Quan trọng là xác định xuất phát điểm

(ĐTCK-online) Khi bắt tay vào xây dựng Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2011-2020, xác định xuất phát điểm là công việc đầu tiên không thể thiếu. Mặt khác, tính đến thời điểm bắt đầu thực hiện chiến lược này, vẫn còn 3 năm rưỡi trước mắt, nên nội dung không thể thiếu của việc xác định xuất phát điểm thực hiện Chiến lược còn bao hàm cả khâu đánh giá triển vọng phát triển của giai đoạn này. Bài viết này chỉ xin giới hạn ở khía cạnh kinh tế của vấn đề hết sức rộng lớn và phức tạp này.
Xuất khẩu là nguồn lực quan trọng để thúc đẩy kinh tế phát triển Xuất khẩu là nguồn lực quan trọng để thúc đẩy kinh tế phát triển

Việt Nam đang đứng ở đâu?

Trước hết, không phải chỉ chúng ta, mà đông đảo dư luận quốc tế đều khẳng định, thành tựu phát triển kinh tế của Việt Nam những năm gần đây là rất đáng khích lệ. Đó là việc nhiều năm liên tục duy trì được đà tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước và đứng hàng thứ hai trong khu vực, chỉ thua kém “người khổng lồ” Trung Quốc.

Chỉ xét trong vòng 6 năm đầu thập kỷ này, Trung Quốc dẫn đầu với nhịp độ tăng trưởng bình quân 9,76%/năm, còn Việt Nam đạt 7,62%/năm, trong khi ba quốc gia thành viên quan trọng của ASEAN là Thái Lan, Malaysia và Philippines lần lượt chỉ đạt 5,05%/năm; 4,73%/năm; 4,60%/năm.

Tuy vậy, trong bảng xếp hạng của IMF năm 2005, vị trí của Việt Nam là cực kỳ khiêm tốn. Nếu xếp hạng theo quy mô GDP của quốc gia, Việt Nam chỉ giữ vị trí 57, kém Philippines 7 bậc, kém Malaysia 20 bậc, kém Thái Lan 23 bậc. Hơn thế, do quy mô dân số của nước ta lớn, nên nếu xếp hạng theo thu nhập quốc dân bình quân đầu người (GNI), thì Việt Nam chỉ đứng hàng thứ 166, kém Philippines 28 bậc, kém Trung Quốc 38 bậc, kém Thái Lan 57 bậc và kém Malaysia 84 bậc.

Hoặc nhìn dưới một góc độ khác, năm 2006, GDP bình quân đầu người của Việt Nam mới đạt 729 USD/người, trong khi cách đây 26 năm, cả Thái Lan và Philippines đã cùng đạt được mức này (lần lượt là: 728 USD và 720 USD), còn Trung Quốc thì đã đạt được cách đây 10 năm (771 USD). Còn ở thời điểm hiện tại, GDP bình quân đầu người của Việt Nam mới chỉ bằng 36,43% của Trung Quốc; 54,20% của Philippines ; 23,25% của Thái Lan; 12,75% của Malaysia ; 4,71% của Đài Loan và 3,96% của Hàn Quốc.

Những con số này cho thấy, nếu chúng ta duy trì được nhịp độ tăng trưởng kinh tế được coi là rất đáng khích lệ hiện nay và những “người hàng xóm” vẫn giữ nguyên nhịp độ tăng trưởng như vậy, thì cũng phải vào thời điểm kết thúc thập kỷ 20 sắp tới, GDP bình quân đầu người của Việt Nam mới đuổi kịp quốc đảo Philippines - chậm chân nhất trong số những quốc gia trong khu vực nói trên; 40 năm nữa cũng chỉ vừa bằng một nửa so với của Thái Lan và còn rất, rất lâu nữa mới có thể so với Malaysia; song sẽ không theo kịp được Trung Quốc, bởi nhịp độ phát triển của quốc gia này liên tục vượt trội so với của Việt Nam.

Như vậy, cho dù đã đạt được nhịp độ tăng trưởng rất đáng khích lệ trong những năm gần đây, nhưng do xuất phát điểm của Việt Nam hiện nay quá thấp, nên nỗ lực tối đa để thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh hơn nữa trong một thời kỳ dài là vấn đề ngày càng bức xúc, bởi nếu không, khoảng cách với các nước phát triển hơn trong khu vực sẽ ngày càng doãng rộng hơn nữa. 

Có thể cải thiện xuất phát điểm

Với những động thái hiện nay, có thể nói, nền kinh tế Việt Nam đang trước thời cơ vàng để cải thiện vị trí xuất phát khi bước vào thực hiện chiến lược phát triển trong thập kỷ tới. Bởi lẽ, với bước ngoặt lịch sử trở thành thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) từ đầu năm nay, cả ba nguồn động lực chủ yếu (vốn đầu tư nước ngoài, xuất khẩu, thị trường trong nước) thúc đẩy nền kinh tế phát triển đều có dấu hiệu mạnh lên rất rõ ràng. Vì thế, khả năng diễn ra “kịch bản” vượt cả mục tiêu tăng trưởng GDP trên 8%/năm là rất lớn. 

Thứ nhất, với đặc thù riêng có và bối cảnh quốc tế hiện tại, vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) sẽ là nguồn động lực mạnh nhất thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam phát triển nhanh hơn, chí ít là trong những năm đầu gia nhập WTO.

Về mặt chủ quan, Việt Nam gia nhập WTO trong điều kiện nền kinh tế còn đang ở trình độ phát triển rất thấp, nhưng đang trên đà tăng trưởng nhanh, điều này không chỉ đồng nghĩa với cơ hội kinh doanh còn rất nhiều, mà nền kinh tế Việt Nam đang trong tư thế sẵn sàng đón nhận các nhà ĐTNN để bước vào một giai đoạn phát triển mới.

Về chính trị, xã hội, lợi thế mà chúng ta đang có là vượt trội. Đó là chính trị, xã hội ổn định vững chắc, vai trò của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế đang tăng lên, quy mô thị trường không nhỏ, lực lượng lao động trẻ, có học dồi dào...

Bên cạnh yếu tố “nhân hoà” nói trên và yếu tố “địa lợi” - ở trung tâm của khu vực ASEAN và cửa ngõ của Trung Quốc xuống phía Nam, thì chính sự phát triển bùng nổ của Trung Quốc trong khu vực phát triển năng động nhất thế giới đang tạo ra yếu tố “thiên thời” hiếm có cho Việt Nam trong những năm tới. Bởi lẽ, dưới con mắt của các chính khách và chuyên gia Mỹ, Việt Nam ngày càng có vai trò tích cực hơn, nhiều ảnh hưởng hơn trong ASEAN, vì thế cũng có vị trí quan trọng trong việc duy trì ảnh hưởng đối với khu vực và châu Á. Trong khi đó, Nhật Bản cũng đã đánh giá Việt Nam có vai trò đáng kể, nên đã chọn Việt Nam để phát triển làn sóng đầu tư thứ hai...

Rõ ràng, sự kiện gia nhập WTO của Việt Nam có tác dụng “châm ngòi” cho một “cuộc đua” đầu tư không chỉ giữa các cường quốc kinh tế thế giới, mà còn cả giữa các nền kinh tế có thực lực mạnh trong khu vực. Việc Việt Nam bất ngờ thu hút được 10,2 tỷ USD vốn ĐTNN ở thời điểm “đêm trước WTO” và việc chỉ riêng 13 dự án lớn đang “ngấp nghé” cũng đã vượt qua ngưỡng 20 tỷ USD cũng đủ cho thấy khả năng nền kinh tế sẽ tăng tốc mạnh hơn nữa nhờ nguồn động lực này là rất rõ ràng. Việc nền kinh tế Việt Nam đang ở trong giai đoạn “hoàng kim”, liên tục đạt tốc độ phát triển 8,15-9,54% trong những năm từ 1992 đến 1996 nhờ làn sóng ĐTNN thứ nhất là một minh chứng.  

Thứ hai, gia nhập WTO, “đoàn tàu xuất khẩu” của Việt Nam sẽ tạo ra nguồn động lực mạnh hơn để thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh hơn trong nhiều năm tới. Thời gian đầu gia nhập WTO, tốc độ xuất khẩu của Việt Nam khó có thể tăng đột biến, nhưng sau khi hàng loạt dự án ĐTNN có quy mô hàng tỷ USD, cũng như những dự án có nguồn vốn trong nước hướng về xuất khẩu đi vào vận hành, nhằm khai thác những lợi thế do việc gia nhập WTO mang lại, thì xuất khẩu chắc chắn sẽ tăng tốc mạnh. Tuy xuất khẩu của Việt Nam sẽ không thể “bùng nổ” giống như Trung Quốc đã đạt được trong 5 năm “hậu WTO” vừa qua (tăng 29,5%/năm, trong khi trong 5 năm “tiền WTO” chỉ tăng 12%/năm), nhưng hầu như chắc chắn là sẽ tăng cao hơn hẳn so với nhịp độ tăng trưởng bình quân 16%/năm như đã được khẳng định trong kế hoạch 5 năm hiện nay. Việc kim ngạch xuất khẩu đã tăng 22,76% trong năm 2006 cũng thể hiện xu thế phát triển khả quan này của “đoàn tàu xuất khẩu” nước ta trong những năm tới.    

Thứ ba, nhờ tăng tốc đầu tư, đặc biệt là từ những nguồn vốn ĐTNN khổng lồ, nhờ tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu, chắc chắn thị trường trong nước cũng sẽ nhanh chóng mạnh lên, vì thế cũng sẽ góp phần ngày càng quan trọng trong việc thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh hơn trong những năm tới. Các số liệu thống kê cho thấy, nếu như tỷ trọng của tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong nước so với GDP vào năm 2001 chỉ đạt 41,56%, thì năm 2006 vừa qua đã tăng lên 48,56%. Kinh tế phát triển nhanh đồng nghĩa với thu nhập tăng nhanh, tạo ra sức mua ngày càng mạnh của thị trường trong nước và xu thế này chắc chắn sẽ mạnh lên trong nhiều năm tới.

Tất cả những điều nói trên có nghĩa là, nhờ những nguồn động lực thúc đẩy mạnh hơn, triển vọng nền kinh tế trong giai đoạn 5 năm hiện nay sẽ đạt nhịp độ tăng trưởng trên 8%/năm, thậm chí 9%/năm, là rất rõ ràng. Việc chúng ta đã đạt được tốc độ tăng 8,17% trong năm 2006 vừa qua và hiện nay đang hướng tới mức tăng trưởng 8,5% gần như chắc chắn mới chỉ là những “khúc dạo đầu” tốt đẹp cho một giai đoạn phát triển “hậu WTO” rất sáng sủa.

Điều này cũng có nghĩa là, có nhiều khả năng xuất phát điểm để chúng ta xây dựng Chiến lược Phát triển thời kỳ 2011-2020 sẽ cao hơn hẳn so với những gì chúng ta đã tính toán và xác định trong Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 2001-2010 và kế hoạch 5 năm 2006-2010 hiện hành. Nếu vậy, đây sẽ là công việc đầu tiên mà các nhà hoạch định chiến lược phát triển phải giải quyết khi bắt tay vào xây dựng chiến lược phát triển cho thập kỷ tới.

Nguyễn Đình Bích
Nguyễn Đình Bích

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,221.03 4.67 0.38% 170,273 tỷ
HNX 228.22 0.73 0.32% 1,402 tỷ
UPCOM 89.78 0.09 0.1% 617 tỷ