Quảng Ngãi từng bước vươn lên trở thành đầu tàu kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
Với những lợi thế, tiềm năng sẵn có, cùng với khát vọng vươn lên mạnh mẽ, Quảng Ngãi đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành địa phương đầu tàu của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Quảng Ngãi đang từng bước trở thành địa phương đầu tàu của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung Quảng Ngãi đang từng bước trở thành địa phương đầu tàu của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung

Nhiều thành quả nổi bật

Là tỉnh thuộc khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ, Quảng Ngãi có vị trí mang tầm chiến lược trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và Hành lang kinh tế Đông - Tây; là cửa ngõ ra biển của khu vực Nam Lào và Đông Bắc Thái Lan thông qua các tuyến đường Hành lang Đông - Tây. Hiện nay, Quảng Ngãi là nơi đi qua của nhiều tuyến giao thông huyết mạch như: Quốc lộ 1, Quốc lộ 24 (kết nối Tây Nguyên), cao tốc Bắc - Nam, đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh.

Ngoài vị trí địa lý mang tầm chiến lược, Quảng Ngãi còn có đường bờ biển dài 130 km, có cảng biển nước sâu Dung Quất mang tầm vóc của một cảng quốc tế, có khả năng tiếp nhận tàu lên đến 100.000 DWT, tàu hàng 30.000 - 50.000 DWT. Đáng chú ý, hệ thống cảng biển Dung Quất có những lợi thế cực lớn khi nằm trong vùng kín gió, với độ sâu 19 - 21 m, cách tuyến hàng hải quốc tế 90 km và tuyến nội hải 30 km. Ngoài ra, Quảng Ngãi còn có cảng Sa Kỳ; cảng đảo Lý Sơn cách đất liền 30 km, thuận lợi cho việc thông thương hàng hóa trong khu vực và quốc tế.

Các chuyên gia nhận định, mặc dù Quảng Ngãi chưa có sân bay, nhưng sân bay Chu Lai (Quảng Nam) nằm cạnh Khu kinh tế Dung Quất và cách TP. Quảng Ngãi chỉ 35 km, nên việc di chuyển đường hàng không từ Quảng Ngãi đến các nơi khác trên cả nước hết sức thuận lợi.

Nhờ phát huy được những tiềm năng, lợi thế, cộng hưởng với các định hướng xây dựng phát triển kinh tế, Quảng Ngãi đang từng bước vươn lên trở thành một trong những đầu tàu của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, ông Đặng Văn Minh cho biết, thời gian qua, tỉnh phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự quyết tâm, đoàn kết, thống nhất của cả hệ thống chính trị; sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và sự hỗ trợ nhiệt tình của các bộ, ngành Trung ương, Quảng Ngãi đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

Theo đó, trong năm 2023, GRDP theo giá hiện hành của tỉnh tăng trưởng mạnh, đạt 125.500 tỷ đồng, trở thành một trong những tỉnh có quy mô nền kinh tế lớn trong khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, khi đứng thứ 2/5 tỉnh vùng động lực miền Trung (sau Đà Nẵng), đứng thứ 4/14 tỉnh, thành phố miền Trung (sau Thanh Hóa, Nghệ An và Đà Nẵng), đứng thứ 19/63 tỉnh, thành phố cả nước.

Đáng chú ý, trong nhiều năm liền, thu ngân sách của Quảng Ngãi luôn ở top đầu khu vực 14 tỉnh, thành phố miền Trung. Trong năm 2023, mặc dù đối mặt với nhiều thách thức, nhưng thu ngân sách của tỉnh vẫn đạt 28.632 tỷ đồng, vượt 22,2% dự toán Trung ương giao. Trước đó, năm 2022, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh đã đạt 33.929 tỷ đồng.

Hiện thực hóa mục tiêu 10 năm

Theo Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 11 vừa qua, mục tiêu của tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2030 sẽ trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước; phát triển kinh tế số, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn. Là tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại với hai ngành chủ lực là lọc hóa dầu và luyện kim thép. Từng bước hình thành công nghiệp xanh, công nghiệp công nghệ cao tại các khu công nghiệp và cụm công nghiệp tập trung. Hình thành trung tâm lọc, hóa dầu và năng lượng quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất, phát triển huyện đảo Lý Sơn trở thành trung tâm du lịch biển - đảo.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, để hiện thực hóa các mục tiêu đó, tỉnh đề ra nhiệm vụ trọng tâm và khâu đột phá là đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, tạo động lực cho phát triển. Trong đó ưu tiên các công trình trọng điểm về giao thông; thích ứng với biến đổi khí hậu; hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số.

Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đẩy mạnh phát triển công nghiệp, phân bổ nguồn lực thu được từ công nghiệp hỗ trợ phát triển các lĩnh vực phù hợp hơn với xu thế phát triển của tương lai. Phát triển đô thị là trụ cột gắn với công nghiệp và kinh tế biển, tạo động lực phát triển trong thời kỳ Quy hoạch.

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao với trọng tâm là đội ngũ cán bộ khoa học. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số vào mọi lĩnh vực của nền kinh tế, khuyến khích tinh thần đổi mới sáng tạo, khát vọng vươn lên.

Quảng Ngãi cũng xác định phương án tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội nhằm tạo động lực khai thác, phát huy hết các tiềm năng lợi thế qua mô hình “4-6-2-3”.

Đó là “Bốn hành lang kinh tế chiến lược”, gồm: Hành lang kinh tế Bắc - Nam; Hành lang Đông - Tây phía Bắc; Hành lang Đông - Tây phía Nam; Hành lang kinh tế kết nối nội vùng phía Tây.

“Sáu không gian kinh tế động lực”, gồm: Vùng kinh tế động lực cụm đô thị và trung tâm dịch vụ; Vùng động lực công nghiệp; Vùng kinh tế sinh thái biển; Vùng kinh tế rừng xanh; Vùng kinh tế nông nghiệp; Vùng kinh tế biển đảo.

“Hai trung tâm động lực tăng trưởng”, gồm: Hình thành trung tâm lọc, hóa dầu và năng lượng quốc gia, trung tâm công nghiệp - dịch vụ của vùng động lực miền Trung tại Khu kinh tế Dung Quất; Phát triển huyện đảo Lý Sơn trở thành trung tâm du lịch biển - đảo.

“Ba trung tâm đô thị”, gồm đô thị trung tâm, với TP. Quảng Ngãi là hạt nhân; trung tâm đô thị phía Bắc, với thị xã Bình Sơn là hạt nhân; trung tâm đô thị phía Nam, với thị xã Đức Phổ là hạt nhân.

Bên cạnh phương án tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội, Quảng Ngãi cũng xác định phương hướng phát triển các ngành quan trọng với định hướng “lấy ngắn hạn để xây dựng dài hạn”. Trong ngắn hạn, phát triển nhanh dựa trên cơ sở tập trung phát triển các ngành, lĩnh vực đang có sẵn lợi thế. Trong trung hạn và dài hạn, phân bổ tối đa nguồn lực hỗ trợ phát triển các ngành, lĩnh vực phù hợp với xu thế phát triển xanh và bền vững như: kinh tế biển, kinh tế rừng, nông nghiệp tuần hoàn, chế biến sâu nông, lâm, thủy sản, năng lượng sạch…

Tập trung khai thác những thế mạnh, tiềm năng sẵn có về các lĩnh vực công nghiệp nền tảng với chủ lực là lọc hóa dầu, hóa chất, luyện kim và chế tạo cơ khí, thúc đẩy phát triển các lĩnh vực này theo chiều sâu, thân thiện với môi trường và mở rộng theo chuỗi giá trị.

Chú trọng đầu tư hoàn thiện và phát triển hạ tầng các khu vực công nghiệp quan trọng, đặc biệt là Khu kinh tế Dung Quất. Phát triển du lịch thành một ngành kinh tế quan trọng, với hạt nhân Trung tâm du lịch biển - đảo Lý Sơn và du lịch trải nghiệm gắn liền với văn hóa, lịch sử và giá trị cốt lõi của Quảng Ngãi. Đầu tư phát triển hệ thống logistics theo hướng đồng bộ, hiện đại, kết nối khu vực miền Trung với Tây Nguyên, các nước Đông Nam Á, là một cửa ngõ vận tải hàng hóa qua biển Đông.

“Quy hoạch được phê duyệt đã cơ bản tháo gỡ rào cản pháp lý trong những năm qua. Đây là cơ sở, công cụ quan trọng để định hướng, tạo hành lang cho quá trình thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới. Dư địa trong phát triển của tỉnh Quảng Ngãi còn rất lớn, nhất là trong các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch, đô thị, khai thác hạ tầng khu công nghiệp. Đây sẽ là động lực tăng trưởng cho nhiều ngành kinh tế và là điều kiện thuận lợi để nhân dân và doanh nghiệp đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh”, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, ông Đặng Văn Minh nhấn mạnh.

Ngọc Tân
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục