Quản trị rủi ro của các ngân hàng đã tốt hơn

(ĐTCK) Trao đổi với ĐTCK, ông Nguyễn Đình Tùng (ảnh), Phó tổng giám đốc NH Hàng hải (Maritime Bank) cho rằng, năm 2008 được xem là giai đoạn cực kỳ khó khăn của ngành ngân hàng nên hiện các NH đã có độ trưởng thành nhất định. Nền tảng quản trị rủi ro của các NH trong năm 2009 đã tốt hơn rất nhiều so với trước đây.
Quản trị rủi ro của các ngân hàng đã tốt hơn

Lãi suất huy động vốn chưa ngừng tăng, trong khi lãi suất cơ bản vẫn ổn định và NH rất khó để tăng lãi suất đầu ra. Tại sao có hiện tượng này, thưa ông?

Các NH tăng lãi suất tiền gửi trong thời gian qua cũng như hiện nay ngoài mục đích huy động vốn để đáp ứng tốt nhu cầu vốn của khách hàng còn hàm chứa yếu tố cạnh tranh. Bởi lẽ, thị trường ngày càng có nhiều NH tham gia, trong khi thị phần không phát triển tương ứng so với tham vọng tăng trưởng của các NH. Trong 6 tháng đầu năm, huy động vốn của toàn ngành chỉ tăng trưởng trên 15%, trong khi mục tiêu đưa ra của nhiều NH là vài chục phần trăm. Thực tế, không ít NH đưa ra chỉ tiêu tăng trưởng gấp đôi, gấp ba chỉ trong thời gian vài năm. Do đó, giải pháp lựa chọn hiện nay là tăng giá vốn huy động để thu hút tiền nhàn rỗi.

 

Có nghĩa là rất rủi ro đối với hoạt động của ngành và cạnh tranh sẽ ngày càng gay gắt?

Một khi chênh lệch lãi suất huy động và cho vay thu hẹp dần thì rủi ro trong hoạt động tín dụng sẽ gia tăng. Thứ nhất,  với những NH đã tăng cao lãi suất đầu vào sẽ rất khó cho vay ra với lãi suất thấp nên buộc phải đi vào các phân khúc thị trường khác có rủi ro cao hơn (tức khách hàng kém hơn), nhưng có thể giải quyết được bài toán tăng trưởng dư nợ để bù đắp chi phí. Thứ hai, NH phải đẩy dư nợ tăng lên để bù đắp chi phí, một khi dư nợ tăng thì NH phải chấp nhận rủi ro ở mức cao.

Mặt khác, dư nợ tăng cao, nhưng chênh lệch lãi suất thu hẹp sẽ dẫn đến khả năng tích lũy của NH thấp và NH sẽ gặp khó khăn trong việc đáp ứng yêu cầu trích lập dự phòng nếu rủi ro tín dụng xảy ra.

 

Theo ông, việc quản lý rủi ro của hệ thống NH trong nước hiện thay đổi như thế nào sau khi trải qua giai đoạn khó khăn của năm trước?

Nền tảng quản trị rủi ro của các NH trong năm 2009 đã tốt hơn rất nhiều so với trước đây. Song, có những rủi ro mới phát sinh, với tính chất mới và kiểu cách khác hơn. Tuy nhiên, khả năng quản trị rủi ro của NH trong nước đã thay đổi theo hướng tích cực. Xét về diễn biến thị trường thì trong 6 tháng đầu năm nay, Việt Nam không xuất hiện nhiều yếu tố mới có mức rủi ro cao hơn. Thực ra, nhiều NH đã thận trọng hơn so với trước đây.

 

Tín dụng tăng trưởng mạnh trong 6 tháng đầu năm đã tạo ra mối lo ngại về nguy cơ lạm phát và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có động thái kiểm soát chặt hoạt động cho vay của các NH. Theo ông, liệu nguy cơ trên có xảy ra?

Chính phủ đã có cảnh báo sớm ngay từ lúc này thì nguy cơ lạm phát nhiều khả năng sẽ được kiểm soát. Chỉ có một vấn đề ảnh hưởng rõ rệt là với Việt Nam , tỷ lệ nhập khẩu luôn cao, trong đó tỷ lệ nhập khẩu hàng tiêu dùng khá lớn. Điều này dẫn đến ảnh hưởng kép là khi giá nguyên liệu đầu vào cao thì giá hàng hóa bán ra trên thị trường nội địa sẽ tăng. Chẳng hạn như sắt thép, tỷ lệ nhập khẩu của Việt Nam rất lớn, do đó khi giá sắt thép thế giới tăng chắc chắn giá trong nước khó giữ nguyên. Mặt khác, khi giá hàng hóa tăng sẽ kéo theo nhập siêu tăng cao. Lúc đó, tỷ giá ngoại tệ sẽ bị ảnh hưởng, dẫn đến VND bị ảnh hưởng theo. Điều này sẽ gây ra nguy cơ lạm phát. Theo tôi, nguy cơ lạm phát là có, vì nhiều loại hàng hóa giảm giá mạnh và được giao dịch rất ít trong đợt suy thoái vừa qua, đến nay tăng lại nên thu hút nhiều người quan tâm. Song, khác với trước, hiện Chính phủ đã có kinh nghiệm hơn trong việc kiểm soát.

Vân Linh thực hiện
Vân Linh thực hiện

Tin cùng chuyên mục