Đây là những vấn đề đang được đặt ra cùng với đề nghị của Bộ Tài chính về sửa đổi, nâng cấp Quyết định 152/2005/QĐ-TTg lên tầm văn bản là Nghị định của Chính phủ. Với cơ sở pháp lý cao hơn, ông Thành cho rằng, cơ chế hoạt động của SCIC sẽ linh hoạt và thuận lợi hơn cho việc thực hiện hai chức năng cơ bản là nhà đầu tư và đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các DN. Điều quan trọng nhất là những chuyển đổi tới đây về tổ chức hoạt động của SCIC sẽ hướng tới mục tiêu được đặt ra vào giai đoạn 2015 - 2020 là SCIC trở thành tổ chức duy nhất đại diện chủ sở hữu của phần vốn nhà nước tại các DN có tính chất thương mại.
Mặc dù mục tiêu này mới nằm trong kế hoạch chiến lược đang xây dựng, song những quan điểm phản biện đã bắt đầu dấy lên. Đó là với mô hình SCIC thống nhất quản lý phần vốn nhà nước tại các DN, thì ai sẽ là đại diện chủ sở hữu nhà nước tại chính SCIC.
Một lẽ đương nhiên là SCIC đang hoạt động theo mô hình tổng công ty, một DN do Nhà nước thành lập, Nhà nước đầu tư vốn. Như vậy, về nguyên tắc, sẽ phải có một tổ chức thực hiện vai trò đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với tổng công ty này. "Cho dù SCIC sẽ là đầu mối duy nhất trong quản lý phần vốn nhà nước tại các DN thì cũng không thể không xác định đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước của chính công ty mẹ này", bà Nguyễn Hồng Loan, chuyên gia Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài Chính) phân tích.
Với quan điểm cho rằng, đại diện chủ sở hữu nhà nước của mô hình này sẽ là Thủ tướng Chính phủ hoặc Bộ trưởng Bộ Tài chính, lại có băn khoăn về việc sẽ không tách được chức năng quản lý doanh nghiệp ra khỏi các cơ quan quản lý nhà nước. Trong mô hình của Công ty Quản lý vốn nhà nước Khazamah của
Trong khi đó, có quan điểm cho rằng, nên thành lập một cơ quan thâu tóm toàn bộ chức năng quản lý DN từ các bộ, ngành, địa phương hiện nay và làm chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước tại các DN. Cơ quan này đương nhiên cũng sẽ quản lý cả SCIC với tư cách là đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước. Vì không phải là mô hình doanh nghiệp nên sẽ không đặt ra câu hỏi tiếp về đại diện chủ sở hữu. Và điều quan trọng nhất là sẽ tách được một cách triệt để quản lý DN ra khỏi các cơ quan chính quyền địa phương và trung ương, các bộ, ngành và cả Thủ tướng Chính phủ. Song, một vấn đề tiếp tục được xới xáo là lo ngại về khả năng mô hình này trở thành một "siêu bộ" trong quản lý DN do tính chất quản lý hành chính trong mô hình này.
Cũng cần phải nói rằng, những thử nghiệm cho mô hình quản lý vốn nhà nước trong DN nhằm tách bạch quản lý nhà nước và quản lý doanh nghiệp ra khỏi các cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương đã được bắt đầu từ những năm 1995 với sự ra đời của Tổng cục Quản lý vốn và tài sản nhà nước tại DN. Tuy nhiên, cho đến nay, mục tiêu tách bạch này vẫn chưa đạt được một cách trọn vẹn. SCIC mới quản lý được khoảng 2,4% tổng số vốn nhà nước tại các DN. Trên 97% còn lại vẫn đang chờ đợi một mô hình quản lý để làm tròn mục tiêu quan trọng trên. Câu hỏi mô hình nào cho SCIC, hay nói một cách chính xác hơn, mô hình nào cho tổ chức đại diện chủ sở hữu nhà nước tại tất cả các DN vẫn đang tiếp tục được nghiên cứu và thảo luận. Cần phải nhắc lại rằng, thời điểm tất cả DNNN, kể cả SCIC buộc phải chuyển đổi sang hoạt động theo Luật Doanh nghiệp là 1/7/2010 đã không còn quá xa…