Theo đó, cao tốc Hạ Long - Vân Đồn có chiều dài gần 60km, rộng 24,5m, tốc độ thiết kế 100km/h với tổng vốn đầu tư hơn 12.000 tỷ đồng theo hình thức BOT, do Công ty CP BOT Biên Cương làm chủ đầu tư.
Cao tốc có điểm đầu từ nút giao Minh Khai nối với cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, giao cắt QL18 đoạn qua phường Đại Yên, TP Hạ Long và điểm cuối tại nút giao Đoàn Kết nối với Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, huyện Vân Đồn.
Cao tốc có 4 trạm thu phí, 2 trạm chính tại đầu và cuối tuyến với 8 cửa soát vé, 2 trạm thu phí phụ tại các nút giao ra và vào cao tốc với 6 cửa soát vé. Tất cả các trạm đều được trang bị cửa thu phí tự động. Phí thu tại cao tốc gồm 5 mức theo từng nhóm phương tiện áp dụng cho 53,6km đầu tư theo hình thức BOT. Đối với dự án thành phần dài 6km từ cầu Cẩm Hải (Cẩm Phả) đến Vân Đồn đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách sẽ không thu phí.
Mức phí áp dụng tại cao tốc Hạ Long - Vân Đồn. Ảnh: Đỗ Phương
Tuyến đường mới hiện đang trong giai đoạn thử nghiệm nên vận tốc tối đa giới hạn là 80 km/h, sau 3 tháng sẽ điều chỉnh lại vận tốc theo thiết kế 100 km/h.
Việc đưa cao tốc Hạ Long – Vân Đồn vào khai thác cùng với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long sẽ tạo thành trục cao tốc hoàn chỉnh, thông suốt từ Hà Nội đến Vân Đồn, kết nối các sân bay quốc tế phía Bắc, trục kinh tế trọng điểm gồm: Nội Bài (Hà Nội) - Cát Bi (Hải Phòng) - Vân Đồn (Quảng Ninh).
Trong đó, tỉnh Quảng Ninh sở hữu gần 100 km cao tốc, góp phần rút ngắn thời gian di chuyển từ Hà Nội đến Vân Đồn xuống còn 2h30', cũng như góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội của Quảng Ninh và vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc.