Chuyện dòng tiền của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai tiếp tục “nóng” trong tuần qua, khi nhiều thông tin cho biết các khoản nợ khủng của tập đoàn này. Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai, ông Đoàn Nguyên Đức cũng thừa nhận những khó khăn về dòng tiền, dù khẳng định Tập đoàn đang trong quá trình tái cấu trúc mạnh mẽ, nên sẽ sớm hoạt động tốt trở lại.
Tương tự, tình huống mà Chương trình CEO - Chìa khóa thành công đặt ra, với chủ đề “Tài chính thời TPP - Cân đối dòng tiền”, cũng đã nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận ngay sau khi được phát trên sóng truyền hình. Trên trang facebook của Chương trình, khán giả bàn luận rất sôi nổi về các phương án mà cổ đông và CEO đề xuất để xử lý câu chuyện dòng tiền của một doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng trong nước.
Đó là hiện nay, doanh nghiệp đang có chiến lược mở rộng xuất khẩu cho các siêu thị lớn ở các nước lân cận trong khu vực. Để làm được điều này, doanh nghiệp cần có các báo cáo tài chính lành mạnh để tạo niềm tin và thuyết phục các siêu thị lớn. Mặc dù các báo cáo tài chính của công ty đều có lãi, nhưng trên thực tế lại không có tiền mặt. Trước tình hình này, CEO (đồng thời là một cổ đông) cùng với các cổ đông khác đã có cuộc họp để tìm giải pháp.
Các cổ đông cho rằng, doanh nghiệp cần thay đổi các chính sách tín dụng với các nhà cung cấp, các khách hàng để gia tăng lượng tiền mặt và giúp các báo cáo tài chính của doanh nghiệp lành mạnh hơn.
Trong khi đó, CEO lại cho rằng, nếu thay đổi chính sách với các nhà cung cấp, các khách hàng thì có thể khiến họ không muốn hợp tác và cung cấp hàng nữa. Do đó, CEO đề nghị sử dụng các công cụ tài chính khác, như bán nợ hoặc đi vay để đảm bảo nguồn tiền mặt cho doanh nghiệp.
Trong khi cổ đông và CEO mỗi bên đều có lý lẽ riêng để bảo vệ quan điểm của mình, thì các khán giả truyền hình cũng có cái nhìn tương tự. Người ủng hộ, kẻ phản bác CEO, mà trong Chương trình, ông Nguyễn Duy Kha, Giám đốc kinh doanh toàn quốc (Foodservices) - Công ty Fonterra Brands Việt Nam ngồi ở vị trí CEO.
“Dòng tiền là huyết mạch để nuôi sống doanh nghiệp. Lợi nhuận có thể âm, dòng tiền sản xuất - kinh doanh mà âm là rất báo động. Nhưng quản trị dòng tiền trước giờ doanh nghiệp làm rất kém, nước đến chân mới nhảy. Nhảy thì còn có cơ hội sống, không nhảy chỉ có chết”, bạn Bac Chu đã bày tỏ quan điểm như vậy và cho rằng, không thể đảm bảo dòng tiền bằng hoạt động tài trợ bên ngoài mãi được. Do vậy, tồn kho, các khoản phải thu, phải trả... phải được quản trị cho tốt.
“Chẳng ai tài trợ cho một doanh nghiệp dù có lợi nhuận, nhưng không có một xu tiền mặt nào cả”, bạn Bac Chu thẳng thắn.
Trong khi đó, bạn Tran Giau cho rằng, để có dòng tiền dương từ hoạt động sản xuất - kinh doanh trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ, cần có những quyết định mang tính dài hạn. “Đi vay hay thắt chặt tín dụng thương mại đều không phải biện pháp khả thi lúc này. Về mặt dài hạn, doanh nghiệp nên cơ cấu lại dòng tiền vào và ra. Tránh đầu tư ngoài ngành và tập trung bán hàng thu ngay - một đặc điểm của bán hàng tiêu dùng. Tương tự, phải tái cơ cấu chiến lược kinh doanh của mình trong môi trường mới”, bạn Tran Giau bày tỏ quan điểm.
Còn bạn Đào Khánh Hoàn thì thẳng thắn, trong hoàn cảnh này, doanh nghiệp nên lựa chọn theo phương án của cổ đông là thay đổi tín dụng với các nhà cung cấp. “Có thể tìm cách giải quyết khôn khéo để đàm phán làm hài lòng các nhà cung cấp, cũng như có lợi cho doanh nghiệp của mình, chứ cách giải quyết của CEO chỉ là tạm thời trước mắt”, bạn Đào Khánh Hoàn nhấn mạnh.
Chọn phương án nào, theo cổ đông hay CEO là cả một vấn đề, bởi điều này sẽ quyết định sinh mệnh của doanh nghiệp trong tương lai. Trong trường hợp như vậy, tìm tới các chuyên gia tư vấn là cần thiết.
TS. Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Tài chính, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM và bà Trần Thị Thúy Ngọc, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Deloitte Việt Nam, với kinh nghiệm của mình, chắc chắn sẽ có những lời khuyên xác đáng cho các doanh nghiệp trong việc quản lý dòng tiền.
Những lời khuyên này sẽ không chỉ hữu ích để xử lý tình huống đặt ra trong Chương trình, mà cũng sẽ có ích cho các doanh nghiệp Việt Nam nói chung trong quản lý dòng tiền thời TPP.