
>> Diễn biến mới về vụ cổ đông dự án Hapulico kiện nhau
Nhưng chỉ 9 ngày sau, với thủ thuật (bị pháp luật cấm) của mình, Cty Ba Đình đã rút lại toàn bộ vốn góp. Khi bị HĐQT Cty Hapulico truất quyền thành viên do không còn vốn góp thì... Cty Ba Đình đi kiện(!?) và điều dễ hiểu là Cty Hapulico đã phản tố.
Nội dung vụ việc
Nhằm thực hiện dự án đầu tư tại số 1 Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân (ảnh), Cty Hapulico được thành lập trên cơ sở hợp đồng nguyên tắc giữa 5 doanh nghiệp với số vốn điều lệ 110 tỉ đồng. Trong đó, Cty Ba Đình phải góp 40,6 tỉ đồng (số làm tròn). Cty Ba Đình đã đi vay 21 tỉ đồng để góp vốn vào Cty Hapulico, sau đó, ông Nguyễn Tiến Trung (với tư cách GĐ Cty Hapulico) đem số tiền này đi bảo lãnh để Cty Ba Đình (do ông Trung làm Chủ tịch HĐQT) đi vay 20 tỉ đồng nữa để góp vốn cho Cty Hapulico. 9 ngày sau khi góp đủ vốn điều lệ, ông Trung lần lượt ký 3 hợp đồng tín dụng để cho Cty Ba Đình vay 45 tỉ đồng (góp vốn 41 tỉ đồng, “vay” lại 45 tỉ đồng).
Khi phát hiện việc làm sai trái của ông Trung, HĐQT Công ty Hapulico đã nhiều lần họp, yêu cầu Cty Ba Đình hoàn lại số tiền đã rút ra dưới hình thức hợp đồng tín dụng. Ông Trung đã cam kết sẽ thực hiện nghĩa vụ tài chính nộp đủ số tiền trong tháng 4.2009, nhưng sau đó không thực hiện. Ngày 17.4.2009, HĐQT Cty Hapulico lại họp để ấn định tiếp: Đến hết 30.6.2009, Cty Ba Đình phải thực hiện việc góp vốn lại, nhưng Cty Ba Đình vẫn không thực hiện.
Theo khoản 11, Điều 4 Luật Doanh nghiệp thì “cổ đông là người sở hữu ít nhất một cổ phần đã phát hành của Cty cổ phần trên”, do đó việc Cty Ba Đình không còn vốn góp và không còn sở hữu một cổ phần nào tại Cty Hapulico thì đương nhiên không còn là cổ đông của Cty Hapulico. Do đó, Hapulico đã triệu tập đại hội đồng cổ đông bất thường để họp và thông qua quyết định bãi miễn chức danh ủy viên HĐQT của ông Nguyễn Tiến Trung, tiến hành sửa đổi bổ sung điều lệ Cty, chọn hình thức góp đủ vốn điều lệ theo quy định tại điều 96, 97 Luật Doanh nghiệp và điều 26 điều lệ Cty.
Sai lầm nghiêm trọng về pháp luật tố tụng
Với những sai phạm khá rõ ràng, phiên tòa sơ thẩm của TAND TP.Hà Nội đã tuyên: Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Cty Ba Đình; chấp nhận yêu cầu phản tố của Cty Hapulico. Nhưng 1 năm sau, dù không có tình tiết gì mới, ngày 27.1.2011, phiên tòa phúc thẩm (TANDTC) lại tuyên: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn; vẫn xác định Cty Ba Đình là cổ đông sáng lập. Không chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn.
Ngày 28.6.2011, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình đã ký quyết định kháng nghị đối với bản án kinh doanh, thương mại của tòa phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội. Kháng nghị nêu rõ: Tòa án cấp sơ thẩm nhận định Cty Ba Đình đã rút vốn để không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Cty Ba Đình, chấp nhận yêu cầu phản tố của Cty Hapulico là có căn cứ. Còn tòa án cấp phúc thẩm không thấy được giữa yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn với yêu cầu phản tố của bị đơn có quan hệ chặt chẽ, không thể tách rời; do đó, khi xét xử đã không xem xét đầy đủ, toàn diện, không đánh giá đúng bản chất tranh chấp và yêu cầu của hai bên, dẫn đến giữa phần nhận định của bản án với phần quyết định mâu thuẫn nhau.
Việc Cty Ba Đình rút nhiều hơn số tiền mà Cty Ba Đình đã góp vào là có thực, nhưng tòa án cấp phúc thẩm lại bác yêu cầu phản tố của bị đơn là không đúng. Đây là sai lầm nghiêm trọng về pháp luật tố tụng và nội dung. Vì vậy, hội đồng giám đốc thẩm đã quyết định hủy hai bản án này; giao hồ sơ vụ án cho TAND Hà Nội xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.