Quản trị rủi ro nhìn từ bảo hiểm khoản vay

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Bảo hiểm khoản vay hay bảo hiểm tín dụng giúp người vay trả nợ ngân hàng nếu mất khả năng thanh toán, từ đó hạn chế rủi ro cho cả ngân hàng và người đi vay.
Chi phí bảo hiểm cao khách hàng sẽ được bồi thường cao Chi phí bảo hiểm cao khách hàng sẽ được bồi thường cao

Vẫn còn “lăn tăn” về bảo hiểm khoản vay

Chị Hoàng Hương ở quận Ba Đình, Hà Nội chia sẻ, gia đình chị có khoản vay 5 tỷ đồng tại BIDV. Lúc tư vấn, nhân viên tín dụng đã thông báo cụ thể về các mức chi phí gia đình phải chi trả, trong đó có khoản bảo hiểm cho khoản vay. Mặc dù cán bộ tín dụng đã giải thích về lý do cần phải mua bảo hiểm khoản vay, nhưng chị cho biết: “Vì để được vay vốn nên tôi đành phải mua, chứ nếu được lựa chọn sẽ không mua bởi không muốn phải chi thêm một khoản tiền bảo hiểm mấy chục triệu đồng, trong khi mình đang rất cần tiền mới phải vay ngân hàng”.

Câu chuyện trên được cán bộ tín dụng và nhân viên bảo hiểm cho biết: “Phần lớn khách hàng khi vay vốn ngân hàng đều phản ứng khi được đề cập đến việc mua bảo hiểm khoản vay. Nhiều người hiểu vấn đề sau khi được giải thích và vui vẻ thanh toán, nhưng cũng có người không muốn chi trả, tìm mọi cách để giảm chi phí này xuống mức thấp nhất dù biết rằng chẳng may khi có rủi ro xảy ra, nếu chi phí bảo hiểm cao khách hàng sẽ được bồi thường cao”.

Trong diễn biến có liên quan, tại họp báo Chính phủ chiều ngày 7/10/2024, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, cơn bão số 3 (Yagi) khiến 318 người chết, 26 người mất tích và 1.976 người bị thương, tổng thiệt hại về tài sản tính đến ngày 27/9/2024 ước tính lên đến 81.500 tỷ đồng. Còn Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) thông tin, trên cơ sở báo cáo của 31/31 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ và 19/19 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, đến ngày 7/10/2024, tổng số tiền ước tính thiệt hại và chi trả quyền lợi bảo hiểm vào khoảng 11.627 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Bá Hùng - chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho biết, cơn bão Ian đổ bộ vào Mỹ cuối tháng 9/2022 được đánh giá là 1 trong 10 cơn bão có sức tàn phá lớn nhất trong lịch sử nước này, gây thiệt hại ước tính lên đến 120 tỷ USD, trong đó bảo hiểm chi trả khoảng 40 tỷ USD. Giá trị bảo hiểm ở Mỹ vào khoảng 30% giá trị thiệt hại, nhưng tỷ lệ này ở Việt Nam chỉ là 15%.

“Một thực tế rõ ràng là khi thị trường bảo hiểm chưa phát triển đầy đủ thì phạm vi bảo hiểm hẹp lại và giá trị bảo hiểm cũng bé lại. Vấn đề xảy ra cũng cho thấy khoảng trống của thị trường bảo hiểm, khoảng trống trong việc sử dụng dịch vụ bảo hiểm. Giải quyết vấn đề này không thể thực hiện trong ngắn hạn, mà cần tầm nhìn dài hạn”, ông Hùng nói và đưa ra dẫn chứng, hiện nay, Chính phủ không mua bảo hiểm cho tài sản công. Đặt giả thiết nếu loại hình tài sản này được bảo hiểm thì phân khúc bảo hiểm tài sản sẽ phát triển mạnh, là động lực để tạo ra thị trường bảo hiểm tài sản.

“Khi thị trường phát triển không đầy đủ sẽ tạo ra những khoảng trống. Tuy nhiên, tình huống xảy ra buộc chúng ta phải lựa chọn là tận dụng để rút kinh nghiệm cho việc bắt đầu phải đẩy thị trường phát triển nhằm sẵn sàng cho tương lai”, ông Hùng nhấn mạnh.

Cập nhật, bổ sung “thường thức” về quản trị rủi ro

Văn hóa quản trị rủi ro tốt sẽ không chỉ hỗ trợ phát triển bền vững, mà còn giúp ngân hàng có thể phục vụ khách hàng một cách đáng tin cậy và tốt hơn.

Bà Lương Phương Mai, Giám đốc Quản lý rủi ro tín dụng doanh nghiệp, HSBC Việt Nam

Trong hoạt động tín dụng, cả ngân hàng cho vay lẫn người đi vay đều đối mặt với rủi ro. Theo Thomas P. Fitch (1997), rủi ro tín dụng là loại rủi ro xảy ra khi người vay không thanh toán được nợ theo thỏa thuận hợp đồng dẫn đến sai hẹn trong nghĩa vụ trả nợ. Cùng với rủi ro lãi suất, rủi ro tín dụng là một trong những rủi ro chủ yếu trong hoạt động cho vay của ngân hàng.

Ủy ban Giám sát Basel, Basel II (2004) cũng cho biết, rủi ro tín dụng là khả năng mà người đi vay hoặc đối tác của ngân hàng thất bại trong việc thực hiện theo các điều khoản trả nợ đã thỏa thuận.

Theo các chuyên gia trong ngành, nguyên nhân của rủi ro tín dụng bao gồm khả năng tài chính yếu kém của khách hàng, doanh nghiệp bị phá sản hoặc sự không minh bạch trong quá trình thẩm định tín dụng, hay liên quan đến các yếu tố khách quan tác động đến như suy thoái kinh tế, thiên tai, dịch bệnh…

“Hậu quả của rủi ro tín dụng là sự giảm sút chất lượng tài sản, tăng chi phí dự phòng rủi ro, giảm lợi nhuận của ngân hàng, thậm chí còn ảnh hưởng đến khả năng cho vay và danh tiếng của ngân hàng. Bởi vậy, ngân hàng luôn phải sẵn sàng các biện pháp quản trị rủi ro”, một vị chuyên gia tài chính - ngân hàng nói.

Bà Lương Phương Mai - Giám đốc Quản lý rủi ro tín dụng doanh nghiệp, HSBC Việt Nam cho biết, với sự đa dạng trong thực tiễn kinh doanh của khách hàng và các yếu tố rủi ro mới gia tăng trong những năm gần đây, cách tiếp cận và công cụ quản trị rủi ro luôn cần có sự đổi mới. Tại HSBC Việt Nam, quản trị rủi ro khối khách hàng doanh nghiệp một cách toàn diện bao gồm rủi ro tín dụng (tức là khả năng hoàn trả nợ vay của khách hàng) và rủi ro phi tín dụng (rủi ro tội phạm tài chính, rủi ro cấm vận, rủi ro danh tiếng…).

Về công cụ quản trị rủi ro, bà Mai cho hay, ngoài những mô hình xếp hạng tín dụng truyền thống, hệ thống của HSBC Việt Nam cũng được nâng cấp để nhận dạng những hành vi hoặc đối tượng có rủi ro cao. Nhận thức được sự hạn chế và dễ dàng lỗi thời của mọi chính sách nội bộ so với thực tế năng động của nền kinh tế, quá trình quản trị rủi ro của HSBC Việt Nam nhấn mạnh vào việc sử dụng “thường thức” (common sense), hơn là chỉ có quy trình cứng nhắc.

“Ngoài việc sử dụng hệ thống, cán bộ quan hệ khách hàng và cán bộ quản lý rủi ro của HSBC Việt Nam được trang bị kiến thức và năng lực để nhận xét về các hành vi cũng như hoạt động tài khoản có phù hợp với tính chất hoạt động của khách hàng, với hiểu biết của ngân hàng về khách hàng không”, bà Mai nói, đồng thời cho biết thêm, những “thường thức” này được cập nhật, bổ sung liên tục từ thực tiễn trong nước cũng như quốc tế, thông qua mạng lưới tập đoàn của HSBC. Nhân viên của HSBC được khuyến khích để lên tiếng khi quan sát thấy những điều không hợp lý. Hệ thống quản trị và kiểm soát rủi ro nội bộ giúp quản trị rủi ro một cách chủ động, cân nhắc tới chính sách của Ngân hàng cũng như môi trường pháp lý. Tất cả những yếu tố này được gọi chung là “văn hóa quản trị rủi ro” của HSBC. Mỗi thành viên trong ngân hàng đều có trách nhiệm xây dựng văn hóa này.

“Chúng tôi nghĩ rằng, văn hóa quản trị rủi ro tốt sẽ không chỉ hỗ trợ phát triển bền vững, mà còn giúp ngân hàng có thể phục vụ khách hàng một cách đáng tin cậy và tốt hơn”, bà Mai nhấn mạnh.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục