Đột phá trong tư duy
Quản trị nhà nước, theo định nghĩa của Ngân hàng Thế giới (WB), là cách thức chính quyền nắm quyền lực và thực thi thẩm quyền để tạo ra các chính sách công, cũng như cung cấp các dịch vụ và sản phẩm công. Gần đây, các nhà kinh tế học, nhiều tổ chức quốc tế như WB hay Chương trình Phát triển Liên hợp quốc đều chia sẻ quan điểm: hệ thống quản trị nhà nước là một trong những yếu tố chính để dẫn đến sự thành công hay thất bại của một quốc gia.
Trong cuốn sách “Vì sao các quốc gia thất bại?” của hai nhà kinh tế học hàng đầu Daron Acemoglu (Viện Công nghệ Massachusetts) và James Robinson (Đại học Harvard), các tác giả đã chứng minh rằng, một hệ thống quản trị dung hợp hoạt động trên nền tảng thượng tôn pháp luật, bảo đảm an toàn cho tài sản của người dân, tạo ra một sân chơi công bằng cho các hoạt động của thị trường tự do. Nó cũng tạo điều kiện cho đa số người dân tiếp cận với giáo dục và dịch vụ y tế có chất lượng.
Hơn nữa, nó cho phép công dân tham gia rộng rãi các quy trình chính trị, ràng buộc và kiểm soát quyền lực nhà nước thông qua các cơ chế giải trình. Nhà nước đủ mạnh để thực thi luật pháp và thiết lập trật tự, nhưng không quá tập trung để có thể trở thành chuyên chế.
Còn giới chuyên gia trong nước thì gọi một cách nôm na hơn, quản trị nhà nước chính là thể chế và theo nhận xét của họ trong vòng vài năm trở lại đây, đã có nhiều thay đổi quan trọng về thể chế. Điểm nổi bật nhất trong giai đoạn tới đây chính là việc đề cao tinh thần kinh doanh, coi trọng vai trò của doanh nghiệp, đúng như tinh thần của cuộc gặp giữa Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp ngày 29/4: Doanh nghiệp Việt Nam - Động lực phát triển kinh tế của đất nước.
Thay đổi tư duy từ “chọn cho” sang “chọn bỏ” trong Luật Đầu tư nhằm thực hiện quyền tự do kinh doanh của công dân theo Hiến pháp 2013, công dân được làm những gì mà luật không cấm chính là điểm đột phá trong tư duy quản lý nền kinh tế thị trường và kỳ vọng tạo ra động lực phát triển mới.
Thế hệ các văn bản luật mới đã có hiệu lực, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp được làm những gì mà luật không ghi rõ là cấm. Trong Luật Đầu tư 2014, chỉ có 6 loại ngành nghề cấm hoạt động đầu tư kinh doanh và danh mục những ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện cũng đã được đăng tải trên Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia (dangkykinhdoanh.gov.vn). Điều này đang từng bước tạo sự công khai, minh bạch, tránh tình trạng các cơ quan quản lý hành chính nhà nước “đẻ” ra các loại giấy phép con như đã từng xảy ra.
Luật Đầu tư 2014 và Luật Doanh nghiệp 2014 (cùng có hiệu lực từ 1/7/2015) được nhận định sẽ tạo ra môi trường thuận lợi nhất cho những doanh nghiệp kinh doanh chấp hành tốt pháp luật, định hướng cho doanh nghiệp hoạt động tự giác tuân thủ pháp luật và hạn chế đất sống của doanh nghiệp làm ăn sai trái và sự nhũng nhiễu của một bộ phận công chức thừa hành công vụ. Đây chính cơ sở pháp lý để tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng.
Thay đổi tư duy từ “chọn cho” sang “chọn bỏ” trong Luật Đầu tư nhằm thực hiện quyền tự do kinh doanh của công dân theo Hiến pháp 2013, công dân được làm những gì mà luật không cấm chính là điểm đột phá trong tư duy quản lý nền kinh tế thị trường và kỳ vọng tạo ra động lực phát triển mới.
Bên cạnh hai bộ luật quan trọng trên, còn có nhiều bộ luật liên quan đến thể chế kinh tế đã được Quốc hội Khóa XIII thông qua, thể hiện sự đổi mới mạnh mẽ, là cơ sở pháp lý để tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng. Điều quan trọng, theo các doanh nhân tham dự cuộc đối thoại với Thủ tướng Chính phủ ngày 29/4, chính là việc áp dụng luật vào cuộc sống.
Tư duy quản trị nhà nước đã thay đổi, song kết quả đến đâu còn tùy thuộc ở bộ máy vận hành từ Trung ương đến địa phương, tức là còn tùy thuộc vào cơ cấu tổ chức nền hành chính và đội ngũ công chức thực thi công vụ. Về điểm này, ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch Tập đoàn T&T kỳ vọng, với sự quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ và nội các mới, tới đây sẽ có nhiều chuyển biến.
Quan trọng là minh bạch
TS. Nguyễn Sĩ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, có 4 phần cấu thành của một nền quản trị quốc gia tốt, trước hết đó là pháp trị, thứ hai là vận hành mọi công việc của nhà nước phải minh bạch, thứ ba là phải bảo đảm chế độ trách nhiệm, thứ tư là sự tham gia của người dân. Chính sách không thể ban ơn từ bên trên xuống, chính sách phải có sự tham gia của người dân để hình thành, thấu hiểu nguyện vọng, khó khăn của người dân và đáp ứng được nguyện vọng của họ.
Với các doanh nghiệp, một thể chế kinh tế tiến bộ đồng nghĩa với sự minh bạch của các cấp chính quyền, bởi tạo được sự minh bạch thì sẽ có chính quyền mạnh và tự khắc không còn tiêu cực.
“Sự minh bạch thể hiện thông qua việc thực thi các bộ luật một cách công tâm”, ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC) nói.
Về quản trị và hành chính công, ông Vũ Hoài Bắc, Chủ tịch Công ty Tư vấn GHC nhận xét, tại Việt Nam, những năm gần đây, chất lượng quản trị và hành chính công từng bước được cải thiện, nhưng chậm. Việt Nam đã có bộ đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).
Theo đó, những tỉnh có chỉ số PCI cao có chi phí gia nhập thị trường thấp, tiếp cận đất đai dễ dàng và sử dụng đất ổn định, môi trường kinh doanh minh bạch và thông tin liên quan đến kinh doanh được công khai, chi phí không chính thức thấp, lãnh đạo tỉnh năng động, sáng tạo…
Những thành quả cải cách thể chế, hành chính quản trị nhà nước ở cấp địa phương cần được đánh giá khách quan, được sàng lọc và khuyến khích thí điểm, nhân rộng…, để khai thông cho những tham chiếu quyết sách tầm quốc gia.
Vị chuyên gia này cho rằng, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam đang diễn ra với tốc độ nhanh hơn bao giờ hết, với 16 hiệp định thương mại tự do đã và đang đàm phán, ký kết. Việt Nam thực sự trở thành một thành viên tích cực, năng động trong nền kinh tế toàn cầu. Ở giai đoạn này, rất cần khuyến khích nhân tố đổi mới, tinh thần mạnh dạn đổi mới và đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng kỹ trị trong quản trị nhà nước, thông qua việc đề cao tính minh bạch.
Sự thành công của Singapore, nơi có môi trường kinh doanh tốt nhất trên thế giới, hiện nay là một ví dụ. Sự thành công của Singapore là do họ đã thể hiện năng lực kỹ trị chuyên nghiệp và hiện đại vào toàn bộ công tác quản trị nhà nước. Họ mạnh dạn áp dụng những thông lệ quản trị hiện đại trên thế giới, dựa trên một quan điểm xuyên suốt từ thời cố Thủ tướng Lý Quang Diệu, người đã kiến tạo nên đất nước Singapore hiện đại: “Không có cách nào để vận hành một đất nước tốt hơn là dùng người giỏi nhất cho công việc khó khăn nhất”.