Quản trị công ty và quản trị biến đổi khí hậu: Góc nhìn từ minh bạch và hiệu quả

(ĐTCK) Những yêu cầu đối với các Hội đồng Quản trị (HĐQT) vẫn tiếp tục tăng cao khi sự bất ổn địa chính trị, kỳ vọng thay đổi từ các bên liên quan và tốc độ tiến bộ công nghệ ngày càng nhanh. Trong đó, xây dựng năng lực vững chắc về phát triển bền vững cho hội đồng quản trị và ban điều hành là yếu tố then chốt.

Vai trò trung tâm của HĐQT

Để đáp ứng mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán, đảm bảo “chất lượng hàng hóa” hấp dẫn các nhà đầu tư mới cũng như đảm bảo sự phát triển bền vững của thị trường, tính minh bạch trong công bố thông tin của các doanh nghiệp không chỉ là những con số tài chính được kiểm toán, đó là chiến lược phát triển mà ở đó quản trị minh bạch và hiệu quả gắn với trách nhiệm của doanh nghiệp trong thực thi ESG và biến đổi khí hậu. Đây là yêu cầu và xu thế tất yếu, được luật hóa ở cả Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp và các luật chuyên ngành có liên quan.

Chia sẻ tại hội thảo "Quản trị công ty và quản trị biến đổi khí hậu: Góc nhìn từ minh bạch và hiệu quả" do Viện Thành viên Hội đồng Quản trị Việt Nam (VIOD) và Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) hợp tác tổ chức, ông Simon C.Y. WWon, Cố vấn độc lập, Trưởng khoa Tài chính Bền vững, Viện Lãnh đạo Phát triển Bền vững Cambridge (CISL) cho rằng, hội đồng quản trị đóng vai trò trung tâm trong hệ thống quản trị công ty và phải định hướng cho công ty thực hiện các hành động liên quan đến khí hậu.

“Tương tự các khu vực khác trên thế giới, tại Đông Nam Á, áp lực yêu cầu hội đồng quản trị của các doanh nghiệp dẫn dắt quá trình chuyển đổi khí hậu đang gia tăng”, ông Simon C.Y. Wong chia sẻ.

Ông Simon C.Y. WWon, Cố vấn độc lập, Trưởng khoa Tài chính Bền vững, Viện Lãnh đạo Phát triển Bền vững Cambridge (CISL)

Lấy dẫn chứng tại Thái Lan, ông Simon C.Y. Wong cho biết, Ngân hàng trung ương Thái Lan yêu cầu các hội đồng quản trị của các tổ chức tài chính “xác định định hướng chiến lược, khẩu vị rủi ro, chính sách chính và khuôn khổ tổng thể để giải quyết các thay đổi môi trường ngắn hạn và dài hạn”.

Trong khi đó, Malaysia ban hành Bộ Quy tắc quản trị công ty quy định rằng, “hội đồng quản trị cùng ban điều hành chịu trách nhiệm về quản trị tính bền vững trong công ty” và yêu cầu hội đồng quản trị “cập nhật và hiểu rõ các vấn đề bền vững có liên quan đến công ty và hoạt động kinh doanh của mình, bao gồm các rủi ro và cơ hội liên quan đến khí hậu”.

“Xây dựng năng lực vững chắc về phát triển bền vững cho hội đồng quản trị và ban điều hành là yếu tố then chốt”, ông Simon C.Y. Wong khẳng định.

Phân tích dưới góc độ sâu hơn về hoạch định chiến lược tài chính của doanh nghiệp, bà Phạm Minh Hương - Giám đốc Dịch vụ Phát triển Bền vững, Deloitte Việt Nam nhấn mạnh, quản trị công ty hay quản trị biến đổi khí hậu không chỉ dừng lại ở các khoản đầu tư hay quy trình hiện tại, mà còn đòi hỏi doanh nghiệp xây dựng một hệ thống đủ khả năng phục hồi và phát triển bền vững trong dài hạn. Khi đó, các yếu tố như rủi ro và cơ hội sẽ được đánh giá cụ thể hơn trong hoạch định chiến lược tài chính.

Bà Hương cho rằng, các quy định mới về trách nhiệm tái chế bao bì và giảm thiểu rác thải theo hướng kinh tế tuần hoàn cũng tạo ra áp lực chi phí cho doanh nghiệp. Ví dụ, doanh nghiệp buộc phải đóng thêm phí bảo vệ môi trường hoặc chi trả cho việc xử lý rác thải. Trong bối cảnh thiên tai như lũ lụt, tài sản của doanh nghiệp có thể mất giá trị, đồng thời những tài sản có mức phát thải cao cũng sẽ dần bị giảm giá trị theo các quy định giảm phát thải mới.

Từ góc độ kiểm toán, điều này đặt ra yêu cầu đánh giá lại các khoản chi phí, dự phòng, trích lập liên quan và khả năng tổn thất giá trị tài sản. Kiểm toán viên cũng cần hỗ trợ doanh nghiệp và hội đồng quản trị trong việc đánh giá tính đầy đủ, hợp lý của thông tin liên quan đến biến đổi khí hậu, được công bố trong báo cáo phát triển bền vững hoặc thuyết minh báo cáo tài chính.

Cũng theo đại diện của Deloitte, một yêu cầu quan trọng trong công bố thông tin phát triển bền vững là đảm bảo sự cân bằng – không chỉ thể hiện những thành tựu đạt được mà còn phải minh bạch về các hạn chế, rủi ro và tác động tiêu cực chưa khắc phục được. Báo cáo phát triển bền vững không chỉ phục vụ nhà đầu tư, mà còn là công cụ nội bộ giúp doanh nghiệp định hình chiến lược tương lai.

Hiện nay, các chuẩn mực mới như IFRS S1 và S2 yêu cầu doanh nghiệp công bố thông tin về rủi ro và cơ hội từ biến đổi khí hậu trong báo cáo tài chính. Những thông tin phi tài chính có thể ảnh hưởng đến giá trị doanh nghiệp và quyết định đầu tư cũng sẽ cần được trình bày minh bạch.

IFRS đã tích hợp nhiều khung hướng dẫn công bố trước đây như TCFD, SASB… Trong đó, bốn trọng tâm được nhấn mạnh là: quản trị, chiến lược, quản lý rủi ro và các chỉ tiêu đo lường. Điều này cho thấy, để có thể thích ứng với biến đổi khí hậu, doanh nghiệp cần nhận diện đầy đủ các rủi ro và cơ hội, từ đó hoạch định chiến lược phù hợp. Đặc biệt, vai trò điều hướng và giám sát của hội đồng quản trị là yếu tố then chốt trong quản trị rủi ro khí hậu

Kiểm toán độc lập và quản trị công ty: 2 thước đo xây dựng niềm tin

Theo giới chuyên gia, niềm tin của nhà đầu tư và các đối tác đối với doanh nghiệp và thị trường đến từ hệ thống thông tin được công bố minh bạch, đầy đủ và kịp thời, bao gồm hai hệ thống then chốt: Hệ thống thông tin tài chính thông qua báo cáo tài chính đã được kiểm toán, và hệ thống thông tin về các nguyên tắc, quy trình Quản trị Công ty (QTCT) được công bố theo quy định của Luật Chứng khoán và các thông lệ QTCT tốt nhất.

Khi các thông tin - cả tài chính và phi tài chính - được công bố một cách trung thực, kịp thời và có hàm lượng thực tiễn cao, đó chính là nền tảng để củng cố và gia tăng niềm tin của thị trường.

Nhận thức rõ vai trò trọng yếu này, trong khuôn khổ hội thảo, VIOD và VACPA đã ký kết Biên bản hợp tác (MoU) giai đoạn 2025 - 2030, đánh dấu sự hợp tác lần đầu tiên giữa hai tổ chức nghề nghiệp chuyên nghiệp, hướng tới mục tiêu cùng tạo tác động mạnh mẽ hơn tới thị trường chứng khoán nói riêng và thị trường tài chính Việt Nam nói chung.

VIOD và VACPA ký kết Biên bản hợp tác (MoU) giai đoạn 2025-2030

Bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch VIOD chia sẻ: "Trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam đang hướng tới mục tiêu được nâng hạng và bước vào giai đoạn phát triển mới, một trong những giá trị cốt lõi cần được củng cố và gia tăng mạnh mẽ chính là niềm tin của thị trường. Chúng tôi nhận thấy rằng, kiểm toán độc lập và QTCT là hai thước đo đặc biệt hữu ích để xây dựng và duy trì niềm tin này. Việc hợp tác giữa VIOD và VACPA vì thế không chỉ mang tính chuyên môn, mà còn là một cam kết cùng đồng hành để góp phần nâng cao chuẩn mực, thúc đẩy tính minh bạch và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững".

Cùng chung nhận định này, bà Vũ Thị Mai, Chủ tịch VACPA cũng bày tỏ: "Việc hợp tác giữa VACPA và VIOD nhằm nâng cao kiến thức, phát triển chuyên môn về QTCT và quản trị phát triển bền vững là hết sức cần thiết. Trong thời gian tới, hai bên sẽ đẩy mạnh các hội thảo, tọa đàm và trao đổi chuyên môn, tăng cường công tác truyền thông tới cơ quan Nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp về tầm quan trọng của nghề nghiệp kế toán, kiểm toán độc lập và QTCT. Với lễ ký kết hôm nay, tôi tin tưởng vào sự hợp tác hiệu quả và thành công giữa hai tổ chức, góp phần bảo vệ lợi ích cổ đông, nhà đầu tư và phát triển thị trường tài chính”.

Lam Phong

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục