Quảng Ninh gìn giữ, bảo tồn các giá trị của vịnh Hạ Long

Tròn 30 năm trở thành Di sản thiên nhiên thế giới (1994 - 2024), vịnh Hạ Long đã và đang được quản lý, bảo vệ và khai thác có hiệu quả. Đây là tài nguyên vô giá của Việt Nam nói chung và Quảng Ninh nói riêng.
Tàu du lịch đưa du khách tham quan vịnh Hạ Long (Ảnh: Thanh Tân)

Kết nối 2 vùng di sản

Tháng 9/2023, vịnh Hạ Long lần thứ 3 được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới. Khác với 2 lần trước đó, lần này, UNESSCO điều chỉnh theo hướng mở rộng ranh giới sang quần đảo Cát Bà (huyện Cát Hải, TP. Hải Phòng), vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà trở thành di sản thế giới liên tỉnh đầu tiên ở Việt Nam.

Với sự giao thoa của núi rừng và biển đảo, vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà là một khu vực tiêu biểu, có mức độ đa dạng cao của châu Á khi sở hữu 7 hệ sinh thái biển - đảo, nhiệt đới, cận nhiệt đới liền kề, kế tiếp nhau phát triển. Đó là hệ sinh thái rừng mưa nhiệt đới nguyên sinh, hệ sinh thái hang động, hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ sinh thái bãi triều, hệ sinh thái rạn san hô, hệ sinh thái đáy mềm, hệ sinh thái hồ nước mặn. Các hệ sinh thái này đại diện cho quá trình sinh thái và sinh học vẫn đang tiến hóa và phát triển, thể hiện qua sự đa dạng của các loài động, thực vật nơi đây.

Sở hữu khu rừng trên biển lớn nhất Việt Nam với diện tích hơn 17.000 ha cùng các hệ sinh thái đa dạng, vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà còn là điểm cư ngụ của 4.910 loài động, thực vật trên cạn và dưới biển, trong số này có tới 198 loài thuộc Danh mục Đỏ của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), 51 loài đặc hữu.

Việc UNESCO phê duyệt mở rộng ranh giới, công nhận Di sản vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà là dấu mốc rất quan trọng, mở ra những cơ hội mới, nhưng cũng không ít thách thức cho cả Quảng Ninh và Hải Phòng trong quản lý, bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

Theo nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế, việc UNESCO phê duyệt mở rộng ranh giới, công nhận Di sản vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà là dấu mốc rất quan trọng, mở ra những cơ hội mới, nhưng cũng không ít thách thức cho cả Quảng Ninh và Hải Phòng trong quản lý, bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

Đó cũng là những vấn đề mà cả hai địa phương cần phải quan tâm, giải quyết trong quá trình bảo tồn, khai thác di sản này. Theo ông Vũ Kiên Cường, Trưởng ban Ban Quản lý vịnh Hạ Long, có thể thấy ngay một số thách thức cơ bản, như công tác quản lý liên tỉnh chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể, chưa có sự đồng bộ về hạ tầng (cảng, bến tàu du lịch) hay mức thu phí tham quan còn khác nhau, cơ quan quản lý di sản thuộc địa giới hành chính của 2 địa phương cũng khác nhau về mô hình. Hiện pháp luật quản lý di sản tại Việt Nam chưa có quy định cụ thể về cơ chế quản lý, bảo vệ di sản thế giới liên tỉnh; chưa có quy định cụ thể về việc lập quy hoạch chung cho di sản liên tỉnh.

Từng bước bảo tồn và phát huy di sản

Nhằm giúp bảo vệ lâu dài, quản lý bền vững và toàn vẹn Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà, tháng 10/2024, TP. Hải Phòng đã thành lập Ban Chỉ đạo Quản lý Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà, thuộc phạm vi quản lý của địa phương này.

Bà Trần Thị Hoàng Mai, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng cho biết, việc vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà trở thành Di sản thế giới liên tỉnh đặt ra nhiệm vụ quan trọng trong việc hợp tác giữa Hải Phòng và Quảng Ninh về bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Hai địa phương gắn kết chặt chẽ hơn, kết hợp quản lý, bảo vệ, khai thác và phát triển giá trị của Di sản thiên nhiên thế giới một cách hiệu quả. Đồng thời, bảo đảm tính bảo tồn và không làm hại cảnh quan tự nhiên. Điều quan trọng hơn là thực hiện đầy đủ và chính xác các điều khoản của Công ước quốc tế về bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới.

Quy hoạch chung TP. Hạ Long đến năm 2040 đã định hướng Hạ Long phát triển theo mô hình 5 vùng. Trong đó vùng I - vùng Vịnh Hạ Long được xác định là vùng bảo tồn và phát huy các giá trị di sản thế giới theo quy định của Luật Di sản văn hóa, kết nối không gian phát triển gắn với vịnh Bái Tử Long, vịnh Lan Hạ, đảo Cát Bà.

Vì vậy, Quảng Ninh đã thiết lập và tăng cường duy trì, mở rộng mối quan hệ trực tiếp với các tổ chức thế giới qua hoạt động giao lưu với các nước trong và ngoài khu vực về lĩnh vực quản lý, bảo tồn di sản. Từ đó, nhiều chương trình, dự án được tài trợ thực hiện, từng bước đưa vịnh Hạ Long hội nhập với các hoạt động quốc tế về bảo vệ di sản thế giới. Ngoài ra, Quảng Ninh cũng thường xuyên nhận được sự hỗ trợ, tư vấn của các chuyên gia IUCN, UNESCO trong quản lý di sản, đặc biệt là về lĩnh vực bảo vệ môi trường, đánh giá sức tải, quản lý du lịch bền vững…

Thanh Sơn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục