Quan trọng là tăng trưởng bền vững

(ĐTCK-online) Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XII, Chính phủ chính thức đề nghị Quốc hội điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2008 từ 8,5% - 9,0% xuống 7,0%. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Hà Văn Hiền, việc điều chỉnh tốc độ tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng cao là rất cần thiết để thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội.
Ông Hà Văn Hiền. Ông Hà Văn Hiền.

Mặc dù đồng tình với việc giảm chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế, nhưng có vẻ ông vẫn muốn Chính phủ phải lập luận rõ hơn sự cần thiết phải điều chỉnh?

Chính phủ phải đưa ra lập luận khoa học về sự cần thiết phải điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng kinh tế để các đại biểu Quốc hội có cơ sở thảo luận và biểu quyết, bởi giảm chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế có ảnh hưởng nhất định đến việc làm, thu nhập của người dân. Trên thực tế, đời sống của đa số người dân, nhất là nông dân và những người làm công ăn lương đã bị ảnh hưởng đáng kể do thiên tai, dịch bệnh bùng phát; giá cả hàng hóa, dịch vụ leo thang. Vì vậy, khi điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng kinh tế thì cần phân tích, đánh giá cụ thể về những tác động, ảnh hưởng đến sản xuất - kinh doanh và đời sống của các tầng lớp dân cư để đưa ra các chính sách phù hợp với khả năng kinh tế và nhận được sự ủng hộ của người dân.

 

Còn ông lập luận thế nào về việc giảm chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế?

Đứng trước khó khăn của kinh tế thế giới cũng như của Việt Nam, Ngân hàng Thế giới dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2008 là 8,0%; còn Quỹ Tiền tệ quốc tế lại dự báo tốc độ này của Việt Nam trong năm nay chỉ là 7,3%. Như vậy, các tổ chức tài chính quốc tế đều dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2008 giảm so với mục tiêu mà Chính phủ đã đặt ra trước đây; nếu vẫn cố gắng thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế cao, với tốc độ lạm phát như hiện nay sẽ tác động không nhỏ đến đời sống của đại bộ phận người dân và tác động trở lại đến tốc độ tăng trưởng kinh tế. Kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô chính là thực hiện mục tiêu tăng trưởng bền vững. Việc Chính phủ đưa ra con số cụ thể (tăng trưởng 7,0%) thể hiện quyết tâm kiềm chế lạm phát, đồng thời vẫn cố gắng tăng trưởng kinh tế.

 

Thế còn mục tiêu tăng CPI mà Chính phủ đề nghị không cao hơn năm 2007 thì sao, thưa ông?

Đặt mục tiêu cụ thể như vậy chứng tỏ Chính phủ quyết tâm phấn đấu rất quyết liệt, tuy nhiên cũng cần thấy rằng, đây là nhiệm vụ hết sức khó khăn vì CPI 4 tháng đầu năm đã tăng 11,6%.

 

Ông có nghĩ rằng, CPI tăng mạnh là hệ quả của việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) không?

Tôi không cho rằng, CPI tăng cao là do chúng ta tham gia WTO, mặc dù ngay sau khi gia nhập WTO chỉ số CPI tăng mạnh. Trên thực tế, CPI tăng ngay sau khi gia nhập WTO chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên và nếu chúng ta chưa gia nhập WTO thì CPI vẫn tăng mạnh như vậy. Tôi cho rằng, CPI tăng mạnh là sự tích tụ, kìm nén của một số năm trước. Đơn cử như việc Chính phủ chậm thực hiện giá thị trường đối với giá bán lẻ xăng dầu trước đây phần nào làm giảm tốc độ tăng CPI, nhưng kể từ năm 2007, Chính phủ thực hiện giá thị trường đối với mặt hàng xăng và giảm bù lỗ đối với mặt hàng dầu đã khiến giá bán lẻ xăng, dầu tăng - là một trong những tác nhân đẩy tốc độ tăng CPI lên.

Chính phủ đã và đang thực hiện quyết liệt hàng loạt giải pháp để ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế tốc độ tăng CPI. Ông có tin rằng, những giải pháp mà Chính phủ đã và đang thực hiện sẽ đem lại hiệu quả?

Tôi nghĩ rằng những giải pháp mà Chính phủ đưa ra để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội là những giải pháp có tính khả thi cao. Nếu kiên quyết, tôi tin rằng, Chính phủ sẽ thực hiện được mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội như đã đề ra. Tuy nhiên, theo tôi, trong nhóm giải pháp về tiền tệ, Chính phủ cần nâng cao vai trò của Ngân hàng Nhà nước trong kiềm chế lạm phát và khai thông thị trường ngoại tệ liên ngân hàng, thực hiện nhất quán, đồng bộ chính sách thắt chặt tiền tệ, bảo đảm kiểm soát tổng phương tiện thanh toán tăng không quá 25% - 30%… Bên cạnh đó, Chính phủ cần thực hiện chính sách tỷ giá linh hoạt, đáp ứng nhu cầu chuyển đổi ngoại tệ của nhà đầu tư và doanh nghiệp xuất khẩu để đảm bảo ổn định sản xuất, xuất khẩu; từng bước điều chỉnh lãi suất ngân hàng phù hợp với khả năng kiềm chế lạm phát, kiểm soát chặt chẽ việc vay vốn đầu tư của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước, bảo đảm sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả; kiểm soát tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng không quá 30%.

 

Để thực hiện những mục tiêu trên không dễ dàng bởi nếu nhìn vào TTCK, khi đưa ra các giải pháp bình ổn thị trường, lấy lại niềm tin cho nhà đầu tư, các cơ quan quản lý nhà nước tin rằng thị trường sẽ sớm phục hồi, nhưng trên thực tế thì lại không như vậy?

Tôi vẫn phải nhắc lại rằng, TTCK Việt Nam vẫn còn rất non trẻ, các giải pháp cấp bách cả hành chính lẫn kinh tế đưa ra nhằm thực hiện mục tiêu bình ổn thị trường chưa có tác dụng ngay như đối với những TTCK khác mà có độ trễ nhất định. Đúng là TTCK năm 2007 và những tháng đầu năm 2008 đang bộc lộ những hạn chế trên nhiều mặt từ hệ thống văn bản pháp lý, nguồn nhân lực, tổ chức quản lý… đến tính công khai, minh bạch. Để giải quyết được vấn đề này cần nhiều giải pháp đồng bộ khác nữa ngoài những cơ chế mà cơ quan quản lý nhà nước đang thực hiện.

Mạnh Bôn thực hiện.
Mạnh Bôn thực hiện.

Tin cùng chuyên mục