“Việc thành lập Nhóm Quản trị và Minh bạch tại VBF nhằm tăng cường đối thoại giữa cộng đồng DN với Chính phủ về việc nâng cao tính minh bạch trong nền kinh tế, làm rõ hơn trách nhiệm giải trình, thực thi pháp luật giữa cơ quan quản lý và các DN”, ông Simon Andrews, Giám đốc Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) tại Việt Nam chia sẻ.
Trên thực tế, cái nhìn của nhiều tổ chức quốc tế về vấn nạn tham nhũng tại Việt Nam vẫn khá ảm đạm. Trong Chỉ số Nhận thức Tham nhũng năm 2012 do Tổ chức Minh bạch Quốc tế xếp hạng 174 quốc gia về mức độ nhận thức tham nhũng trong lĩnh vực công, trong đó quốc gia ít tham nhũng nhất được xếp thứ nhất, thì Việt Nam xếp thứ 123. Có 55% người tham gia cuộc khảo sát tin rằng, vấn nạn tham nhũng đang khá trầm trọng ở Việt Nam.
Một cách trực tiếp hơn, tháng 10/2013, VBF đã thực hiện một cuộc khảo sát cộng đồng DN trên toàn lãnh thổ Việt Nam về tác động của vấn nạn tham nhũng tới hoạt động của các đối tượng này, cũng như việc họ có sẵn sàng chi tiền “ngoài luồng” để công việc kinh doanh thuận lợi hơn? Cuộc khảo sát nhận được trả lời của 221 cá nhân, hầu hết đều nắm trọng trách trong các DN, bao gồm 31,2% DN Việt Nam và 68,8% có chi nhánh tại Việt Nam, còn trụ sở chính ở nước ngoài. Kết quả cho thấy, các công ty có trụ sở đóng tại nước ngoài tuân thủ khá nghiêm túc và ít “chịu chi” cho các chi phí mang tính chất bôi trơn. Nguyên nhân được cho là họ bị chế tài bởi cả pháp luật chống tham nhũng tại Việt Nam và quốc gia đóng trụ sở chính.
Hệ thống pháp luật cần minh bạch và nghiêm khắc hơn là một trong 5 khuyến nghị của Nhóm công tác Quản trị và Minh bạch về phòng chống tham nhũng
Trong khi đó, dù chế tài về phòng chống tham nhũng tại Việt Nam trong các sắc luật như Luật Tố tụng hình sự và Luật Phòng, chống tham nhũng… không thiếu, nhưng thực tiễn thi hành hiệu quả chưa cao khiến nhiều DN Việt Nam cho biết, họ phải chấp nhận các khoản tiền bôi trơn như là một phần của chi phí kinh doanh. Theo VBF, điều này cản trở khả năng cạnh tranh một cách công bằng giữa các DN chấp nhận chi tiền và DN làm ăn đàng hoàng, cũng như giữa các DN Việt Nam và DN nước ngoài và hệ quả là làm hạn chế khả năng tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam.
“Nhiều viên chức công quyền yêu cầu những khoản bôi trơn hầu như mỗi ngày và việc từ chối chi cho những yêu cầu hối lộ đó khiến cho DN khó hoạt động trong các thị trường liên quan của mình”, bà Nguyễn Sương Đào, Luật sư điều hành Công ty Luật TNHH Allen&Overy (Việt Nam), đại diện Nhóm công tác Quản trị và Minh bạch chia sẻ.
Những người trả lời khảo sát cũng được yêu cầu xác định các lĩnh vực mà Chính phủ cần ưu tiên trong nỗ lực chống tham nhũng. Theo đó, các ngành bị nghi ngờ tham nhũng cao nhất là hải quan với 55,2%, thuế 46,2%, quản lý đất đai 39,8% và vấn đề cấp phép.
Một điều đáng quan ngại khác là khi được hỏi, liệu có xem xét lại những cơ hội đầu tư mới cũng như mở rộng đầu tư trong tương lai hay không, nếu tham nhũng vẫn ở mức hiện thời, có 34% DN cho biết, có thể họ đầu tư tại một quốc gia khác trong khu vực hoặc quyết định không mở rộng đầu tư nếu tình trạng không thay đổi.
Bà Đào nhấn mạnh: “Nhiều chính sách và quy định pháp luật cần thiết đã được ban hành, nhưng các DN vẫn thất vọng vì thực tế triển khai chưa đến nơi đến chốn. Sự hoài nghi sẽ vẫn còn đó, cho đến khi chứng tỏ được trên thực tế rằng những người vi phạm ở bất kể chức vụ nào đều sẽ bị phát hiện và xử lý đúng người, đúng tội”.
Nhóm công tác Quản trị và Minh bạch đã khuyến nghị 5 nguyên tắc là nền tảng cho bất kỳ nỗ lực phòng chống tham nhũng nào.
Thứ nhất, cần một hệ thống pháp luật minh bạch, hiệu quả và nghiêm khắc hơn đối với tội phạm tham nhũng.
Thứ hai, cải cách tiền lương để các công chức thuộc bộ máy công quyền sống được bằng lương.
Thứ ba, cơ quan phòng chống tham nhũng càng độc lập với cơ quan điều hành kinh tế càng tốt.
Thứ tư, có cơ chế bảo vệ cũng như khích lệ người tố giác tham nhũng một cách xứng đáng.
Thứ năm, công tác truyền thông cần tăng sự hiểu biết và ý thức của người dân về phòng chống tham nhũng...
Liên quan vấn đề cấp phép, ông Nguyễn Văn Trung, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa nhận, vẫn còn những nhũng nhiễu nhất định. Để giải quyết vấn đề này, cần giảm thiểu sự tiếp xúc giữa người cấp phép và đối tượng được cấp phép bằng công nghệ hóa.
“Hoạt động cấp phép cho các DN trong nước đã được cải thiện, nhưng đối với khối DN FDI thì vẫn còn điểm nghẽn. Quá trình thực hiện Luật Đầu tư, quy định về đăng ký kinh doanh và chứng nhận đầu tư cho thấy phát sinh một số vấn đề và hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu đề xuất hướng xử lý”, ông Trung nói.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Tài chính, bà Vũ Thị Mai cũng cho biết, liên quan đến vấn đề thể chế, trong giai đoạn 2008 - 2013, Bộ Tài chính đã trình cấp có thẩm quyền phê duyệt 13 luật và 146 nghị định, quyết định; rà soát cắt giảm 517/840 thủ tục, chuyển việc in hóa đơn cho DN, hiện đại hóa thủ tục thuế quan…
>> VBF năm 2013 sẽ diễn ra vào ngày 3/12