Quảng cáo cạnh video đen: Hãng lo xử lý, hãng thờ ơ

Trong khi Nestle, TH True Milk xem đó là “vấn đề khá nghiêm trọng”, “bôi nhọ thương hiệu”, thì một số doanh nghiệp im lặng.
YouTube vừa gỡ bỏ quảng cáo trên 2 triệu video có nội dung không phù hợp với trẻ em.

Hàng loạt nhãn hàng quen thuộc với người tiêu dùng như Thaco, Viettel, Thế giới Di động, Pond's, Nestle, Abbott... vừa bị phát hiện có quảng cáo hiển thị trên các nội dung không phù hợp với trẻ em, thu hút nhiều bình luận tục tĩu, mang tư tưởng ấu dâm, hoặc nội dung vi phạm pháp luật. 

'Nhãn hiệu bị bôi nhọ'

Theo đại diện hãng Nestle tại Việt Nam, quảng cáo sử dụng các dịch vụ của YouTube, Google là một hoạt động khá quan trọng đóng góp vào doanh thu của công ty này, bởi một số lượng lớn khách hàng của hãng đang sử dụng các kênh này. Hãng cũng nhận thấy các nội dung xấu xuất hiện bên cạnh các nội dung quảng cáo là vấn đề khá nghiêm trọng và cần được xử lý thoả đáng.

Đầu năm 2017, theo chính sách chung của tập đoàn Nestlé áp dụng trên toàn thế giới, đơn vị tại Việt Nam đã tạm ngưng sử dụng các dịch vụ quảng cáo của YouTube, Google để đánh giá lại mức độ an toàn, sự ảnh hưởng đối với các nhãn hàng của hãng đã sử dụng các dịch vụ này. Đồng thời, doanh nghiệp phối hợp làm việc sát sao, chặt chẽ cùng Google để cải thiện các tiêu chuẩn đối với quảng cáo trên các kênh này.

“Chúng tôi tuân thủ các hướng dẫn do tập đoàn đề ra để xác định và loại bỏ những nội dung quảng cáo không phù hợp. Và cũng đảm bảo các đối tác quảng cáo của mình cũng tuân thủ các hướng dẫn và quy định này”, vị này nói.

Cũng theo đại diện Nestle, từ tháng 8/2017, hãng đã sử dụng trở lại các dịch vụ quảng cáo của YouTube, Google đồng thời giám sát chặt chẽ các nội dung được thể hiện, đảm bảo phù hợp với tinh thần quảng cáo lành mạnh và quy định của luật quảng cáo của Việt Nam và của tập đoàn.

Tương tự, nguồn tin từ hãng thực phẩm Mondelez cho biết tập đoàn toàn cầu này đã gửi cảnh báo và hướng dẫn cho các đại diện ở các quốc gia về tình trạng quảng cáo xuất hiện cạnh nội dung xấu trên YouTube.

Đại diện TH True Milk thì cho biết đây là vấn đề đau đầu của không chỉ riêng hãng này mà còn của các cơ quan quản lý Việt Nam.

“Để xây dựng được một thương hiệu mất rất nhiều thời gian và công sức. Việc xuất hiện cạnh các nội dung xấu độc đó vô hình trung khiến thương hiệu bị bôi nhọ”, vị này nói.

Hồi tháng 3, TH True Milk là một trong các doanh nghiệp Việt cùng Bộ Thông tin Truyền thông làm việc với Google về việc quảng cáo của các doanh nghiệp bị xuất hiện cạnh các video xấu độc của YouTube.

Quảng cáo của nhiều thương hiệu Việt đang được gắn trên các video đen, nội dung xấu độc  

Đại diện hãng sữa Việt cũng cho biết doanh nghiệp luôn có điều khoản chặt chẽ trong hợp đồng liên quan đến việc quảng cáo không được xuất hiện trong các video có nội dung xấu độc. Tuy nhiên, vì thuật toán tự động của YouTube, Google khiến các doanh nghiệp như thế này bị ảnh hưởng.

“Khi phát hiện ra bất kỳ quảng cáo nào xuất hiện cạnh nội dung xấu, chúng tôi sẽ làm việc ngay với nhà cung cấp để xử lý”, bà nói.

Đây cũng là thông điệp được nhiều nhãn hàng tại Việt Nam đưa ra như Viettel, Thaco, Thế giới Di động, Techcombank. Các nhãn hàng khi nhận được thông tin về việc quảng cáo của hãng xuất hiện bên cạnh các nội dung phản cảm trên YouTube ngay lập tức kiểm tra và làm việc với đối tác cung cấp dịch vụ.

Tuy nhiên, lại có những hãng chọn cách im lặng trước tình trạng tái xuất hiện của các video phản cảm, bình luận có xu hướng ấu dâm mà quảng cáo của họ xuất hiện. 

Nếu sai hợp đồng, nhãn hàng có thể kiện YouTube

Trao đổi với Zing.vn, Luật sư Nguyễn Anh Thơm cho biết YouTube là trang mạng nước ngoài và cung cấp nội dung ở Việt Nam. Trang này cũng là trang mạng xã hội mở, nhiều người đóng góp trong đó có cả Việt Nam. Do đó, có thể xuất hiện nhiều nội dung xấu mà YouTube cũng không thể kiểm duyệt được. 

Nếu xuất hiện quảng cáo trong các nội dung xấu độc, doanh nghiệp có thể rút hợp đồng quảng cáo với YouTube. Việc rút này sẽ phụ thuộc vào hợp đồng giữa 2 bên và giải quyết theo nguyên tắc giải quyết tranh chấp hợp đồng kinh doanh thương mại. 

“Nếu sai hợp đồng, hãng có thể kiện YouTube. Nếu có nội dung trái hợp đồng sẽ giải quyết theo các điều khoản của hợp đồng đã ký. Việc giải quyết tuân theo điều khiển trong hợp đồng kinh doanh thương mại. Nếu vi phạm, hợp đồng có quy định giải quyết ra sao thì cần tuân thủ, theo trình tự pháp luật”, ông Thơm nhấn mạnh.

Trong khi đó, luật sư Trương Thanh Đức nhắc lại quan điểm ông đã nêu hồi đầu năm 2017 rằng các doanh nghiệp phải đàm phán lại, làm việc cụ thể hơn với nhà quảng cáo. Nếu không doanh nghiệp chi tiền quảng cáo để nâng cao hình ảnh, thương hiệu của mình lên thì lại có tác dụng ngược, phản cảm. Nó giống như việc giao trứng cho ác khiến doanh nghiệp tự hủy hoại mình và tự đánh mất uy tín đối với người tiêu dùng.

Tháng 11 vừa qua, YouTube đã phải gỡ bỏ quảng cáo trên 2 triệu video có nội dung không phù hợp với trẻ em, đồng thời điều tra về kết quả tìm kiếm chứa những gợi ý dung tục. Đây là động thái mới nhất của nền tảng chia sẻ video này, sau khi các thương hiệu lớn như Adidas, Deutsche Bank, Cadbury và Hewlett-Packard đồng loạt ngừng quảng cáo trên YouTube do phát hiện chúng hiện trên những video không phù hợp.


Theo Zing

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục