Quản trị rủi ro bằng hợp đồng tương lai

(ĐTCK) Hơn 20 doanh nghiệp đã tham dự và thảo luận sôi nổi tại buổi hội thảo Phòng vệ rủi ro biến động giá hàng hóa do Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank) tổ chức cuối tuần qua.
Quản trị rủi ro bằng hợp đồng tương lai

Chuyên gia Ker Chung Yang đến từ hãng Phillip Capital cho biết, hợp đồng tương lai là công cụ phòng ngừa rủi ro hiệu quả, được doanh nghiệp các nước sử dụng nhiều khi tình hình kinh tế có nhiều biến động. Với doanh nghiệp Việt Nam , đây là kênh giao dịch mới mẻ, vì thế rất cần chú ý kỷ luật giao dịch.

Ông Yang cho rằng, những đối tượng cần quản lý rủi ro biến động giá hiện rất đa dạng từ các nhà sản xuất (nông dân, các công ty chăn nuôi, các công ty dây cáp điện) muốn phòng ngừa rủi ro giá nguyên liệu tăng và giá của hàng tồn kho giảm; đến các thương lái, công ty thương mại muốn phòng ngừa rủi ro chênh lệch giá theo hướng bất lợi trong thời gian nhập hàng vào và tìm đầu ra.

Quản trị rủi ro bằng hợp đồng tương lai ảnh 1

Khi thực hiện hợp đồng giao dịch tương lai, mục tiêu không phải là đầu cơ, kiếm lợi.

Đơn cử, Công ty X., một nhà chế biến đậu tương địa phương muốn bảo vệ lợi nhuận thu được từ việc xay xát, sản xuất thức ăn chăn nuôi. Giá đậu tương đang ở mức 300 USD/tấn, thấp hơn 50 USD/tấn so với mức giá nguyên liệu họ có thể chịu đựng tối đa. Vậy Công ty sẽ mua đậu tương hay bán đậu tương, câu trả lời là họ sẽ mua đậu tương bởi các nhà chăn nuôi, nhập khẩu và những nhà thu mua đều cần phòng ngừa rủi ro giá lên, do đó, sẽ mua vào hợp đồng tương lai.

Với các doanh nghiệp dệt may Việt Nam chẳng hạn, các nhà xuất khẩu cần cố định giá khi đã ký hợp đồng xuất nhưng chưa kịp thu mua nguyên liệu đầu vào. Họ tận dụng việc có thể nhập được nguyên liệu giá thấp mà chưa cần thu mua ngay bằng hợp đồng tương lai (do đơn hàng ký sẵn cho quý III, quý IV trong năm)...

Chuyên gia này cho rằng, trong năm 2012, doanh nghiệp và nhà đầu tư tham gia thị trường hàng hóa cần chú ý các thông tin quan trọng như nợ công châu Âu, chính trị căng thẳng tại Iran, liệu Mỹ có hỗ trợ kinh tế thứ 3 hay không? Tăng trưởng nóng của Trung Quốc liệu có giảm nhiệt?... “Vào các năm 2009 có khủng hoảng giá đường, 2010 có khủng hoảng lúa mì, những doanh nghiệp sử dụng hợp đồng tương lai đã hạn chế được rủi ro rất lớn từ biến động giá không thuận lợi”, ông Yang cho biết.

Ông Đào Duy Long, Phó giám đốc Khối Nguồn vốn và kinh doanh tiền tệ PGBank chia sẻ, quản lý rủi ro biến động giá rất cần thiết khi doanh nghiệp muốn phòng ngừa rủi ro biến động giá cho hoạt động sản xuất - kinh doanh. Có một điểm doanh nghiệp nên chú ý khi thực hiện các hợp đồng giao dịch tương lai, mục tiêu chính doanh nghiệp đặt ra là ổn định giá nguyên nhiên liệu, ổn định giá đầu ra cho sản phẩm chứ không phải là đầu cơ, kiếm lợi trên sàn hàng hóa. Vì thế, cần gắn giao dịch hàng hóa như một mắt xích trong chu trình sản xuất sản phẩm, chứ không phải một nghiệp vụ độc lập. Nếu bóc tách các khoản mục riêng rẽ, khi giao dịch hàng hóa phát sinh lỗ, doanh nghiệp rất e ngại sử dụng, trong khi nếu không có hợp đồng tương lai đó, doanh nghiệp có thể lỗ kép trên thị trường. Với ngân hàng, khi kết nối cho doanh nghiệp giao dịch hàng hóa, ngân hàng không trông chờ thu lợi từ mức phí 0,025% mà chủ yếu muốn hỗ trợ doanh nghiệp quản lý rủi ro tốt, từ đó, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp. “Khách hàng hoạt động ổn định, có lợi nhuận, ngân hàng mới có nền tảng phát triển vững”, ông Long nói.

Với doanh nghiệp tham gia giao dịch hàng hóa, ông Đinh Thế Quyết, Giám đốc Công ty An Phú Linh, cho rằng, quan trọng nhất là thông tin. “Ở thời đại hiện nay, đọc nhiều quá cũng sẽ loạn tin, vì thế, Công ty tôi tham khảo bản tin, ý kiến của các tổ chức phân tích như của PGBank, các hãng tin chuyên sâu rồi sàng lọc và sử dụng”, ông Quyết chia sẻ.

An Phú Linh chủ yếu giao dịch đậu tương, vì thế, yếu tố thời tiết tại những vùng sản xuất chính loại nông sản này được “canh” rất kỹ. Kênh giao dịch hàng hóa rất mới mẻ, đồng thời yêu cầu khả năng phân tích thông tin tốt nên doanh nghiệp cũng chỉ dám dành một tỷ trọng tài chính rất nhỏ để đầu tư cho mục tiêu mạo hiểm kiếm lời, còn chủ yếu vẫn phục vụ quản lý rủi ro cho hàng hóa thực.

Ông Nguyễn Thế Hiền, Giám đốc CTCP Thương mại Trường Lộc Phát, cho hay, Công ty ông hoạt động thương mại, trong đó có nhập khẩu đồng. Từ nhu cầu hàng hóa thực, Công ty tham gia giao dịch hợp đồng tương lai vừa hạn chế rủi ro biến động giá vừa nghiên cứu thêm cơ hội kiếm lời. Song kinh nghiệm của doanh nghiệp so với các nhà đầu tư khác còn hạn chế, nên Công ty mới tham gia giao dịch ở mức độ nhất định.

Theo thống kê sơ bộ, hiện tại, Việt Nam có hơn 100 doanh nghiệp tham gia giao dịch hàng hóa trên các sàn quốc tế. Mức độ rủi ro lớn, giao dịch liên quan đến quản lý ngoại hối nên cơ quan quản lý mới cấp phép cho một số ngân hàng kinh doanh nghiệp vụ này và cũng chỉ hạn chế cung cấp dịch vụ cho các doanh nghiệp tham gia. Về lâu dài đây sẽ kênh phát triển song trước mắt doanh nghiệp được khuyến nghị coi đây là công cụ hiệu quả để quản trị rủi ro biến động giá đầu vào trong thời kỳ có quá nhiều biến động trên thương trường.

Thủy Nguyễn
Thủy Nguyễn

Tin cùng chuyên mục