Quan ngại về việc lạm dụng chỉ định thầu

(ĐTCK) Câu chuyện làm thế nào hạn chế lạm dụng chỉ định thầu và ngăn chặn thông thầu được các đại biểu Quốc hội quan tâm nhất trong phiên thảo luận về Luật Đấu thầu sửa đổi vừa qua.
Ảnh minh họa: Internet

4 nội dung chưa thống nhất

Theo Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, có 4 vấn đề lớn trong dự thảo Luật còn nhận được những ý kiến khác nhau của các đại biểu.

Trước hết là phạm vi điều chỉnh của Luật, quy định hạn mức vốn của Nhà nước trong dự án chiếm 30% trở lên, hoặc dưới 30% nhưng trên 500 tỷ đồng thì phải tuân theo quy định của luật này.

Thứ hai là chỉ định thầu, Luật hiện hành quy định có 4 trường hợp được chỉ định thầu và giao cho Chính phủ quy định cụ thể.

Tuy nhiên, dự thảo luật tăng lên 6 trường hợp chỉ định thầu và chỉ có 1 trường hợp giao cho Chính phủ quy định, đó là gói thầu cung cấp dịch vụ công.

Về các gói thầu mua thuốc cho các cơ sở y tế, đây là một vấn đề mới và dự thảo mới chỉ quy định một số nội dung mang tính nguyên tắc.

 Trong khi đó, vấn đề này hiện đang gây nhiều bức xúc trong dư luận, nên nhiều đại biểu yêu cầu làm rõ hơn. Cuối cùng là vấn đề thực hiện các cam kết trong hợp đồng với nhà thầu, nhà đầu tư, đó là hợp đồng trọn gói, tức là giá thầu sẽ không thay đổi trong suốt quá trình thực hiện hợp đồng.

Với tỷ lệ các gói thầu được chỉ định thầu lên tới trên 7% trong thời gian vừa qua, nhiều đại biểu cho rằng, cần phải có quy định siết chặt vânấn đề này để tránh  tạo ra cơ chế xin - cho.

Theo đại biểu Nguyễn Doãn Khánh, tiêu cực phát sinh từ chỉ định thầu là không ít. Do đó, luật mới cần quy định cụ thể, chặt chẽ về các điều kiện, thủ tục, thẩm quyền trong việc thẩm định, nhất là đối với các gói thầu  xây dựng cơ bản được đề nghị vận dụng trường hợp khẩn cấp và cấp bách.

“Đối với các trường hợp cấp bách, cần có thêm tiêu chuẩn về thời gian thực hiện gói thầu trong việc cho phép chỉ định thầu, bên cạnh các tiêu chuẩn về nội dung, tính chất và quy mô dự án.

Bởi thực tế cho thấy, nhiều trường hợp chỉ định thầu vận dụng trường hợp bất khả kháng là khẩn cấp và cấp bách, nhưng kéo dài thời gian thi công và chả thấy cấp bách ở đâu cả”, đại biểu Khánh nhận định.

Thậm chí, đại biểu Hà Sỹ Đồng còn cho rằng, sự cố bất khả kháng không phải là trường hợp nên áp dụng hình thức chỉ định thầu.

Chỉ nên áp dụng đối với các trường hợp cấp bách cần khắc phục ngay hoặc bí mật an ninh quốc gia và quy định luôn các trường hợp cấp bách như khắc phục hậu quả thiên tai, vỡ đường ống dẫn nước, dẫn dầu… để tránh lạm dụng.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khi chỉ định thầu, các địa phương thường thương thảo với nhà thầu giảm giá so với giá chủ đầu tư đưa ra ban đầu.

Trên thực tế, việc này đã tiết kiệm được 3 - 3,5% dự toán của các gói thầu chỉ định. Chính vì vậy, theo đại biểu Lê Công Đỉnh (Long An), cần có các quy định về tỷ lệ giảm giá thành là một yếu tố cho việc chỉ định thầu nhằm tăng tính hiệu quả đối với hoạt động này.

Các đại biểu cũng cho rằng, cần có quy định rõ ràng về thủ tục và khung pháp lý để làm cơ sở yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận một gói thầu được coi là thuộc trường hợp được chỉ định thầu, nếu không sẽ có tình trạng chủ đầu tư kiến nghị cho phép chỉ định thầu tràn lan.

Tuy nhiên, theo Dự luật sửa đổi, hạn mức được chỉ định thầu đối với gói thầu xây lắp có giá trị nhỏ hơn 1 tỷ đồng.

Điều này rất khó thực hiện, tốn thời gian chi phí, gây áp lực cho các chủ đầu tư. Do đó, đa số ý kiến đề nghị dự thảo lần này nên giữ quy định hiện hành, tức hạn mức chỉ định thầu đối với các gói thầu xây lắp, gói thầu lựa chọn tổng thầu là 5 tỷ đồng, đối với gói thầu tư vấn là 3 tỷ đồng, đối với gói thầu mua sắm hàng hóa là 2 tỷ đồng.

 

Làm rõ sự độc lập của nhà thầu

Để tránh tình trạng thông thầu, nhiều ý kiến đề nghị làm rõ quy định với các nhà thầu trong cùng tập đoàn, cùng công ty mẹ.

 Bởi theo các đại biểu, quy định độc lập về tính pháp lý và độc lập về tài chính của các nhà thầu trong cùng một gói thầu tại dự thảo luật chưa giải thích định nghĩa đầy đủ và có thể hiểu theo nhiều hướng khác nhau.

Trên thực tế, nhiều trường hợp các đơn vị là công ty con của cùng một công ty mẹ tham gia đấu thầu theo kiểu quân xanh - quân đỏ, có trường hợp các đơn vị này sở hữu cổ phần gián tiếp của nhau qua một công ty khác và qua đó có khả năng tác động để thông thầu.

Quy định trong dự thảo cũng chưa loại trừ được nhiều trường hợp tác động khác, ví dụ vấn đề người có liên quan theo Luật Doanh nghiệp, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Chứng khoán, dù các bên độc lập về pháp lý và tài chính, nhưng lại có khả năng tác động, ảnh hưởng hoặc chi phối các giao dịch nhất định.

Đại biểu Phùng Đức Tiến cho rằng, cần quy định rõ mối quan hệ giữa các nhà thầu độc lập về tư cách pháp nhân, độc lập về tài chính trong cùng tập đoàn, tổng công ty, các đơn vị độc lập trong cùng một trường đại học, một viện nghiên cứu để tránh tình trạng thông thầu trong đấu thầu xây lắp, hoặc trong các dự án nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, hỗ trợ kỹ thuật, điều tra cơ bản...    

>> Thảo luận Luật Đấu thầu (sửa đổi): Hạn chế chỉ định thầu

>> Kỳ họp Quốc hội thứ 6 - Nóng bỏng các vấn đề kinh tế 

Bùi Trang
Bùi Trang

Tin cùng chuyên mục