Ngày 12/4, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng đã chủ trì hội nghị giới thiệu, phổ biến Luật Đất đai số 31/2024/QH15. Hội nghị có sự tham gia của đông đảo các đại biểu đến từ các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh; các tổ chức đoàn thể, các báo cáo viên Tỉnh ủy…
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng giới thiệu những điểm mới của Luật Đất đai 2024.
Luật Đất đai 2024 được Quốc hội thông qua ngày 18/1/2024 có 16 chương và 260 điều. Luật quy định về chế độ sở hữu đất đai, quyền hạn và trách nhiệm của Nhà nước đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai và thống nhất quản lý về đất đai, chế độ quản lý và sử dụng đất đai, quyền và nghĩa vụ của công dân, người sử dụng đất đối với đất đai thuộc lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
|
Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng chủ trì hội nghị |
Luật có hiệu lực thi hành từ 1/1/2025, trừ quy định tại Điều 190 (về hoạt động lấn biển) và Điều 248 (sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lâm nghiệp) có hiệu lực thi hành sớm hơn từ ngày 1/4/2024.
Theo Phó chủ tịch Hà Sỹ Đồng, Luật Đất đai mới đã có nhiều quy định nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính về đất đai, như: Bỏ khâu trung gian trong quản lý sử dụng đất; quy định nguyên tắc thực hiện thủ tục hành chính về đất đai bảo đảm sự bình đẳng, khách quan, công khai, minh bạch, phương thức thực hiện đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện; bổ sung trách nhiệm của chủ tịch UBND từng cấp trong việc phát triển, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn.
Luật Đất đai 2024 đã có nhiều quy định mới nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính về đất đai bảo đảm sự bình đẳng, khách quan, công khai, minh bạch, phương thức thực hiện đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện; đồng thời sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai để xử lý các mâu thuẫn, chồng chéo giữa các luật, tạo sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật.
Hoàn thiện quy định về quy hoạch sử dụng đất theo hướng: Xây dựng hệ thống quy hoạch sử dụng đất đai đồng bộ ở 3 cấp song vẫn bảo đảm đồng bộ với pháp luật về quy hoạch; đổi mới quy trình, nội dung, phương pháp lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Quy định rõ chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất quốc gia chỉ kiểm soát đối với đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên, đất quốc phòng, đất an ninh. Phân cấp thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sử dụng đất quốc gia cho Chính phủ, thẩm quyền quyết định kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh cho HĐND cấp tỉnh.
Đơn giản hóa kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện, không yêu cầu phải đưa vào kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện các dự án đầu tư công, dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư đã được cấp tỉnh trở lên phê duyệt, các dự đầu tư từ nguồn vốn tư nhân đã được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hoặc trường hợp có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất gắn liền với thửa đất ở của hộ gia đình, cá nhân.
Tăng cường công khai, minh bạch, sự tham gia của người dân trong công tác lập quy hoạch sử dụng đất. Quy định rõ ràng hơn về việc công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Luật mới cũng quy định rõ 31 trường hợp cụ thể thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; đồng thời quy định trường hợp thu hồi đất để thực hiện dự án, công trình vì lợi ích quốc gia, công cộng không thuộc 31 trường hợp nêu trên thì Quốc hội sửa đổi, bổ sung các trường hợp thu hồi đất tại Điều 79 của Luật theo trình tự, thủ tục rút gọn...
Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh, những điểm mới của Luật Đất đai sửa đổi nhằm bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích của người sử dụng đất; các quy định tiếp cận đất đai của người dân và doanh nghiệp; các quy định nâng cao hiệu quả sử dụng đất; các quy định về tài chính đất đai và các quy định nâng cao hiệu quả hiệu lực quản lý nhà nước về sử dụng đất đai.
Phó chủ tịch Hà Sỹ Đồng đề nghị các cơ quan, đơn vị liên quan, địa phương, các cán bộ chuyên môn bám sát các chỉ đạo, hướng dẫn từ Chính phủ và các Bộ, ngành về triển khai Luật Đất đai sửa đổi, phát huy tính chủ động, trách nhiệm, sáng tạo, linh hoạt trong tổ chức thực hiện quy định pháp luật tại địa phương nhằm nhanh chóng đưa Luật đi vào thực tiễn.