Các bị cáo đều từng là cán bộ của xã Phương Tú, gồm Nguyễn Đức Nhị, nguyên Phó chủ tịch UBND xã; Lê Văn Tú , nguyên Chủ tịch xã; Vũ Xuân Tiệp, Kế toán ngân sách xã; Lê Văn Lân, cán bộ địa chính xã, Nguyễn Văn Thành, nguyên Phó Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp.
Trong đó, bị cáo Nguyễn Đức Nhị bị tuyên phạt 6 năm tù giam, bị cáo Lê Văn Tú bị tuyên phạt 36 tháng án treo, các đồng phạm khác bị tuyên phạt từ 15 tháng tù treo đến 7 năm tù giam.
Được biết, vào tháng 5/2016, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử vụ án nhưng sau đó đã trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung do nhận thấy còn nhiều mâu thuẫn về tội danh của các bị cáo.
Theo tài liệu truy tố, từ năm 2008 đến năm 2011, các bị cáo đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhiều lần bán đất trái thẩm quyền, lập hồ sơ khống giao đất ở lâu dài.
Theo đó, lợi dụng chủ trương UBND huyện Ứng Hòa giao cho UBND xã Phương Tú thu tiền xử lý đất lấn chiếm, bị cáo Nguyễn Đức Nhị và Lê Văn Tú cấp đất giãn dân trái thẩm quyền, thu tiền bán đất cho các hộ dân.
Theo Nghị định 84/2007, diện tích đất lấn chiếm trước năm 2004, phù hợp với quy hoạch của địa phương thì được nộp tiền xử lý và được đề nghị cấp sổ đỏ. Dù đất không bị lấn chiếm nhưng các bị cáo vẫn tổ chức họp, thống nhất để bán các suất đất.
Tổng diện tích đất giao trái thẩm quyền là hơn 5.600 m2. Các bị cáo viết phiếu thu ghi lùi thời gian về năm 2000 và số tiền ghi trong phiếu thu thấp hơn số tiền các hộ dân nộp thực tế đề nghị UBND huyện Ứng Hòa chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho nhiều hộ dân, thu tổng số tiền hơn 4,3 tỷ đồng.
Số tiền trên ngoài sử dụng xây các công trình phúc lợi trên địa bàn xã, còn lại các bị cáo chia nhau chiếm đoạt. Trong đó, cựu Phó chủ tịch xã đút túi hơn 724 triệu đồng.
Ngoài ra, bị cáo Nhị còn chỉ đạo cấp dưới thu gần 1 tỷ đồng tiền xử lý đất lấn chiếm của các hộ dân dọc đường 75 trước khi có Quyết định của UBND huyện và sử dụng hơn 331 triệu đồng tiền chênh lệch để chi tiêu tiếp khách.
Nguyên Chủ tịch xã Lê Văn Tú là người đồng ý cho cấp dưới làm sai và tham gia bàn bạc, thống nhất lập khống hồ sơ xây dựng để rút khoảng 269 triệu đồng hỗ trợ từ Ngân sách Nhà nước.
Cụ thể, Nhà văn hóa thôn Phí Trạch đã được xây dựng từ năm 2003, đến 2008 thì hoàn thành các hạng mục với tổng chi phí là 763 triệu đồng. Khi UBND huyện thông báo cấp vốn ngân sách hỗ trợ xây nhà văn hóa thôn, các bị cáo đã cùng lập hồ sơ khống xây dựng cổng và tường rào Nhà văn hóa thôn Phí Trạch để rút tiền ngân sách.