Tỉnh Quảng Ninh đang khẩn trương thực hiện sắp xếp, sáp nhập thôn, bản, khu phố với quy mô lớn nhất từ trước đến nay, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền cấp cơ sở.
Chủ trương trên được Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Ninh khóa XIV ban hành tại kỳ họp thứ 7 tổ chức vào cuối tháng 3 vừa qua.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký nhấn mạnh việc sắp xếp, sáp nhập các thôn, bản, khu phố trên địa bàn tỉnh phù hợp với tình hình mới theo chủ trương, chỉ đạo của Trung ương và của Tỉnh ủy.
Đồng thời, tỉnh Quảng Ninh ban hành chính sách hỗ trợ đối với người hoạt động không chuyên trách chịu tác động do sắp xếp, sáp nhập thôn, bản, khu phố trên địa bàn tỉnh để chuẩn bị cho công tác tổ chức Đại hội chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở và bầu trưởng, thôn, bản, khu phố nhiệm kỳ 2022-2025 bảo đảm mục tiêu 100% bí thư cấp ủy cơ sở đồng thời là trưởng, thôn, bản, khu phố theo phương châm “Dân tin - Đảng cử.”
Theo kết quả rà soát của các địa phương, toàn tỉnh hiện có 1.543 thôn, bản, khu phố. Trong đó có 177 thôn, bản, khu phố đạt dưới 50% tiêu chuẩn thuộc diện phải sắp xếp; 405 thôn, bản, khu phố đạt từ 50% đến dưới 100% tiêu chuẩn; 961 thôn, bản, khu phố đạt từ 100% tiêu chuẩn trở lên.
Trên cơ sở tổ chức lấy ý kiến, nhận được sự đồng thuận của nhân dân, các địa phương đề xuất số lượng thôn, bản, khu phố sẽ thực hiện sắp xếp, sáp nhập là 182 thôn, bản, khu phố và đổi tên 1 thôn thuộc 11 huyện, thị xã, thành phố. Trong đó, có 83 phương án nhập 2 thôn, bản, khu phố thành 1 thôn, bản, khu phố; 7 phương án nhập 3 thôn, bản, khu phố thành 1 thôn bản, khu phố và 1 phương án nhập 4 thôn, bản, khu phố thành 1 thôn, bản khu phố.
Sau khi thực hiện sắp xếp, sáp nhập và đổi tên, toàn tỉnh giảm 91 thôn, bản, khu phố, còn lại tổng số 1.452 thôn, bản, khu phố. Đối với 91 thôn, bản, khu phố hình thành sau sắp xếp, sẽ có 60 thôn, bản, khu phố đạt tiêu chuẩn, còn 31 thôn, bản, khu phố chưa đạt tiêu chuẩn theo quy định.
Tuy nhiên, do tính chất đặc thù của một số thôn thuộc xã vùng cao, miền núi, có địa hình chia cắt phức tạp, thôn có vị trí địa lý tách biệt, dân cư sống rải rác, do vậy sau khi sáp nhập vẫn chưa đảm bảo tiêu chuẩn có thể xem xét là trường hợp đặc thù, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tiễn và quy định hiện hành.
Người dân ở các địa phương thuộc diện sắp xếp, sáp nhập đều có nhận định chung, việc sáp nhập thôn là chủ trương đúng đắn, qua đó giảm số lượng cán bộ, giảm chi tiêu từ tiền của nhân dân.
Cùng với việc xây dựng phương án sắp xếp, sáp nhập, Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Ninh đồng thời đã nghiên cứu và ban hành chính sách hỗ trợ đối với người hoạt động không chuyên trách ở thôn, bản, khu phố chịu tác động do sắp xếp, sáp nhập thôn, bản, khu phố trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025. Theo đó, tỉnh hỗ trợ một lần tương đương 2 lần mức phụ cấp hàng tháng hiện hưởng tại thời điểm nghỉ công tác cho mỗi năm công tác.
Dự kiến tổng kinh phí chi trả khoảng 5,2 tỷ đồng.