Quảng Ninh chọn tăng trưởng xanh để phát triển bền vững

0:00 / 0:00
0:00
Mục tiêu tăng trưởng và phát triển bền vững khó tiến hành cùng một lúc, bởi tăng trưởng thường kéo theo nguy cơ ô nhiễm môi trường, nhưng với Quảng Ninh, mâu thuẫn này được giải quyết khá thành công.
Quảng Ninh thường xuyên tiến hành quan trắc môi trường để phát hiện kịp thời các điểm nóng Quảng Ninh thường xuyên tiến hành quan trắc môi trường để phát hiện kịp thời các điểm nóng

Tăng trưởng nhanh, nhưng không “nóng”

Giai đoạn 2016 - 2020 được đánh giá là khoảng thời gian mà nền kinh tế của Quảng Ninh có sự tăng trưởng mạnh mẽ, GRDP luôn duy trì ở mức cao so với mức tăng trưởng chung của cả nước, bình quân tăng 10,7%/năm.

Đến năm 2020, quy mô nền kinh tế tăng nhanh, đạt 211.476 tỷ đồng, tăng gấp 1,86 lần so với năm 2015. Cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch tích cực theo hướng bền vững so với năm 2015. Tỷ trọng khu vực dịch vụ và thuế sản phẩm tăng từ 43,1% lên 44,6%; công nghiệp - xây dựng duy trì ổn định ở mức 49%; nông, lâm, thủy sản giảm từ 7,7% xuống 5,9%. Tổng thu ngân sách nhà nước 5 năm ước đạt trên 212.492 tỷ đồng, tăng 29,56% so với giai đoạn 2011 - 2015.

Sự phát triển nào cũng có 2 mặt của nó. Những tác động xấu về môi trường là điều không thể tránh khỏi, nhất là với một địa phương có sự tăng trưởng nhanh, nhưng ở Quảng Ninh thì khác. Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh đã nhiều lần khẳng định: “Quảng Ninh không đánh đổi môi trường để lấy sự tăng trưởng”.

Để giảm thiểu tối đa những tác động đó, bên cạnh những quyết sách lớn trong thu hút đầu tư, tăng trưởng quy mô nền kinh tế, Quảng Ninh đã mạnh tay trong các giải pháp về bảo vệ môi trường.

Ông Nguyễn Như Hạnh, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Quảng Ninh cho biết, tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 236/2015/NQ-HĐND ngày 12/12/2015 về những chủ trương, giải pháp tăng cường công tác quản lý, bảo vệ môi trường tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 đã cho thấy nhiều kết quả tích cực.

Cụ thể, với Đề án Đảm bảo môi trường cấp bách ngành than giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Quảng Ninh đã có những nghiên cứu đánh giá tổng thể môi trường ngành than, từ đó đã đưa ra giải pháp khắc phục ô nhiễm tập trung vào các vấn đề môi trường liên quan đến ứng phó sự cố sạt lở bằng hệ thống đê đập, tiến hành nạo vét sông suối, xây dựng các đập hồ lắng đất đá đầu nguồn suối thoát nước; cải tạo phục hồi cảnh quan môi trường; giảm thiểu bụi, tiếng ồn trong quá trình sàng tuyển; giám sát tự động các thông số môi trường; di dời dân cư ra khỏi vùng nguy cơ sạt lở, nguy hiểm.

Đến tháng 9/2020, các đơn vị trong ngành than đã chi 4.800 tỷ đồng cho việc trồng cây cải tạo phục hồi môi trường 576 ha, đưa tổng số diện tích bãi thải, khai trường đã cải tạo phục hồi môi trường lên 1.825 ha; đầu tư xây dựng 4/11 công trình đê, đập chắn ngăn ngừa trôi lấp đất đá; 25/34 công trình nạo vét hệ thống thoát; 5/6 công trình giảm thiểu bụi, ồn trong quá trình vận chuyển, sàng tuyển; hoàn thành 57 trạm quan trắc môi trường tự động...

Quảng Ninh đã chấm dứt hoạt động Nhà máy sàng tuyển than Nam Cầu Trắng từ ngày 1/1/2019; xây dựng và đưa Trung tâm chế biến và kho than tập trung vùng Hòn Gai tại Hà Khánh - Hạ Long vào hoạt động ổn định sản xuất từ tháng 4/2019 để đảm bảo môi trường, việc làm cho người lao động.

Tỉnh cũng hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ đảm bảo thực hiện di dời các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư, đưa vào các cụm công nghiệp tại các địa phương. Hiện nay đã có hàng trăm cơ sở sản xuất di chuyển vào các cụm công nghiệp Hà Khánh, Kim Sen, Nam Sơn, Cẩm Thịnh...

Ông Trần Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường Quảng Ninh cho biết: “Kết quả quan trắc chất lượng môi trường trong 5 năm qua cho thấy, các thông số môi trường cơ bản vẫn nằm trong giới hạn cho phép”.

Về cơ bản, tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành các chỉ tiêu môi trường đặt ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV (nhiệm kỳ 2015 - 2020) như: tỷ lệ che phủ rừng đạt 53-54%; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom đạt trên 92%, tỷ lệ chất thải y tế được thu gom, xử lý đạt 100%/năm; tỷ lệ dân cư thành thị được sử dụng nước sạch trên 98% và dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh trên 98%.

Vì một Quảng Ninh xanh

Hiện tại, du lịch, dịch vụ đã trở thành mũi nhọn, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Công nghiệp phát triển theo hướng bền vững hơn, nâng cao trình độ khoa học - công nghệ và nâng cao tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo.

Ông Nguyễn Như Hạnh cho biết, trong 5 năm qua, Quảng Ninh đã thúc đẩy, triển khai thí điểm 5 mô hình kinh tế xanh, công nghiệp xanh, thân thiện môi trường (tăng 5 lần so với giai đoạn 2011-2015 chỉ có 1 mô hình). Các mô hình này gồm: mô hình giảm tải ô nhiễm vịnh Hạ Long; mô hình khuyến khích doanh nghiệp sử dụng năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng ESCO; mô hình du lịch sinh thái, thúc đẩy du lịch xanh vịnh Hạ Long; mô hình các công trình nổi với phao xốp thân thiện với môi trường vịnh Hạ Long; mô hình du lịch cộng đồng tại đảo Quan Lạn.

Quảng Ninh cũng thực hiện nghiêm Chỉ thị số 11/CT-BCT ngày 19/10/2016 của Bộ Công thương về việc tăng cường công tác bảo vệ môi trường ngành công thương trên địa bàn tỉnh. Theo đó, địa phương đã kiên quyết từ chối đầu tư các dự án có công nghệ tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường, từng bước đổi mới, cải tiến công nghệ đối với các nhà máy hiện có để giảm phát thải, cải thiện môi trường…

Trong 5 năm qua, Quảng Ninh đã thúc đẩy, triển khai thí điểm 5 mô hình kinh tế xanh, công nghiệp xanh, thân thiện môi trường, tăng 5 lần so với giai đoạn 2011-2015.

Với quan điểm quyết tâm bảo vệ môi trường không khí và nước, đảm bảo không gian cho tăng trưởng xanh của TP. Hạ Long nói riêng và Quảng Ninh nói chung, tỉnh đã có lộ trình đóng cửa mỏ, kết thúc khai thác than lộ thiên trên địa bàn TP. Hạ Long. Đồng thời, tỉnh cũng chủ trương di dời 2 dự án xi măng Hạ Long 2 và Thăng Long 2 sang địa điểm mới để phù hợp với quy hoạch chung của tỉnh, bảo vệ môi trường cho khu vực di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long.

Hiện, tỷ trọng đóng góp ngành khai khoáng trong GRDP đã giảm từ 21,3% năm 2015, xuống còn 17,3% năm 2020, phù hợp với lộ trình đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” của tỉnh; đóng góp vào thu nội địa của ngành than mặc dù vẫn chiếm tỷ trọng lớn, song có xu hướng giảm dần.

