Quảng Bình tận dụng lợi thế để phát triển công nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
Nhìn nhận về tiềm năng phát triển công nghiệp của Quảng Bình, nhiều chuyên gia cho rằng, tỉnh đang có lợi thế lớn so với nhiều địa phương trên cả nước nhờ sở hữu các yếu tố hạ tầng cứng.
Khu kinh tế cảng biển Hòn La tạo điều kiện cho thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp của Quảng Bình Khu kinh tế cảng biển Hòn La tạo điều kiện cho thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp của Quảng Bình

Tiềm năng hạ tầng cứng

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình, ông Vũ Đại Thắng cho biết, Quảng Bình có vị trí phía Đông giáp biển, phía Tây giáp Lào; là điểm cuối của tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây, cửa ngõ ra biển của vùng Đông Bắc Thái Lan và Nam Lào thông qua cửa khẩu Cha Lo và đi xuống cảng Hòn La. Quảng Bình cũng là nơi đi qua của các tuyến giao thông Bắc - Nam quan trọng như đường sắt, Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh.

“Trên địa bàn tỉnh có cảng Hòn La là cảng biển nước sâu và sân bay Đồng Hới. Vị trí địa lý và hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của Quảng Bình mang đến thuận lợi trong việc kết nối giao thương với các địa phương lân cận cũng như khu vực kinh tế hai đầu đất nước. Đây là một trong những lợi thế của Quảng Bình so với các địa phương khác trong khu vực miền Trung”, ông Vũ Đại Thắng nhấn mạnh.

Về tự nhiên, Quảng Bình có nguồn nguyên liệu phong phú, đa dạng với các loại cát, sét, titan, đá vôi, kết hợp với trữ lượng gỗ khá lớn… Tỉnh có diện tích 8.065,3 km2, rộng hơn nhiều lần so với một số địa phương khu vực phía Bắc, thuận lợi cho việc thu hút đầu tư các dự án công nghiệp cần diện tích đất lớn.

Theo UBND tỉnh Quảng Bình, hiện nay tỉnh có 2 khu kinh tế và 8 khu công nghiệp với tổng diện tích quy hoạch 65.703 ha. Trong đó, Khu kinh tế Hòn La và Khu kinh tế cửa khẩu Cha Lo được xem là những khu kinh tế quan trọng của miền Trung và cả nước.

Khu kinh tế Hòn La thuộc huyện Quảng Trạch, được quy hoạch với tổng diện tích tự nhiên 10.000 ha, trong đó đất liền là 8.900 ha, mặt biển và đảo là 1.100 ha. Đây là vùng trọng điểm phát triển công nghiệp phụ trợ theo Quy hoạch Nam Hà Tỉnh - Bắc Quảng Bình. Khu kinh tế Hòn La là nơi tập trung các ngành công nghiệp trọng điểm của tỉnh Quảng Bình như công nghiệp phụ trợ, sản xuất điện năng, đóng tàu, công nghiệp xi măng, sản xuất thủy tinh, cùng các ngành công nghiệp phụ trợ khác.

Còn Khu kinh tế cửa khẩu Cha Lo (huyện Minh Hóa) có tổng diện tích 53.923 ha. Đây là một trong 9 khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm được Chính phủ tập trung đầu tư giai đoạn 2016 - 2020. Là đầu mối trung chuyển, trung tâm xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ khu vực Trung Lào, Đông Bắc Thái Lan và Tiểu vùng sông Mê Kông. Hiện nay, Cửa khẩu quốc tế Cha Lo cũng là cửa khẩu lớn nhất giữa Việt Nam và Lào, với tổng giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu, quá cảnh, phi mậu dịch năm 2020 đạt 1,2 tỷ USD.

Một yếu tố quan trọng không kém là nguồn nhân lực. Hiện nay, Quảng Bình có khoảng 900.000 dân, trong đó người trong độ tuổi lao động chiếm 57,6%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo và đào tạo lại đạt 70%.

Ông Marco Breu, Tổng giám đốc Công ty TNHH McKinsey&Company Việt Nam nhận định: “Xét trên bình diện quốc tế, chúng tôi nhận thấy một số xu hướng tạo thuận lợi cho Quảng Bình, cụ thể là chi phí nhân công tăng tại Trung Quốc sẽ giúp nâng cao lợi thế cạnh tranh của các địa phương như Quảng Bình. Một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Quảng Bình đã được ưu tiên phát triển dựa trên lợi thế về giá điện thấp, chi phí kho vận rẻ, chi phí nhân công thấp và nguồn nguyên liệu đầu vào tại địa phương. Ngoài ra, việc tăng cường nguồn cung điện sạch, giá rẻ cũng sẽ hỗ trợ ngành công nghiệp trong tỉnh thêm cơ hội phát triển”.

Công nghiệp chế biến, chế tạo là thế mạnh của Quảng Bình
Công nghiệp chế biến, chế tạo là thế mạnh của Quảng Bình

Tập trung phát triển công nghiệp

Quảng Bình tập trung phát triển công nghiệp từ rất sớm dựa trên những lợi thế có sẵn. Công nghiệp là lĩnh vực kinh tế trụ cột của Quảng Bình trong hơn 30 năm qua. Chính trong giai đoạn những năm sau tái lập tỉnh (năm 1990), ngành công nghiệp Quảng Bình với những cái tên như Sông Gianh, COSEVCO, Bang, Khoáng sản Quảng Bình… đã trở thành điểm tựa giúp tỉnh vượt qua gian khó và đi lên.

Thống kê của Sở Công thương Quảng Bình cho thấy, năm 1990, giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010) là 271,7 tỷ đồng, thì gần 30 năm sau, con số đó đã tăng lên 46 lần, đạt 12.389 tỷ đồng (năm 2019), tăng trưởng bình quân 14,1%/năm. Trong đó, một số ngành có tốc độ tăng trưởng cao như công nghiệp khai khoáng, chế biến, chế tạo, sản xuất và phân phối điện, khí đốt… Riêng giai đoạn 2000 - 2009, công nghiệp Quảng Bình có bước đột phá, bắt đầu một thời kỳ tăng trưởng cao và liên tục, khi nhiều nhà máy quy mô lớn đi vào hoạt động.

Ông Phan Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Công thương Quảng Bình cho biết, trong bối cảnh khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế, ảnh hưởng của sự cố môi trường biển và biến đổi khí hậu bất thường, đặc biệt là sự bùng phát đại dịch Covid-19, sản xuất công nghiệp của Quảng Bình vẫn duy trì tăng trưởng khá. Bình quân giá trị sản xuất công nghiệp tăng 8,5%/năm, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng bình quân mỗi năm 7,6%. Riêng giá trị sản xuất công nghiệp trong năm 2020 đạt 13.310 tỷ đồng.

“Mặc dù chưa đạt mục tiêu đề ra, nhưng đây là tốc độ tăng trưởng khá, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, giảm tỷ trọng nông, lâm, thủy sản. Tỷ trọng công nghiệp, xây dựng trong cơ cấu kinh tế (GRDP) năm 2020 của Quảng Bình đã chiếm 28,54%, vượt mục tiêu kế hoạch đề ra ban đầu là 28%”, ông Nam thông tin.

Theo ông Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, thời gian qua, hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp đã được Quảng Bình quan tâm đầu tư mạnh mẽ. Điều này tạo điều kiện thu hút đầu tư, khai thác tốt thế mạnh sẵn có của địa phương để phát triển công nghiệp. Công tác xúc tiến đầu tư được chú trọng, một số dự án đầu tư mới đã đi vào hoạt động, đang phát huy hiệu quả như các dự án may xuất khẩu, chế biến gỗ, sản xuất kính cường lực, thu hồi nhiệt thải phát điện, chế biến hải sản, các nhà máy gạch không nung...

Đối với lĩnh vực năng lượng, Quảng Bình đã phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tái khởi động triển khai xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I để kịp đưa vào vận hành trong năm 2023 - 2024; xúc tiến đầu tư Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch II, các dự án năng lượng lượng sạch, năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, thủy điện, điện sinh khối…), triển khai đầu tư các dự án đường dây và Trạm biến áp 500 kV, 220 kV, 110 kV.

“Trong thời gian tới, Quảng Bình tiếp tục chú trọng phát triển các ngành công nghiệp chủ lực, có lợi thế cạnh tranh. Phát triển công nghiệp gắn với tạo liên kết vùng với các khu kinh tế trọng điểm của các tỉnh trong khu vực như Khu kinh tế Vũng Áng - Hà Tĩnh. Đẩy mạnh phát triển Khu kinh tế Hòn La, Khu kinh tế cửa khẩu Cha Lo gắn với hành lang Quốc lộ 12A. Hoàn thiện kết cấu hạ tầng, đẩy nhanh tỷ lệ lấp đầy và phát huy hiệu quả các khu công nghiệp Bắc Đồng Hới, Quán Hàu, Cam Liên, các khu, cụm công nghiệp. Tỉnh cũng ưu tiên thu hút các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo có năng lực và quy mô sản xuất lớn, có tác động lan tỏa, công nghệ, thiết bị hiện đại, thân thiện môi trường”, ông Trần Thắng thông tin.

Theo Sở Công thương Quảng Bình, trong năm 2020, nhiều sản phẩm của tỉnh có mức tăng trưởng khá so với năm trước. Cụ thể: sản xuất xi măng và clinker đạt 5,4 triệu tấn (tăng 4,8%); áo sơ mi đạt 18 triệu chiếc (tăng 13,3%); tinh bột sắn đạt 17.900 tấn (tăng 4,9%); tôm đông lạnh đạt 260 tấn (tăng 4,7%); dăm gỗ đạt 390.000 tấn (tăng 6%); phân vi sinh đạt 86.000 tấn (tăng 4,2%); gạch men đạt 1.650.000 m2 (tăng 3,6%); gạch không nung đạt 80 triệu viên (tăng 39%); điện thương phẩm đạt 1.100 triệu kW (tăng 6%); gỗ ván ghép thanh đạt 50.000 m3 (tăng 61,9%)...

Tân Ngọc
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục