo bản đồ lô đất rõ ràng. Ông Nguyễn Quốc Cường, Phó tổng giám đốc Công ty cũng đã ký xác nhận việc chuyển nhượng này”, ông H.Q.V cho biết.
Theo ông V., trong hợp đồng ghi rõ, Công ty Quốc Cường Gia Lai sẽ hoàn thành xây dựng hạ tầng để giao mặt bằng cho khách hàng trong 5 tháng kể từ ngày ký Hợp đồng, nhưng đến nay, đã 10 năm trôi qua, ông vẫn chưa nhận được nền đất để xây dựng, mặc dù đã nhiều lần liên hệ với phía chủ đầu tư để giải quyết.
Ông V. cho biết, sau khi xem qua tài liệu Đại hội đồng cổ đông năm 2015 của Công ty Quốc Cường Gia Lai thấy trong mục tổng hợp dự án đất nền có ghi về Dự án Khu dân cư 6B: “Khu nhà phố 6B đã có quyết định thu hồi và giao đất, đã triển khai thi công hạ tầng kỹ thuật và dự kiến quý IV/2015 hoàn thành”, ông đã liên hệ với Công ty Quốc Cường Gia Lai và được công ty này cử ông Trần Thanh Tuấn, Giám đốc Pháp lý đại diện xử lý, nhưng đến nay vẫn không có kết quả.
Tuy nhiên, trong văn bản gửi ông V. ngày 1/6/2016 do ông Nguyễn Quốc Cường, Phó tổng giám đốc ký lại không đưa ra kế hoạch thực hiện hợp đồng và thời gian giao đất cho khách hàng. Ngược lại, đại diện công ty này lại cho rằng, do chính sách của Nhà nước, nên không thực hiện được hợp đồng này.
“Theo bản đồ khu đất thì không chỉ cá nhân tôi mà còn các khách hàng mua 72 lô đất khác cũng chịu tình cảnh tương tự”, ông H.Q.V bức xúc.
Chủ đầu tư nhận sai sót
Theo kết quả xác minh về pháp lý dự án của cơ quan điều tra tại Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý đầu tư xây dựng khu Nam, Dự án Khu dân cư 6B thuộc Khu đô thị mới Nam Thành phố được UBND TP.HCM giao cho Công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh nhà (Intresco) làm chủ đầu tư.
Ngày 8/1/2008, dự án đã được Ban quản lý khu Nam phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 tại Quyết định số 04/QĐ-BQL và phê duyệt điều chỉnh quy hoạch vào tháng 8/2010. Đồng thời, tháng 11/2009, Ban quản lý khu Nam đã có quyết định về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình Khu dân cư lô số 4 - Khu 6B; phê duyệt bổ sung theo Quyết định số 78/QĐ-BQLKN ngày 12/9/2013...
Ngày 22/10/2010, UBND TP.HCM có quyết định giao đất Dự án Khu dân cư 6B cho Intresco và đến tháng 3/2014, UBND TP.HCM quyết định phê duyệt cho phép chuyển đổi nhà ở thương mại sang làm nhà ở xã hội tại Dự án Chung cư lô A - Khu dân cư 6B.
Tuy nhiên, trước đó, từ ngày 29/6/2007, Intresco đã ký hợp đồng hợp tác đầu tư Dự án lô số 4 - Khu 6B với Công ty Quốc Cường Gia Lai. Theo hợp đồng này, Công ty Quốc Cường Gia Lai góp 95% vốn trong tổng mức đầu tư tạm tính của dự án khoảng 155 tỷ đồng để được trọn quyền kinh doanh dự án và hưởng lợi nhuận theo tỷ lệ góp vốn.
Đến tháng 8/2014, Intresco mới ký hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ dự án lại cho Công ty Quốc Cường Gia Lai với giá hơn 12 tỷ đồng. Tại thời điểm này, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM chỉ mới cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 5.045,2 m2 thuộc diện tích Chung cư lô A (nhà ở xã hội) của dự án. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất này được chuyển nhượng lại cho Công ty Quốc Cường Gia Lai vào ngày 4/9/2014.
Trong nhiều năm qua, có không ít khách hàng khởi kiện Công ty Quốc Cường Gia Lai về việc thu tiền nhưng không giao đất và với tư cách là bên có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, nhưng phía Intresco đã từ chối lời mời của Tòa án.
Phía Intresco cho rằng, theo hợp đồng hợp tác đầu tư ký ngày 29/6/2007, thì trách nhiệm của Intresco là đại diện về mặt pháp lý cho hai bên trong việc lập các thủ tục đầu tư và thủ tục kinh doanh dự án. Còn phía Công ty Quốc Cường Gia Lai chịu trách nhiệm giải tỏa đền bù, xây dựng hạ tầng kỹ thuật, kinh doanh và quản lý dự án, trọn quyền kinh doanh dự án theo giá cả thỏa thuận với khách hàng và có thông qua ý kiến của Intresco.
Tuy nhiên, có nhiều hợp đồng ký với khách hàng, nhưng Công ty Quốc Cường Gia Lai không thông qua ý kiến của Intresco. Do đó, việc khách hàng khởi kiện và yêu cầu Công ty Quốc Cường Gia Lai hoàn trả tiền vốn góp theo hợp đồng góp vốn đã ký kết giữa 2 bên không liên quan gì đến Intresco.
Làm việc với cơ quan chức năng, đại diện Công ty Quốc Cường Gia Lai là ông Trần Thanh Tuấn, Phó giám đốc Kinh doanh - Dịch vụ hậu mãi cho biết, dự án này Công ty nhận chuyển nhượng lại từ năm 2014, nhưng do ông chỉ được giao nhiệm vụ kinh doanh sản phẩm nhà ở xã hội thuộc Chung cư lo A, nên toàn bộ pháp lý của dự án ông không nắm được.
Đại diện công ty này cho biết thêm, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do giá tiền sử dụng đất phải nộp đã tăng lên đến 40 - 50 lần so với trước đây và một số hộ dân đã nhận đền bù tái lấn chiếm đất, nên chưa thể triển khai dự án. Đồng thời, đại diện Quốc Cường Gia Lai cũng thừa nhận, Công ty có sai sót trong việc bán đất nền và chậm giao đất cho ông H.Q.V.
Từ kết quả xác minh và làm việc với đại diện chủ đầu tư, Cục An ninh kinh tế nông, lâm, ngư nghiệp kết luận rằng, thực chất đây là hình thức mua bán, chuyển nhượng bất động sản theo hình thức ứng tiền trước, trả chậm, trả dần.
Thời điểm ký hợp đồng, chủ đầu tư dự án là Intresco chưa được phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500; chưa có quyết định giao đất, cũng như chưa hoàn thành việc đền bù, giải phóng mặt bằng và chưa được cấp sổ đỏ.
Do đó, việc Công ty Quốc Cường Gia Lai thực hiện việc mua bán, chuyển nhượng dự án đất nền tại Khu dân 6B để huy động vốn khi chưa đảm bảo các điều kiện pháp lý, vi phạm quy định của Luật Kinh doanh bất động sản năm 2006.
Vụ việc này cũng một lần nữa cho thấy hệ lụy từ việc giao dự án cho những doanh nghiệp không có thực lực làm chủ đầu tư. Từ đó tạo cơ hội để những doanh nghiệp kiểu này đem chuyển nhượng, mua bán lòng vòng, dẫn đến tình trạng dự án chậm triển khai. Việc này không chỉ gây ảnh hưởng chung đến quy hoạch phát triển đô thị, mà còn gây thiệt hại cả cho người bị giải tỏa, di dời, cũng như người mua đất nền, căn hộ.