Cùng với đó, xu hướng phát triển công nghiệp của tỉnh Quảng Ninh trong giai đoạn tới là công nghiệp chế biến, chế tạo có công nghệ cao, công nghiệp sạch, ít tiêu tốn tài nguyên. Song song với đó là thực hiện đầu tư các khu công nghiệp, cụm công nghiệp với hạ tầng kỹ thuật tốt, đồng bộ, đặc biệt hạ tầng xử lý chất thải.

Các điểm gây ô nhiễm về môi trường cũng đã được tỉnh quan tâm, rà soát để xử lý kịp thời. Từ năm 2016 - 2018, đã thực hiện đóng cửa, cải tạo phục hồi môi trường các bãi chôn lấp rác như: bãi rác Hà Khẩu, bãi rác Đèo Sen và bãi chôn lấp rác khu Trới 1, phường Hoành Bồ, TP. Hạ Long; bãi rác Quang Hanh, Cẩm Phả; triển khai cải tạo, phục hồi bãi chôn lấp rác tại vỉa 9, cánh Bắc, Mạo Khê, Đông Triều.

Từ năm 2015 - 2019, tỉnh Quảng Ninh đã tiến hành xử lý xong 12 điểm ô nhiễm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật. Năm 2020, tỉnh Quảng Ninh tiến hành rà soát 14 điểm còn lại. Đến thời điểm hiện tại, chưa phát hiện thêm các điểm ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu theo Thông tư số 25/2019/TT-BTNMT ngày 31/12/2019 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

“Lá chắn” quan trắc môi trường

Để có thể thực hiện tốt việc giám sát, đánh giá tác động của các hoạt động kinh tế - xã hội lên môi trường; phát hiện kịp thời các điểm nóng về môi trường và có những biện pháp xử lý, ứng cứu kịp thời thì hoạt động quan trắc môi trường giữ vai trò quan trọng hàng đầu. Vì thế, hệ thống quan trắc tự động đã được tỉnh đầu tư mạnh trong giai đoạn 2016 - 2020.

Ông Trần Thanh Tùng cho biết: “Đến nay, cơ bản các chủ nguồn thải thuộc đối tượng phải thực hiện lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường tự động theo quy định tại Nghị định số 38/2015/NĐ-CP và Nghị định số 40/2019/NĐ-CP của Chính phủ đã thực hiện lắp đặt, vận hành và truyền số liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường để theo dõi, giám sát”. Tính đến tháng 9/2020, trên địa bàn tỉnh đã có 143 trạm quan trắc môi trường tự động được đầu tư lắp đặt và đi vào hoạt động.

Ngoài ra, tỉnh đã phê duyệt và tổ chức thực hiện quan trắc môi trường theo mạng điểm quan trắc hiện trạng tỉnh. Theo đó, giai đoạn 2020 - 2025 sẽ nâng lên thành 382 điểm (tăng số lượng điểm quan trắc theo mạng điểm lên gấp 2,7 lần). Đồng thời, tăng cường tần suất quan trắc đối với một số môi trường thành phần.

Theo chia sẻ của ông Tùng, điểm nổi bật của hoạt động giám sát thông quan hệ thống quan trắc tự động là các thông tin sau khi truyền về trung tâm điều hành sẽ được chuyển đến nhiều kênh giám sát khác nhau. Trong đó có điện thoại cầm tay của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, địa phương (để tiện truy cập và chỉ đạo, điều hành); Bộ Tài nguyên và Môi trường. Màn hình hiển thị thông tin môi trường được lắp đặt tại khu vực đường bao biển cột 5 - cột 8, của TP. Hạ Long để nhân dân theo dõi và giám sát. Thông tin cũng được công khai trên Cổng thông tin điện tử của Sở Tài nguyên và Môi trường; Trung tâm Phục vụ hành chính công và 9 địa phương trong tỉnh... Những điều này đã thực sự biến hoạt động quan trắc thành lá chắn thép cho môi trường, góp phần thực hiện thành công việc bảo vệ môi trường tỉnh Quảng Ninh.

Thu Lê
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục