Quảng Trị: Chủ tịch huyện bị điều chuyển do “chưa thực sự đồng hành”, tháo gỡ khó khăn cho DN

Lần đầu tiên một lãnh đạo UBND huyện tại tỉnh Quảng Trị đã bị điều chuyển công tác do hỗ trợ nhà đầu tư thiếu hiệu quả. Đáng chú ý, việc điều chuyển do chính Chủ tịch UBND tỉnh đề xuất sau khi doanh nghiệp nhà đầu tư có những phản ánh.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị vừa tổ chức hội nghị triển khai các quyết định về công tác cán bộ.

Tại hội nghị này, đại diện Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã công bố một số quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc chuẩn y, luân chuyển, điều động, bổ nhiệm cán bộ.

Đáng chú ý có quyết định điều động và chỉ định ông Đặng Trọng Vân, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường giữ chức vụ Phó Bí thư Huyện ủy Hướng Hóa giới thiệu vào chức vụ Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa thay ông Võ Thanh - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa nhiệm kỳ 2016- 2021 được điều động đến nhận công tác tại Huyện ủy Hướng Hóa kể từ ngày 1/11.

Quảng Trị: Chủ tịch huyện bị điều chuyển do “chưa thực sự đồng hành”, tháo gỡ khó khăn cho DN ảnh 1

 Quyết định điều động ông Võ Thanh sang nhiệm vụ mới.

Đề nghị điều chuyển ông Võ Thanh, Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa liên quan đến việc địa phương này được đánh giá là không hoàn thành nhiệm vụ hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp đầu tư tại địa bàn. 
Cụ thể, năm 2014 Công ty TNHH My Anh - Khe Sanh (Úc) được UBND tỉnh Quảng Trị cho thuê đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích trên 587 ha để thực hiện Dự án trồng và phát triển cây Mắc ca tại xã Tân Hợp, huyện Hướng Hóa (tổng mức đầu tư 37 triệu USD).
Đến thời điểm năm 2017, Công ty đã giải ngân 10/37 triệu USD, chi trả đền bù, hỗ trợ GPMB gần 7,3 tỷ đồng.
Mặc dù đã được giao đất, tiến hành chi trả tiền đền bù nhưng nhà đầu tư mới khai hoang trồng cây mắc ca trên diện tích 400 ha, còn 187,2 ha chưa thực hiện được do vướng mắc về giải phóng mặt bằng. 
Trong đó nổi lên là diện tích 45 ha trên địa bàn xã Tân Hợp mà chính quyền địa phương đã quy chủ, nhà đầu tư đã đền bù nhưng phát sinh thêm 47 hộ dân thuộc bản Prô, xã Hướng Tân và bản Mới, xã Đakrông (Đakrông) xâm canh trên diện tích đã đền bù khiến doanh nghiệp phải tiếp tục đền bù lần 2 thêm gần 1,2 tỷ đồng.
Quảng Trị: Chủ tịch huyện bị điều chuyển do “chưa thực sự đồng hành”, tháo gỡ khó khăn cho DN ảnh 2

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Chính trong một lần thị sát dự án trồng mắc ca của Công ty My Anh - Khe Sanh 

Sau khi bàn giao thực địa, doanh nghiệp tiến hành khai hoang thì phát sinh thêm 14 hộ của bản Prô tranh chấp đòi bồi thường với kinh phí gần 1,5 tỷ đồng.

Ngoài ra, còn phát sinh thêm 5 hộ dân khác ở thôn ở thôn Tà Đủ, xã Tân Hợp và bản Mới, xã Đakrông khiếu nại, tranh chấp đồi bồi thường ruộng nước, tài sản trên đất, công khai hoang ruộng nước, trong đó một số hộ dân đã nhận tiền đền bù.

Bên cạnh đó, việc trâu, bò của người dân chăn thả trong khu vực đất của Công ty đang trồng cây làm phá hoại 150 ha cây mắc ca, 10 ha cây chuối, 5,5ha cây sắn và 5 ha cây huê khiến thiệt hại lên đến khoảng hơn 20 tỷ đồng.

Tình trạng này sau 3 năm vẫn chưa được các cơ quan chức năng của huyện Hướng Hóa xử lý khiến việc triển khai dự án của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Trước đó tại văn bản số 65/TB- UBND ra ngày 16/5/2017 thông báo kết luận của Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị tại cuộc họp giải quyết các vướng mắc trong việc giao đất cho Công ty TNHH My Anh – Khe Sanh.

Theo đó Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng đã kết luận, dự án đầu tư trồng cây mắc ca trên địa bàn huyện Hướng Hóa của Công ty My Anh mặc dù được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh hết sức quan tâm, thường xuyên đôn đốc, chỉ đạo nhưng việc giao đất vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc chậm tháo gỡ, làm cho nhà đầu tư lo lắng, bức xúc phản ảnh đến nhiều cơ quan, ban ngành...tạo dư luận không tốt, làm mất lòng tin của cộng đồng doanh nghiệp đối với môi trường thu hút đầu tư của huyện Hướng Hóa và của tỉnh.

Theo Phó chủ tịch Hà Sỹ Đồng:“ Có nhiều nguyên nhân trong đó nguyên nhân chính là năng lực lãnh đạo quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện của chính quyền các cấp của huyện còn  hạn chế, chưa đánh giá, lường trước những khó khăn … nên khâu tổ chức thực hiện chưa sâu sát, chủ quan, lúng túng .

Quá trình thực hiện việc quy chủ, kiểm đếm còn để sai sót dẫn đến việc phát sinh bồi thường, hỗ trợ nhiều lần. Khi phát sinh khó khăn, vướng mắc thì sự vào cuộc của chính quyền các cấp của huyện còn chậm, thiếu quyết liệt, chưa thực sự hỗ trợ, đồng hành, chia sẻ, tháo gỡ khó khăn cùng doanh nghiệp”.

Ngọc Tân
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục