Quảng Ninh điểm tên những đơn vị chậm cải thiện nhiều chỉ số quan trọng

0:00 / 0:00
0:00
Chiều 19/5, tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức Hội nghị phân tích chuyên sâu kết quả các chỉ số PAR INDEX, SIPAS, PAPI năm 2022. Những hạn chế của các địa phương, sở, ban ngành được thẳng thắn chỉ tên.
Chiều ngày 19/5, tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức Hội nghị phân tích chuyên sâu các chỉ số PAR INDEX, SIPAS, PAPI và công bố kết quả xếp hạng các chỉ số của sở, ngành, địa phương năm 2022. Ảnh: Thu Lê. Chiều ngày 19/5, tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức Hội nghị phân tích chuyên sâu các chỉ số PAR INDEX, SIPAS, PAPI và công bố kết quả xếp hạng các chỉ số của sở, ngành, địa phương năm 2022. Ảnh: Thu Lê.

Năm 2022, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu đối với 4 chỉ số, gồm: PAR INDEX, SIPAS, PCI và PAPI. Đây là kết quả tích cực và là thành quả xứng đáng với những nỗ lực cải cách không ngừng trong nhiều năm qua. Song, theo ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh: “Chúng tôi không coi đây là thành tích mà sự kiến tạo lòng tin, niềm tin của người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư với chính quyền”.

Để quá trình kiến tạo lòng tin, niềm tin này đạt được kết quả như hiện tại thì sau khi Bộ Nội vụ triển khai các Chỉ số PAR INDEX (năm 2013), Chỉ số SIPAS (năm 2015) và các tổ chức đánh giá Chỉ số PAPI (năm 2011), tỉnh Quảng Ninh đã nghiên cứu, xây dựng các Bộ Chỉ số đánh giá kết quả triển khai tại tỉnh đối với các sở, ngành, địa phương. Các Bộ Chỉ số PARINDEX, SIPAS, DGI, ICT đánh giá các sở, ngành, địa phương của tỉnh Quảng Ninh có sự tương đồng, kế thừa từ các nội dung đánh giá các Chỉ số PARINDEX, SIPAS, PAPI, ICT do Trung ương triển khai đánh giá.

Bộ Chỉ số Cải cách hành chính đánh giá các sở, ban, ngành, địa phương được tỉnh triển khai từ năm 2013, Chỉ số SIPAS được triển khai từ năm 2017, Chỉ số DGI triển khai từ năm 2018, Chỉ số ICT triển khai từ năm 2016.

Gần 50% đơn vị bị giảm điểm về cải cách hành chính

Năm 2022, kết quả Chỉ số cải cách hành chính của các cơ quan, đơn vị, địa phương của tỉnh đã ghi nhận 18/51 đơn vị có kết quả tăng hạng so với năm 2021. Trong đó, Sở Thông tin và Truyền thông có sự cải thiện đáng kể, từ đứng thứ 8/20 vươn lên dẫn đầu bảng xếp hạng khối sở năm 2022; Sở Văn hóa và Thể thao tăng 8 bậc, từ đứng thứ 15/20 vươn lên đứng thứ 7/20 năm 2022; thành phố Uông Bí từ đứng thứ 2/13 vươn lên dẫn đầu năm 2022…

“Để có sự tiến bộ trong chỉ số này, các đơn vị, địa phương này đã bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh, xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện với các giải pháp rất cụ thể. Quyết liệt trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, tổ chức, không để tình trạng hồ sơ quá hẹn và tồn đọng nhiệm vụ UBND tỉnh giao”, ông Bùi Văn Khắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đánh giá.

Ông Bùi Văn Khắng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh phân tích kết quả xếp hạng các chỉ số của các sở, ngành, địa phương năm 2022. Ảnh: Thu Lê.

Ông Bùi Văn Khắng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh phân tích kết quả xếp hạng các chỉ số của các sở, ngành, địa phương năm 2022. Ảnh: Thu Lê.

Tuy nhiên, có đến 25/51 đơn vị bị giảm thứ hạng. Trong đó, đối với khối sở thì Ban Quản lý Khu Kinh tế là đơn vị sụt giảm đáng kể, từ dẫn đầu bảng xếp hạng năm 2021, giảm xuống đứng thứ 12/20 năm 2022; Sở Giao thông vận tải và Sở Tài nguyên và Môi trường là 2 đơn vị đứng cuối bảng xếp hạng. Với khối huyện thì thị xã Đông Triều là đơn vị giảm thứ hạng khá sâu, từ dẫn đầu năm 2021, giảm xuống đứng thứ 6/13 năm 2022; thành phố Cẩm Phả từ đứng thứ 5 năm 2021, giảm xuống đứng thứ 12/13 năm 2022. Đối với khối cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh là đơn vị có sự sụt giảm, từ đứng vị trí thứ 2/8 năm 2021 giảm xuống đứng thứ 4/8 năm 2022.

Theo ông Khắng, kết quả này cho thấy, các sở, ngành, địa phương còn thiếu quyết liệt trong công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện các nội dung cải cách hành chính. Một số sở, ngành, địa phương chưa quan tâm đến việc xây dựng, tổ chức triển khai kế hoạch, không thực hiện đúng chế độ báo cáo theo quy định như Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trường Đại học Hạ Long, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh. Công tác kiểm tra việc triển khai thực hiện chưa thực hiện thường xuyên như Sở Giao thông vận tải, Sở Y tế. Việc thực hiện các nhiệm vụ UBND tỉnh giao chưa hoàn thành 100% hoặc chưa đảm bảo thời gian, nhất là Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế, Sở Xây dựng, các địa phương như Quảng Yên, Cô Tô, Tiên Yên, Đầm Hà, Bình Liêu...

Nhiều chỉ số cần cải thiện hơn

Đối với chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh (SIPAS), trong số 41 cơ quan được đánh giá thì Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh là đơn vị có tỷ lệ hài lòng cao nhất, đạt 97,54% và Thanh tra tỉnh có tỷ lệ đánh giá hài lòng thấp nhất với 91,85%. Trong nhóm 17/41 đơn vị có thứ hạng giảm thì huyện Bình Liêu là đơn vị có thứ hạng và tỷ lệ hài lòng giảm nhiều nhất với 10 bậc từ vị trí thứ 2 xuống vị trí thứ 12; tiếp đến là Sở Văn hóa Thể thao với 9 bậc, từ vị trí thứ 5 xuống vị trí thứ 14; Cục Hải quan tỉnh giảm 6 bậc từ vị trí dẫn đầu năm 2021 giảm xuống vị trí thứ 7 năm 2022…

Tồn tại, hạn chế được chỉ ra nhiều nhất dẫn đến các đơn vị giảm thứ hạng đó là việc niêm yết công khai, hướng dẫn giải quyết thủ tục hành chính còn chưa thuận lợi, đầy đủ, chính xác. Tỷ lệ công chức gây phiền hà, sách nhiễu thông qua phiếu khảo sát vẫn còn tồn tại như ở Sở Văn hóa và Thể thao là 3,70%, Sở Xây dựng là 3,33%, thành phố Móng Cái là 1,42%, huyện Tiên Yên là 1,66%,… Đồng thời việc công chức gợi ý nộp thêm tiền vẫn còn tồn tại qua đánh giá của người trả lời phiếu tại một số cơ quan.

Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh trao bằng khen cho 12 tập thể có thành tích xuất sắc trong việc nâng cao Chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2022. Ảnh: Thu Lê.

Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh trao bằng khen cho 12 tập thể có thành tích xuất sắc trong việc nâng cao Chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2022. Ảnh: Thu Lê.

Chỉ số hiệu quả quản trị (DGI) năm 2022 có 6/13 địa phương có điểm số và thứ hạng tăng; và 5/13 địa phương giảm thứ hạng. Thị xã Quảng Yên có điểm số giảm nhiều nhất, giảm 3,04 điểm và giảm 7 bậc, đứng thứ 13/13 (năm 2021 đạt 73,06 điểm, đứng thứ 6/13); thị xã Đông Triều có sự sụt giảm mạnh, từ 75,08 điểm giảm còn 72,71 điểm năm 2022, giảm 2,37 điểm và giảm 6 bậc, thứ 8/13 trong bảng xếp hạng (năm 2021 đứng thứ 2/13).

Với Chỉ số đánh giá mức độ chính quyền điện tử (ICT), đối với cấp sở, mức độ trung bình đạt được của các sở, ban, ngành đạt được trong năm 2022 là 139 điểm, tăng 11 điểm so với năm 2021. Đây là mức độ trung bình Chính quyền điện tử, Chính quyền số đạt được cao nhất từ trước đến nay. Chỉ số này đối với cấp huyện là 175 điểm, tăng 16 điểm so với năm 2021.

Nhân sự là yếu tố then chốt

Là đơn vị có sự bức tốc và vươn lên dẫn đầu Chỉ số Cải cách hành chính năm 2022 của tỉnh, bà Lê Ngọc Hân, Giám đốc sở Thông tin và Truyền thông chia sẻ: “Trong thời gian tới, cùng với việc đề ra các giải pháp khắc phục những tồn tại đã được chỉ ra, còn có một nhiệm vụ quan trọng là thúc đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số toàn diện của tỉnh. Làm tốt nhiệm vụ này cũng chính là góp phần giữ vững thương hiệu: ‘Tỉnh nhiều năm liên tiếp dẫn đầu toàn quốc các chỉ số đo lường quan trọng’ ”.

Bà Lê Ngọc Hân, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Quảng Ninh trình bày tham luận tại Hội nghị. Ảnh: Thu Lê.

Bà Lê Ngọc Hân, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Quảng Ninh trình bày tham luận tại Hội nghị. Ảnh: Thu Lê.

Đóng góp tham luận với Hội nghị, bà Hân đã đề xuất 8 nhóm giải pháp trọng điểm sau nhằm thúc đẩy nhanh tiến trình Chuyển đổi số toàn diện trên địa bàn tỉnh. Trong đó, vai trò, trách nhiệm, sự vào cuộc của người đứng đầu đóng vai trò tạo sựthành - bại của chuyển đổi số ở mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương. “Chuyển đổi số là là chuyển đổi cách làm, thay đổi cách vận hành tổ chức là chính nên người đứng đầu đóng vai trò quan trọng”, bà Hân chia sẻ.

Vấn đề nhân sự, nhân tố con người cũng đã được Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh nhiều lần nhắc đến. Ngay tại Hội nghị này, ông Nguyễn Xuân Ký tiếp tục khẳng định: “Chúng ta đều biết, tất cả các chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS, PAPI, DDCI được công bố là những “con số biết nói”, ẩn chứa đằng sau là các động lực thúc đẩy bởi các tác nhân thể chế, thiết chế tổ chức, chuyển đổi số, nhân lực. Nhưng tận cùng, tất cả đều hội tụ ở nhân tố con người, là cán bộ và công tác cán bộ, cán bộ là gốc của mọi công việc, muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém. Công tác cán bộ phải thực sự là "là then chốt của then chốt ".

Thu Lê
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục