10 doanh nghiệp tham gia, gồm: Công ty TNHH MTV Thương mại Sài Gòn - Quảng Ngãi (Siêu thị Co.opmart Quảng Ngãi và Siêu thị Co.opmart Đức Phổ); Công ty cổ phần Dịch vụ thương mại tổng hợp Wincommerce (Siêu thị Vinmart Quảng Ngãi); Công ty cổ phần EB Hải Phòng tại Quảng Ngãi (Siêu thị GO! Quảng Ngãi); Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam chi nhánh Quảng Ngãi; Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi; Công ty TNHH MTV Xăng dầu Quảng Ngãi; Chi nhánh Công ty cổ phần Xăng dầu dầu khí PVOil miền Trung tại Quảng Ngãi; Công ty cổ phần Xăng dầu thương mại Sông Trà; Công ty TNHH Thương mại vận tải xăng dầu Vạn Lợi; Chi nhánh Công ty cổ phần đầu tư Nam Phúc - Quảng Ngãi.
Đây là nội dung của Kế hoạch thực hiện các giải pháp bảo đảm cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2023 và dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 trên địa bàn tỉnh của UBND tỉnh Quảng Ngãi.
Mục đích của Kế hoạch này nhằm đảm bảo cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường hàng hóa dịp cuối năm 2023 và dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, góp phần đảm bảo nhu cầu sử dụng để ổn định đời sống nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Yêu cầu mà UBND tỉnh đặt ra là không để xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá kéo dài dịp cuối năm 2023 và dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024; hàng hóa tham gia bình ổn phải đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, giá cả hợp lý.
Nhóm mặt hàng bình ổn thị trường gồm gạo, muối, dầu ăn, bột ngọt, mì tôm, nước mắm, bánh kẹo, thịt gia súc, gia cầm; rau, củ, quả. Ngoài các mặt hàng trên, doanh nghiệp được phép kinh doanh các loại hàng hóa đảm bảo các điều kiện được phép lưu thông trên thị trường.
Địa điểm bán hàng bình ổn tại các cơ sở kinh doanh của các doanh nghiệp tham gia bình ổn; tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, hải đảo và khu vực xảy ra khan hàng, sốt giá; thị trường, giá cả có biến động mạnh trên địa bàn tỉnh.
Thời gian thực hiện bình ổn từ ngày 20/1/2024 đến ngày 16/2/2024 (từ ngày 10 tháng Chạp năm Quý Mão đến ngày 7 tháng Giêng năm Giáp Thìn).
Cách thực hiện được chia làm 4 bước. Bước 1: Khi xảy ra sự cố khan hàng, tăng giá đột biến trên thị trường, UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động điều tiết nguồn hàng để bình ổn khu vực, địa phương xảy ra khan hàng theo kế hoạch của UBND các huyện, thị xã, thành phố. Trường hợp vượt quá khả năng điều tiết của địa phương, UBND các huyện, thị xã, thành phố kịp thời thông báo về Sở Công thương về mặt hàng khan hiếm, tăng giá đột biến, địa điểm để kịp thời chỉ đạo thực hiện.
Bước 2: Sau khi tiếp nhận thông tin, Sở Công thương có trách nhiệm khẩn trương làm việc với các đơn vị cung cấp hàng hóa, kịp thời tổ chức điều chuyển hàng hóa đến các khu vực xảy ra sự cố khan hàng, tăng giá đột biến, thị trường, giá cả có biến động mạnh. Bước 3: Các đơn vị cung cấp hàng hóa, tổ chức huy động, điều chuyển hàng hóa đến các địa điểm bán hàng theo yêu cầu của Sở Công thương để tổ chức bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng, bình ổn thị trường.
Bước 4: Sau khi kết thúc đợt bán hàng, các đơn vị tham gia điều chuyển hàng hóa, tổ chức bán hàng, báo cáo kết quả thực hiện về Sở Công thương để theo dõi, chỉ đạo.
Sở Công thương là cơ quan thường trực, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện các giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2023 và dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 trên địa bàn tỉnh.