Quản trị ngân hàng, các vấn đề cần khắc phục

(ĐTCK) Trong quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại trong thời gian gần đây, rất nhiều yếu kém của các tổ chức tín dụng (TCTD) đã bộc lộ.

> Toàn cảnh ngân hàng Việt Nam 2012

Những yếu kém này đã gây ra một số vấn đề cho hệ thống như tỷ lệ nợ xấu cao hơn so với số liệu báo cáo trước đây, một số giao dịch thực hiện không phù hợp và tuân thủ theo các quy định của Luật Các tổ chức tín dụng.

Tìm hiểu nguyên nhân gây ra các vấn đề này, chúng tôi nhận thấy, bên cạnh yếu tố khách quan như khủng hoảng của nền kinh tế và tỷ lệ lãi suất cao dẫn đến khó khăn chung cho các khách hàng vay của TCTD, còn có một số nguyên nhân chủ quan liên quan đến những yếu kém của cơ chế quản trị doanh nghiệp của TCTD đã không có tác dụng ngăn chặn người đại diện có thẩm quyền của TCTD tham gia các giao dịch có rủi ro cao hoặc các giao dịch không phù hợp với quy định của pháp luật, làm các cổ đông bị tổn thất và thiệt hại, đồng thời làm cho TCTD không có khả năng tự vệ và chống đỡ khi thị trường có những yếu tố bất lợi xảy ra.

Các ủy ban chiến lược và ủy ban quản lý rủi ro là rất quan trọng với các TCTD

Một số vấn đề này cụ thể như sau:

Thứ nhất, một số giao dịch rủi ro hoặc không phù hợp với quy định của pháp luật được HĐQT của ngân hàng thông qua và triển khai, nhưng TCTD không có các cơ chế kiểm soát hiệu quả để ngăn chặn các giao dịch trên xảy ra. Theo thông lệ chung, Ban kiểm soát của ngân hàng là bộ phận độc lập có chức năng kiểm tra, kiểm soát để ngăn chặn và phát hiện các sai sót của HĐQT và Ban điều hành của TCTD. Nhưng trong thực tế, các biện pháp kiểm tra, kiểm soát của Ban kiểm soát chủ yếu tập trung vào Ban điều hành hơn là vào các quyết định của HĐQT và các ủy ban thuộc HĐQT. Vì thế, có rất nhiều sai sót xảy ra tại TCTD đến từ chính các quyết định sai lầm của HĐQT và các ủy ban thuộc HĐQT.

Thứ hai, kiểm toán nội bộ là một bộ phận và công cụ quan trọng của Ban kiểm soát, tuy nhiên, chức danh Trưởng kiểm toán nội bộ do HĐQT, Hội đồng thành viên của TCTD bổ nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị của Trưởng ban Kiểm soát. Cơ chế bổ nhiệm và bãi nhiệm này rất bất cập trong cơ chế quản trị doanh nghiệp của TCTD. Chức năng của kiểm toán nội bộ bao gồm luôn cả việc kiểm tra, kiểm soát và kiểm toán các chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của HĐQT, vì thế, việc bổ nhiệm và miễn nhiệm chức danh Trưởng kiểm toán nội bộ lại do HĐQT, Hội đồng thành viên quyết định đã ảnh hưởng nhiều đến tính độc lập, tính tự chủ và tự quyết của Trưởng kiểm toán nội bộ trong quá trình thực thi nhiệm vụ của mình.

Thứ ba, một số TCTD thiếu các ủy ban quan trọng như các ủy ban chiến lược và ủy ban quản lý rủi ro trong cơ cấu quản trị doanh nghiệp. Việc thiếu các ủy ban này làm cho cơ chế quản trị doanh nghiệp của TCTD bị mất cân đối nghiêm trọng. Ban lãnh đạo cấp cao của TCTD tập trung nhiều vào việc duy trì và thực hiện các hoạt động kinh doanh hàng ngày, trong đó có phục vụ cho một số giao dịch với các công ty có liên quan của một số thành viên quan trọng của HĐQT, mà không dành đủ thời gian cho việc hoạch định chiến lược cho sự phát triền bền vững và lâu dài của TCTD. Điều này làm cho TCTD bị mất định hướng và khả năng thích nghi với tình hình mới, khi thị trường có những thay đổi bất lợi. Một số TCTD có thành lập các ủy ban chiến lược và quản lý rủi ro, nhưng các ủy ban này không hoạt động hiệu quả cũng xảy ra các vấn đề tương tự như trên.

Thứ tư, hoạt động tái thẩm định của các ủy ban thuộc HĐQT không hiệu quả do thiếu các cơ chế và công cụ hỗ trợ. Thông thường, đối với các hoạt động cho vay, đầu tư hoặc các giao dịch có quy mô lớn, vượt quá hạn mức phê duyệt của Ban điều hành, sẽ chuyển lên cho các ủy ban thuộc HĐQT xem xét và phê duyệt. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các ủy ban này rất thiếu thông tin về nội dung hoặc vấn đề cần phê duyệt, do thiếu bộ phận giúp việc hiệu quả thực hiện kiểm tra độc lập để giúp các ủy ban có thêm thông tin và đánh giá khách quan, độc lập về vấn đề trước khi quyết định, vì thế, hầu hết các ủy ban này căn cứ trên giải trình của Ban điều hành để quyết định. Cơ chế làm việc như vậy làm giảm đi rất nhiều sự minh bạch và khách quan trong việc sử dụng “nguyên tắc bốn mắt” trong điều hành, vì các ủy ban nhìn nhận và đánh giá sự việc dựa chủ yếu vào các thông tin, đánh giá và giải trình của Ban điều hành, mà thiếu đi các góc nhìn khác, độc lập và khách quan hơn.

Thứ năm, thiếu các thành viên độc lập trong các ủy ban thuộc HĐQT. Một số TCTD hiện nay đã mời các cá nhân có uy tín, có kinh nghiệm tham gia các chức danh thành viên độc lập trong các ủy ban thuộc HĐQT, tuy nhiên, đa số TCTD còn lại vẫn chưa thực hiện nội dung này. Vì thế, các cơ cấu quản trị của các TCTD nói trên mang tính khép kín cao và điều này dễ làm nảy sinh các quyết định có lợi ích cục bộ cho các thành viên chủ chốt của HĐQT hơn là các lợi ích vì quyền lợi chung của cổ đông.

Trên đây là khái quát một số vấn đề tồn tại trong cơ chế quản trị của một số TCTD hiện nay. Việc TCTD triển khai các biện pháp phù hợp để khắc phục các vấn đề trên sẽ từng bước giúp cơ chế quản trị của TCTD hoạt động an toàn và hiệu quả hơn, góp phần giúp TCTD phát triển an toàn và bền vững.

Ông Võ Tấn Hoàng Văn là Phó tổng giám đốc phụ trách Dịch vụ ngân hàng và tài chính của Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam . Ông có trên 17 năm kinh nghiệm tham gia nhiều cuộc kiểm toán theo luật định cũng như rà soát đặc biệt về quản lý rủi ro, thẩm định hoạt động, quản lý tín dụng, định giá doanh nghiệp, kiểm toán và phân tích chẩn đoán hoạt động. Ông phụ trách phát triển phương pháp luận cho việc đánh giá danh mục tín dụng của các ngân hàng thương mại Việt Nam , Lào và Campuchia. Ông đã phụ trách kiểm toán và tư vấn dịch vụ tài chính cho nhiều ngân hàng thương mại lớn ở 3 thị trường này, đồng thời giam gia các dự án tư vấn hỗ trợ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xây dựng, phát triển chính sách, nâng cao hiệu quả quản lý và áp dụng các thông lệ quốc tế.

Võ Tấn Hoàng Văn
Võ Tấn Hoàng Văn

Tin cùng chuyên mục