Quản trị công ty và những điểm cần lưu ý khi luật mới có hiệu lực

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Ngày 26/11/2019, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Chứng khoán số 54/2019/QH14 (Luật Chứng khoán 2019, có hiệu lực từ 1/1/2021) với nhiều điểm mới nổi bật, trong đó có quy định riêng về quản trị công ty áp dụng đối với công ty đại chúng.

Quản trị công ty và những điểm cần lưu ý khi luật mới có hiệu lực

Với việc luật hóa các quy định về quản trị công ty áp dụng đối với công ty đại chúng, Luật Chứng khoán 2019 đã tạo cơ sở pháp lý cao hơn cho việc thực thi các quy định này, nâng cao tính minh bạch, chuyên nghiệp trong quản trị công ty của các công ty đại chúng.

Bên cạnh đó, Luật Doanh nghiệp 2020 (có hiệu lực từ 1/1/2021) cũng đã được Quốc hội thông qua với nhiều điểm mới liên quan đến cổ đông, đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ), hội đồng quản trị (HĐQT), ban kiểm soát và tình hình quản trị công ty... nhằm phù hợp với thực tiễn, cắt giảm thủ tục không cần thiết để rút ngắn thời gian, giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Căn cứ vào các nội dung nêu trên, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang xây dựng Dự thảo Nghị định quy định về quản trị công ty áp dụng cho công ty đại chúng hướng dẫn chi tiết các nguyên tắc và nội dung quy định tại Luật Chứng khoán và Dự thảo Thông tư hướng dẫn Nghị định về quản trị công ty áp dụng cho công ty đại chúng nêu trên.

Quy định quản trị công ty đối với công ty đại chúng tại Luật Chứng khoán 2019

Về nguyên tắc quản trị công ty, Luật Chứng khoán 2006 quy định nguyên tắc công ty đại chúng phải tuân thủ các quy định của Luật Doanh nghiệp về quản trị công ty và giao Bộ Tài chính có quy định cụ thể về quản trị công ty của công ty đại chúng có cổ phiếu niêm yết.

Luật Chứng khoán năm 2019 đã quy định cụ thể 6 nguyên tắc quản trị công ty áp dụng cho công ty đại chúng (Điều 40): (1) Cơ cấu quản trị hợp lý, hiệu quả; (2) Bảo đảm hiệu quả hoạt động của HĐQT, ban kiểm soát; nâng cao trách nhiệm của HĐQT đối với công ty và cổ đông; (3) Bảo đảm quyền của cổ đông, đối xử bình đẳng giữa các cổ đông; (4) Bảo đảm vai trò của nhà đầu tư, thị trường chứng khoán và các tổ chức trung gian trong việc hỗ trợ hoạt động quản trị công ty; (5) Tôn trọng và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các bên có quyền lợi liên quan trong quản trị của công ty; (6) Công bố thông tin kịp thời, đầy đủ, chính xác và minh bạch hoạt động của công ty; bảo đảm cổ đông được tiếp cận thông tin công bằng.

Đồng thời, Luật Chứng khoán năm 2019 còn bổ sung thêm một số nội dung quản trị công ty áp dụng cho công ty đại chúng (Điều 41) và giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết các nội dung quản trị công ty quy định tại Luật nhằm đảm bảo tính linh hoạt, phù hợp với quy mô của các công ty đại chúng, cụ thể như sau:

- Quyền và nghĩa vụ của cổ đông: (a) Được đối xử bình đẳng; (b) Được tiếp cận đầy đủ thông tin định kỳ và thông tin bất thường do công ty công bố theo quy định của pháp luật; (c) Được bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của mình; đề nghị đình chỉ, hủy bỏ nghị quyết, quyết định của ĐHCĐ, HĐQT theo quy định của Luật Doanh nghiệp; (d) Cổ đông lớn không được lợi dụng ưu thế của mình gây ảnh hưởng đến các quyền, lợi ích của công ty, của các cổ đông khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty; có nghĩa vụ công bố thông tin theo quy định của pháp luật; (đ) Quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty.

- Việc triệu tập tổ chức họp ĐHCĐ: (a) HĐQT, ban kiểm soát, người triệu tập họp ĐHCĐ phải tuân thủ đầy đủ trình tự, thủ tục về triệu tập họp ĐHCĐ theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Điều lệ công ty và Quy chế nội bộ về quản trị công ty; bố trí địa điểm, thời gian hợp lý để các cổ đông tham dự họp Đại hội đồng cổ đông; (b) Công ty đại chúng quy định tại Quy chế nội bộ về quản trị công ty việc áp dụng công nghệ thông tin hiện đại để cổ đông có thể tham dự và phát biểu ý kiến tại cuộc họp ĐHCĐ thông qua họp trực tuyến, bỏ phiếu điện tử hoặc hình thức điện tử khác theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Điều lệ công ty; (c) Công ty đại chúng phải mời đại diện tổ chức kiểm toán được chấp thuận thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính năm của công ty dự họp ĐHCĐ thường niên trong trường hợp báo cáo kiểm toán báo cáo tài chính năm của công ty có các khoản ngoại trừ trọng yếu; (d) Tuân thủ các quy định khác của pháp luật và Điều lệ công ty.

- Thành phần, cơ cấu, trách nhiệm và nghĩa vụ của HĐQT: (a) Cơ cấu HĐQT của công ty đại chúng bảo đảm sự cân đối giữa các thành viên HĐQT điều hành và không điều hành, số lượng thành viên HĐQT độc lập để bảo đảm tính độc lập của HĐQT; (b) HĐQT phải chịu trách nhiệm trước cổ đông về hoạt động của công ty; bảo đảm hoạt động của công ty tuân thủ quy định của pháp luật, Điều lệ công ty và quy định nội bộ của công ty; xây dựng Quy chế nội bộ về quản trị công ty trình ĐHCĐ thông qua; bổ nhiệm người phụ trách quản trị công ty và có các trách nhiệm, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật, Điều lệ công ty; (c) HĐQT phải tổ chức họp ít nhất mỗi quý 1 lần theo trình tự, thủ tục quy định tại Điều lệ công ty và Quy chế nội bộ về quản trị công ty. Việc tổ chức họp HĐQT, chương trình họp và các tài liệu liên quan được thông báo trước cho các thành viên HĐQT theo thời hạn quy định của pháp luật và Điều lệ công ty.

- Đề cử, ứng cử thành viên HĐQT: (a) Trường hợp đã xác định được ứng cử viên HĐQT, công ty đại chúng phải công bố thông tin liên quan đến các ứng cử viên tối thiểu 10 ngày trước ngày khai mạc họp ĐHCĐ trên trang thông tin điện tử của công ty để cổ đông có thể tìm hiểu về các ứng cử viên này trước khi bỏ phiếu; (b) Trường hợp số lượng ứng cử viên HĐQT thông qua đề cử và ứng cử vẫn không đủ số lượng cần thiết theo quy định của Luật Doanh nghiệp, HĐQT đương nhiệm có thể giới thiệu thêm ứng cử viên hoặc tổ chức đề cử theo quy định tại Điều lệ công ty và Quy chế nội bộ về quản trị công ty.

- Quyền và trách nhiệm của thành viên HĐQT: (a) Được cung cấp thông tin, tài liệu về tình hình tài chính, hoạt động kinh doanh của công ty và của các đơn vị trong công ty; (b) Thực hiện các nhiệm vụ của mình một cách trung thực, cẩn trọng vì lợi ích cao nhất của cổ đông và của công ty; (c) Tham dự đầy đủ các cuộc họp của HĐQT và có ý kiến về các vấn đề được đưa ra thảo luận; (d) Báo cáo kịp thời, đầy đủ với HĐQT các khoản thù lao nhận được từ các công ty con, công ty liên kết và các tổ chức khác; (đ) Báo cáo, công bố thông tin khi thực hiện giao dịch cổ phiếu của công ty theo quy định của pháp luật; (e) Quyền, trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty.

- Việc tuân thủ các quy định về ngăn ngừa xung đột lợi ích và công bố thông tin minh bạch: (a) Thành viên HĐQT, thành viên ban kiểm soát, tổng giám đốc/giám đốc) và người quản lý khác của công ty đại chúng có trách nhiệm công khai các lợi ích liên quan, không được sử dụng những thông tin có được nhờ chức vụ của mình để tư lợi cá nhân hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác; (b) Công ty đại chúng có trách nhiệm áp dụng các biện pháp cần thiết để ngăn ngừa thành viên HĐQT, thành viên ban kiểm soát, tổng giám đốc/giám đốc), người quản lý khác của công ty, cổ đông và những người có liên quan can thiệp vào hoạt động của công ty, gây tổn hại cho lợi ích của công ty; tuân thủ các quy định về giao dịch với cổ đông, người quản lý doanh nghiệp và người có liên quan của các đối tượng này; bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người có quyền lợi liên quan đến công ty; (c) Công ty đại chúng có nghĩa vụ báo cáo, công bố đầy đủ, chính xác và kịp thời thông tin định kỳ, thông tin bất thường về tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh, tài chính, tình hình quản trị công ty cho cổ đông, công chúng và các thông tin khác nếu thông tin đó có khả năng ảnh hưởng đến giá chứng khoán, quyết định của cổ đông và nhà đầu tư; (d) Các thông tin phải công bố và phương thức công bố thông tin được thực hiện theo quy định của luật này, Điều lệ công ty và Quy chế về công bố thông tin của công ty. Trong đó, có nội dung thay đổi là trường hợp báo cáo kiểm toán báo cáo tài chính năm của công ty có các khoản ngoại trừ trọng yếu, công ty đại chúng phải mời đại diện tổ chức kiểm toán được chấp thuận thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính của công ty dự họp, thay vì nội dung có thể mời đại diện công ty kiểm toán độc lập dự họp (Điểm c, Khoản 2, Điều 41 - Luật Chứng khoán).

Những điểm cần lưu ý

- Về thẩm quyền của ĐHCĐ (Khoản 2, Điều 6 - Dự thảo Nghị định): Các nội dung đã được thông qua tại các nghị quyết ĐHCĐ trước đó chưa được thực hiện, HĐQT phải báo cáo ĐHCĐ tại kỳ hợp thường niên gần nhất. Trường hợp có thay đổi nội dung thuộc thẩm quyền quyết định của ĐHCĐ, HĐQT phải trình ĐHCĐ gần nhất thông qua trước khi thực hiện.

- Về cuộc họp ĐHCĐ (Khoản 4, Điều 7 - Dự thảo Nghị định): Thành viên HĐQT và ban kiểm soát phải tham dự họp ĐHCĐ thường niên để trả lời các câu hỏi của cổ đông tại cuộc họp (nếu có); trường hợp bất khả kháng không tham dự được, thành viên HĐQT và ban kiểm soát phải báo cáo bằng văn bản với HĐQT và ban kiểm soát. Trường hợp báo cáo kiểm toán báo cáo tài chính năm của công ty có các khoản ngoại trừ trọng yếu, từ chối, trái ngược, công ty đại chúng phải mời đại diện tổ chức kiểm toán được chấp thuận thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính của công ty dự họp ĐHCĐ thường niên và đại diện tổ chức kiểm toán được chấp thuận nêu trên có trách nhiệm tham dự họp ĐHCĐ thường niên của công ty.

- Tư cách thành viên HĐQT (Điều 9 - Dự thảo Nghị định): Chủ tịch HĐQT không được kiêm nhiệm chức danh Tổng giám đốc/Giám đốc của cùng một công ty đại chúng.

- Thành phần HĐQT (Khoản 4, Điều 10 - Dự thảo Nghị định): Số lượng thành viên HĐQT độc lập của công ty niêm yết phải đảm bảo quy định sau: (a) Có tối thiểu 1 thành viên độc lập trong trường hợp công ty có số thành viên HĐQT từ 3-5 thành viên; (b) Có tối thiểu 2 thành viên độc lập trong trường hợp HĐQT có 6-8 thành viên; (c) Có tối thiểu 3 thành viên độc lập trong trường hợp HĐQT công ty có từ 9-11 thành viên.

- Trách nhiệm trung thực và tránh các xung đột về quyền lợi của người quản lý doanh nghiệp (Khoản 3, Điều 25 - Dự thảo Nghị định): Thành viên HĐQT, thành viên ban kiểm soát, tổng giám đốc/giám đốc và người quản lý khác có nghĩa vụ thông báo bằng văn bản cho HĐQT, ban kiểm soát về các giao dịch giữa công ty, công ty con, công ty do công ty đại chúng nắm quyền kiểm soát trên 50% trở lên vốn điều lệ với chính đối tượng đó, hoặc với những người có liên quan của đối tượng đó theo quy định của pháp luật. Đối với các giao dịch nêu trên do ĐHCĐ hoặc HĐQT chấp thuận, công ty đại chúng phải thực hiện công bố thông tin về các nghị quyết này theo quy định của pháp luật chứng khoán về công bố thông tin.

- Giao dịch với cổ đông, người quản lý doanh nghiệp và người có liên quan của các đối tượng này (Điều 27 - Dự thảo Nghị định): Công ty đại chúng không được cung cấp khoản vay hoặc bảo lãnh cho cổ đông là cá nhân, tổ chức và người có liên quan của cổ đông đó là cá nhân, tổ chức trừ một số trường hợp cụ thể.

Công ty đại chúng chỉ được thực hiện các giao dịch sau đây khi đã được ĐHCĐ chấp thuận: (a) Cấp các khoản vay hoặc bảo lãnh cho thành viên HĐQT, thành viên ban kiểm soát, tổng giám đốc/giám đốc, người quản lý khác không phải là cổ đông và những cá nhân, tổ chức có liên quan của các đối tượng này.

Trường hợp cấp các khoản vay hoặc bảo lãnh cho tổ chức có liên quan của thành viên HĐQT, thành viên ban kiểm soát, tổng giám đốc/giám đốc, người quản lý khác mà công ty đại chúng và tổ chức đó là các công ty trong cùng tập đoàn hoặc các công ty hoạt động theo nhóm công ty, bao gồm công ty mẹ - công ty con, tập đoàn kinh tế, ĐHCĐ hoặc HĐQT thông qua theo quy định tại Điều lệ công ty;

(b) Giao dịch có giá trị từ 35% trở lên hoặc giao dịch dẫn đến tổng giá trị giao dịch phát sinh trong vòng 12 tháng kể từ ngày thực hiện giao dịch đầu tiên có giá trị từ 35% trở lên tổng giá trị tài sản ghi trên báo cáo tài chính gần nhất hoặc một tỷ lệ, giá trị khác nhỏ hơn theo quy định tại Điều lệ công ty giữa công ty đại chúng với một trong các đối tượng sau: Thành viên HĐQT, thành viên ban kiểm soát, tổng giám đốc/giám đốc và người có liên quan của các đối tượng này; cổ đông, người đại diện ủy quyền của cổ đông sở hữu trên 10% tổng vốn cổ phần phổ thông của công ty và những người có liên quan của họ; doanh nghiệp có liên quan đến các đối tượng quy định tại Khoản 2, Điều 164 - Luật Doanh nghiệp.

(c) Hợp đồng, giao dịch vay, bán tài sản có giá trị lớn hơn 10% tổng giá trị tài sản ghi trên báo cáo tài chính gần nhất giữa công ty và cổ đông sở hữu từ 51% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết trở lên hoặc người có liên quan của cổ đông đó.

Vụ Giám sát công ty đại chúng, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước
Đặc san Doanh nghiệp niêm yết 2020

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục