Quảng Bình xây dựng “bệ đỡ” nông nghiệp công nghệ cao

0:00 / 0:00
0:00
Để ngành nông nghiệp tiếp tục phát huy vai trò trụ cột, bệ đỡ của nền kinh tế, tỉnh Quảng Bình định hướng xây dựng các khu nông nghiệp công nghệ cao.
Quảng Bình xây dựng “bệ đỡ” nông nghiệp công nghệ cao

Xu hướng tất yếu

TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn đánh giá, cùng với những khó khăn như biến đổi khí hậu, rủi ro thời tiết, ngành nông nghiệp Quảng Bình cũng phải đối diện với những thách thức chung như rào cản kỹ thuật, ảnh hưởng từ nền công nghiệp 4.0, nguồn vốn đầu tư…

Do vậy, TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cho rằng, nông nghiệp Quảng Bình cần nhanh chóng thoát khỏi mô hình sản xuất manh mún, nhỏ lẻ để chuyển sang phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hóa theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao. Đây là lời giải đúng đắn nhất cho bài toán tăng trưởng bền vững của ngành nông nghiệp Quảng Bình.

Thời gian qua, UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành Kế hoạch Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, trong đó quy định một số chính sách ưu đãi và hỗ trợ các dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn thuộc danh mục đặc biệt ưu đãi đầu tư.

Điều này đã góp phần giúp tỉnh Quảng Bình đón nhiều nhà đầu tư hàng đầu trong nước và quốc tế với các dự án về nông nghiệp có quy mô lớn; số lượng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp Quảng Bình ngày càng gia tăng.

Ông Trần Đình Hiệp, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình cho biết, tính đến đầu năm 2023, tỉnh có hơn 110 cơ sở sản xuất ứng dụng công nghệ cao, trong đó gần một nửa cơ sở đã được chứng nhận VietGap hoặc an toàn thực phẩm.

Đối với trồng trọt, các cơ sở đã ứng dụng trồng cây trong nhà màng, nhà lưới; trồng cây trên giá thể; ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước của Israel, quy trình canh tác hữu cơ… để sản xuất rau, quả an toàn, trồng cây dược liệu, trồng hoa, tạo ra sản phẩm năng suất, sản lượng lớn, chất lượng cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, với diện tích khoảng 100 ha.

Trong đó, nổi bật là mô hình trồng cây dược liệu của Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Tuệ Lâm; trang trại nông nghiệp công nghệ cao của Công ty cổ phần Thực phẩm sạch Đông Dương, Khu Nông nghiệp công nghệ cao của Công ty TNHH Phát triển Dự án Việt Nam...

Đối với chăn nuôi, các cơ sở áp dụng lai tạo giống, sử dụng trang thiết bị hiện đại. Nổi bật là trang trại chăn nuôi lợn siêu nạc của Công ty TNHH Chăn nuôi Buntaphan Quảng Bình 11, trang trại chăn nuôi của Công ty TNHH TABICO…

Đối với nuôi trồng thủy sản, các cơ sở cũng đã ứng dụng công nghệ sinh học trong quá trình sản xuất, cho tôm ăn bằng máy tự động, quản lý bằng hệ thống camera, điển hình là Công ty cổ phần Thanh Hương, Công ty cổ phần Đức Thắng, Công ty cổ phần CP Việt Nam - Chi nhánh Quảng Bình…

Hình thành khu nông nghiệp

Theo Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, nông nghiệp công nghệ cao được xác định là một trong 4 trụ cột để phát triển kinh tế với định hướng “phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng sản xuất hàng hoá, giá trị gia tăng cao, ưu tiên ứng dụng công nghệ cao, coi đây là bệ đỡ nền kinh tế của tỉnh”.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình cho hay, theo quy hoạch, tỉnh sẽ hình thành một số vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sản xuất theo hướng hữu cơ, tập trung vào lúa gạo, rau củ quả, cây dược liệu, cây ăn quả, bò thịt, gia cầm, tôm.

Theo đó, Quảng Bình sẽ xây dựng vùng sản xuất lúa hữu cơ ứng dụng công nghệ cao tập trung tại các huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy; vùng sản xuất rau, củ, quả hữu cơ ứng dụng công nghệ cao tập trung tại các huyện Lệ Thủy, Bố Trạch; vùng sản xuất dược liệu, nấm ăn, nấm dược liệu hữu cơ ứng dụng công nghệ cao tập trung tại các huyện Bố Trạch, Tuyên Hóa, Minh Hóa.

Cùng với đó, là vùng sản xuất cây ăn quả hữu cơ ứng dụng công nghệ cao tập trung ở các huyện Lệ Thủy, Bố Trạch, Tuyên Hóa; vùng chăn nuôi lợn hữu cơ ứng dụng công nghệ cao tập trung tại vùng đồi của huyện Bố Trạch và vùng đồi, vùng cát ở Quảng Ninh, Lệ Thủy; vùng chăn nuôi bò thịt hữu cơ ứng dụng công nghệ cao tập trung tại vùng đồi của huyện Quảng Trạch, Bố Trạch; vùng nuôi trồng thủy sản hữu cơ tập trung tại vùng cát huyện Lệ Thủy.

Đáng chú ý, trong giai đoạn 2021 - 2030, tỉnh Quảng Bình sẽ đầu tư 2 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao điểm mẫu, gồm Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Tây Bắc Đồng Hới (100 - 150 ha); Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Tây Nam Bố Trạch (150 - 200 ha).

Trong giai đoạn 2030 - 2050, tỉnh Quảng Bình đặt mục tiêu mở rộng và xây dựng 6 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Lệ Thủy, Quảng Ninh, Ba Đồn, Quảng Trạch, Tuyên Hóa, Minh Hóa.

V. Toàn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục