Quảng Nam rà soát ranh giới Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam

Ban quản lý dự án đường sắt (Bộ Xây dựng) đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam sớm hoàn thành việc rà soát ranh giới Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam qua địa bàn.

Ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam vừa giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương liên quan tổng hợp, báo cáo kết quả rà soát ranh giới Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam thuộc phạm vi địa phận tỉnh Quảng Nam và các nội dung liên quan khác gửi Ban quản lý dự án đường sắt trước ngày 30/4/2025 theo đề nghị của Ban quản lý dự án đường sắt (Bộ Xây dựng).

Đồng thời, ông Dũng yêu cầu Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương liên quan cử cán bộ đầu mối để phối hợp với Ban quản lý dự án đường sắt trong quá trình triển khai thực hiện dự án.

Trước đó, ngày 18/4, Ban quản lý dự án đường sắt đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam sớm hoàn thành việc rà soát, tổng hợp và gửi kết quả đối với các nội dung về rà soát ranh giới dự án (đặc biệt là các nội dung chưa phù hợp với thực địa nếu có), phương án tái định cư và các nội dung khác… cho cơ quan này trước ngày 30/4 để tổng hợp, báo cáo Bộ Xây dựng.

Liên quan đến công tác triển khai, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 106/NQ-CP ngày 23/4/2025 về kế hoạch triển khai Nghị quyết số 172/2024/QH15 ngày 30/11/2024 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

Theo đó, Nghị quyết đặt ra yêu cầu là bám sát chủ trương đầu tư dự án được Quốc hội phê duyệt để tổ chức triển khai bảo đảm mục tiêu, quy mô xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam với tổng chiều dài khoảng 1.541 km, tốc độ thiết kế 350 km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục; 23 ga hành khách, 5 ga hàng hóa; đầu tư phương tiện, thiết bị để vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết.

Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam là dự án quan trọng quốc gia, có quy mô lớn, yêu cầu kỹ thuật, công nghệ cao và hiện đại, tiến độ triển khai rất khẩn trương, lần đầu tiên thực hiện tại Việt Nam; Dự án được Quốc hội cho phép áp dụng nhiều cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để triển khai thực hiện.

Để việc tổ chức thực hiện Dự án đáp ứng chất lượng, tiến độ yêu cầu, bên cạnh các nhiệm vụ thường xuyên, Chính phủ giao các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ có liên quan.

Linh Đan
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục