"Quay xe" chính sách sẽ tạo nhiều thuận lợi cho thị trường trái phiếu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhận định trên được các chuyên gia chia sẻ trong buổi Talkshow Chọn danh mục kỳ thứ 8 Phần II  với chủ đề "Chờ tín hiệu tích cực" do Báo Đầu tư tổ chức vào sáng ngày 16/12. 

Tại buổi Talkshow, ông Phùng Trung Kiên, Giám đốc Phân tích CTCK AIS nhận định, dự thảo sửa đổi nghị định 65 của Bộ Tài chính nếu được thông qua sẽ hỗ trợ nhiều cho các doanh nghiệp phát hành trái phiếu trong năm 2023, đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản.

Chính sách này sẽ tạo thêm không gian, dư địa và thời gian cho các doanh nghiệp tái cơ cấu lại tình hình tài chính, thỏa thuận lại với các trái chủ, hoán đổi tài sản từ trái phiếu sang các tài sản khác.

Ông Kiên đánh giá, các thông tin này sẽ là tốt cho TTCK và các doanh nghiệp bất động sản, điều này đang được phản ánh vào thị trường.

“Đợt vừa qua, TTCK đã có sự bật hồi khá tốt, mức tăng trung bình từ 20 - 25%, thanh khoản cũng đã có sự cải thiện”, ông Kiên phân tích.

Ông Phùng Trung Kiên, Giám đốc Phân tích CTCK AIS

Ông Phùng Trung Kiên, Giám đốc Phân tích CTCK AIS

Trước đó, thanh khoản TTCK trong tháng 9, 10 chỉ đạt khoảng 10.000 tỷ đồng/phiên, nhưng từ giữa tháng 11 đến nay, thanh khoản đã tăng lên khoảng 15.000 - 17.000 tỷ đồng/phiên, đặc biệt có những phiên thanh khoản lên tới trên 20.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, khối ngoại cũng đã mua ròng hơn 16.000 tỷ đồng trong tháng 11 và nửa đầu tháng 12 mua ròng hơn 6.000 tỷ đồng, tương ứng tổng giá trị mua ròng xấp xỉ 1 tỷ USD. Ông Kiên đánh giá điều này là khá tích cực vì khối ngoại đã có tầm nhìn về triển vọng tốt hơn trong năm 2023 của Việt Nam.

Đồng quan điểm với ông Kiên, ông Huỳnh Minh Tuấn, Founder, Tổng giám đốc Công ty Đầu tư FIDT nhận định, trong bối cảnh khủng hoảng thanh khoản, thị trường trái phiếu mất niềm tin, bất động sản mua khó bán khó, thì câu chuyện tìm dòng tiền là câu chuyện quan trọng nhất.

Ông Huỳnh Minh Tuấn, Founder, Tổng giám đốc Công ty Đầu tư FIDT

Ông Huỳnh Minh Tuấn, Founder, Tổng giám đốc Công ty Đầu tư FIDT

Theo ông Tuấn, câu chuyện “quay xe” về chính sách như tăng cung tiền, sửa đổi Nghị định 65 để giảm các điều kiện cho vay của thị trường trái phiếu, cho thấy các cơ quan quản lý thị trường tài chính cũng thấy được việc cần có sự “hà hơi” tiếp sức cho thị trường tài chính đi qua cuộc khủng hoảng thanh khoản này.

Nhìn xa hơn, có thể thấy việc các chỉ số vĩ mô đang đi xuống cũng là một nguyên nhân cần có sự hỗ trợ về chính sách trong giai đoạn này để tạo ra nền tảng tâm lý ổn định hơn cho nhà đầu tư, doanh nghiệp thích nghi với bối cảnh kinh tế như hiện nay. “Tôi đánh giá đây là động thái phù hợp ở hiện tại và sẽ tạo ra những tín hiệu tích cực hơn, dễ thở hơn về mặt thanh khoản cho thị trường”, ông Tuấn kết luận.

Diệp Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục