Quảng Nam ghi dấu ấn với ba nhiệm vụ đột phá chiến lược

Ba nhiệm vụ đột phá chiến lược được đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXII, giai đoạn 2021 - 2025 đã trở thành điểm tựa để tỉnh tăng tốc trong thời kỳ phát triển mới.

Vượt khó

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Nam, dự kiến, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2020-2025 của tỉnh khoảng 4,2%; quy mô nền kinh tế năm 2025 gần 136.400 tỷ đồng, tăng gần 38.000 tỷ đồng so với năm 2020. Tổng thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2020-2025 ước khoảng 125.000 tỷ đồng, cao hơn 16.000 tỷ đồng so với giai đoạn 2016 - 2020; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực…

Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXII đã xác định ba nhiệm vụ đột phá chiến lược giai đoạn 2021 - 2025 là xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ và phát triển đô thị; chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Ba mũi nhọn đột phá này đã tạo nền tảng và động lực lớn cho Quảng Nam.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Nam, qua 5 năm 2020 - 2025, tổng vốn đầu tư toàn xã hội gần 173.500 tỷ đồng, tăng bình quân 5,3%/năm, chiếm 29% GRDP. Nhiều dự án, công trình trọng điểm được đầu tư đã hoàn thành đưa vào sử dụng; nhất là dự án hệ thống đường ven biển, đường nối ven biển với đường quốc lộ và đường cao tốc và các công trình cầu vượt sông, nạo vét sông cổ Cò.

Đồng thời, tỉnh đầu tư nâng cấp hệ thống cảng biển và sân bay Chu Lai, hạ tầng các khu công nghiệp phát triển gắn với nhóm dự án về dịch vụ vận tải, hậu cần cảng và logistics nhằm thu hút các dự án quy mô lớn, trọng điểm. Trên địa bàn Quảng Nam cũng có 13 khu công nghiệp, với tổng diện tích được phê duyệt 3.527 ha, tỷ lệ lấp đầy trung bình khoảng 60%...

Với việc tập trung cải thiện môi trường đầu tư và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Quảng Nam trở thành điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư. Đến nay, tỉnh có 8.607 doanh nghiệp đang hoạt động, 201 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 6,4 tỷ USD.

Ngoài ra, còn có 1.168 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký 228.576 tỷ đồng, trong đó có nhiều dự án quy mô lớn, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng thu ngân sách hàng năm cho tỉnh. Phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển mạnh mẽ, Quảng Nam trở thành “đất lành” cho doanh nghiệp khởi nghiệp…

Cơ hội tăng tốc

Các thành quả đạt được trong ba nhiệm vụ đột phá chiến lược đã trở thành điểm tựa quan trọng để Quảng Nam tiếp tục phát triển trong giai đoạn mới, đóng góp quan trọng để hiện thực mục tiêu theo Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ mới.

Theo PGS-TS. Trần Đình Thiên, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực biến động như hiện nay, Việt Nam nói chung và Quảng Nam là một tọa độ hấp dẫn đầu tư. Vì vậy, Quảng Nam cần định hướng tập trung ưu tiên rõ nét và quyết liệt cho các dự án công nghệ cao và thông minh sáng tạo.

Để làm được điều này, Quảng Nam cần định vị rõ lợi thế vượt trội về “đất đai - mặt bằng”, tạo thế mặc cả trong cạnh tranh thu hút đầu tư cho cả hai tuyến khu - cụm công nghiệp và đô thị. Đồng thời, cần có quyết sách mạnh về đầu tư phát triển sân bay Chu Lai và khu kinh tế gắn với sân bay, nhanh chóng nâng hạng sân bay vượt cấp, biến nó thành động lực phát triển mạnh tầm cỡ vùng - quốc gia… “Chúng ta đang đứng trước bối cảnh bùng nổ của sự phát triển, là thời cơ để tạo đột phá. Do đó, Quảng Nam không nên và không được phép bỏ qua cơ hội quý hiếm này”, ông Thiên chia sẻ.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Nam, Quy hoạch tỉnh đặt ra mục tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt trên 8%/năm và đến năm 2030 phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước; trở thành cực tăng trưởng quan trọng của khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Thời gian tới, Quảng Nam sẽ đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại, đồng bộ. Trong đó, ưu tiên hạ tầng giao thông chiến lược như giao thông liên vùng Đông - Tây, mở rộng Cảng hàng không quốc tế Chu Lai, cảng biển, hạ tầng logistics, hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp, hạ tầng đô thị. Song song với đó, Quảng Nam sẽ phát huy các lợi thế cạnh tranh để thu hút đầu tư.

Ngoài đột phá phát triển các loại hình du lịch mới, Quảng Nam sẽ tập trung nguồn lực để cải thiện môi trường đầu tư, thu hút các dự án có công nghệ tiên tiến, có tác động lan tỏa và khả năng dẫn dắt, hình thành hệ sinh thái các ngành kinh tế trọng điểm. Tỉnh cũng nâng cao năng lực khoa học công nghệ, ưu tiên phát triển đồng bộ chính quyền điện tử, chính quyền số gắn liền với phát triển hạ tầng dịch vụ số…

Quảng Nam đang bước vào chặng cuối để hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng đề ra. Với nền tảng được tạo lập và những dư địa mới, tỉnh sẽ vững bước tiến vào thời kỳ phát triển mới.

Hoàng Anh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục