Xuất phát từ quan điểm khác nhau về tiền kỹ thuật số, tiền kỹ thuật số NHTW (CBDC), các quốc gia/NHTW đã đưa ra những quy định về quản lý, kiểm soát các giao dịch liên quan đến tiền kỹ thuật số và bắt đầu nghiên cứu, thử nghiệm CBDC. Trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm của NHTW các nước, một số hàm ý chính sách quan trọng sẽ giúp Việt Nam bắt nhịp với xu hướng phát triển của tiền kỹ thuật số, đồng thời phòng ngừa, giảm thiểu rủi ro với hệ thống tài chính, tiền tệ và nền kinh tế.
Tiền kỹ thuật số không phải là tiền ảo, tiền điện tử
Tiền kỹ thuật số (digital currencies) hay còn gọi là tiền mã hóa, tiền thuật toán là loại tiền được tạo ra bởi các thuật toán mã hóa phức tạp dựa trên các phần mềm mã nguồn mở; được giao dịch mua bán hoàn toàn trên môi trường Internet và không chịu sự quản lý của bất kỳ cá nhân, tổ chức nào (trừ khi được NHTW trực tiếp phát hành), có giá trị tương đương tiền thật và có tính thanh khoản rất cao.
Hiện nay, việc phân biệt tiền kỹ thuật số với tiền điện tử và tiền ảo khá khó khăn khi tiền kỹ thuật số nằm ở “phần giao” giữa hai loại tiền còn lại (Hình 1).
Tiền kỹ thuật số có gốc là tiền ảo song ngày càng có nhiều đặc tính ưu việt hơn so với tiền ảo và tiền điện tử (đặc biệt là đồng Libra trong dự án của Facebook) như: mức độ biến động/rủi ro thấp; độ an toàn và tin cậy cao; chi phí giao dịch thấp; khả năng lưu trữ dưới dạng điện tử và được sử dụng như công cụ thanh toán ở phạm vi rộng nhờ sự phát triển của giao dịch thứ cấp; có thể chuyển đổi ra tiền pháp định và ngược lại (Bảng 1).
Tiền kỹ thuật số NHTW (Central Bank Digital Currency - CBDC) là tiền pháp định (tiền fiat) dưới dạng kỹ thuật số được phát hành, kiểm soát và bảo đảm bởi NHTW của một quốc gia hay vùng lãnh thổ có chủ quyền. CBDC ra đời nhằm mục tiêu số hóa tiền mặt; cung cấp một phương thức khả thi để kiểm soát nền kinh tế số; nâng cao hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ đối với thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Với đầy đủ các chức năng của tiền pháp định, CBDC được dự định là có thể trao đổi 1:1 với các hình thức tiền khác (tiền giấy, coin và tiền gửi ngân hàng).
Có 2 mô hình CBDC tùy theo mục đích và phạm vi sử dụng: (i) Mô hình CBDC bán buôn giới hạn việc sử dụng cho thị trường và tổ chức tài chính, phục vụ thanh toán liên ngân hàng của các tổ chức tín dụng; (ii) Mô hình CBDC bán lẻ - phát hành rộng rãi cho công chúng để sử dụng thanh toán bán lẻ dưới hình thức giá trị tiền pháp định của tiền gửi hoặc ví điện tử cá nhân mở tại NHTW hoặc dưới dạng mã token.
Tác động của tiền kỹ thuật số đến các hoạt động kinh tế - xã hội
TS.Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV
Cũng giống như các phương tiện thanh toán khác, tính hai mặt của đồng tiền kỹ thuật số cũng được chỉ ra khá rõ nét đến thời điểm hiện nay.
Về lợi ích và mặt tích cực. Thứ nhất, tiền kỹ thuật số có mức độ an toàn và tin cậy cao, giúp giảm thiểu rủi ro cho các giao dịch và chủ thể kinh tế. Lợi ích này có được nhờ công nghệ chuỗi khối và mã hóa, các giao dịch tiền kỹ thuật số được xác minh là có tính minh bạch, độ tin cậy và bảo mật cao, ít rủi ro hơn nhiều so với tiền mặt, có thể truy suất lịch sử giao dịch…
Thứ hai, góp phần tạo ra cuộc cách mạng toàn cầu về thanh toán, các hoạt động thanh toán/gửi và nhận tiền bằng tiền kỹ thuật số được thực hiện trực tiếp, tức thời, mọi lúc mọi nơi, phi tiếp xúc và không cần bất kỳ trung gian nào; không giới hạn số tiền giao dịch với chi phí thấp, đơn giản và nhanh chóng, không giới hạn địa lý quốc gia.
Thứ ba, sự phát triển của tiền kỹ thuật số góp phần tăng cường hiệu quả và an toàn hệ thống thanh toán quốc gia, thúc đẩy tài chính toàn diện nhờ ưu điểm tức thời, 24/7, đa dạng, đảm bảo tiêu chí “xanh” - thân thiện và bảo vệ môi trường…
Thứ tư, tác động lan tỏa đến các hoạt động kinh tế - xã hội, thúc đẩy sự phát triển của kinh tế số. Sự phát triển của tiền kỹ thuật số và các phương thức thanh toán hiện đại và đa dạng sẽ góp phần thúc đẩy thương mại điện tử (đặc biệt thương mại điện tử xuyên biên giới); phát triển Fintech; sự tham gia của khu vực tư nhân trong cung ứng dịch vụ tiền kỹ thuật số, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông, viễn thông, ngân hàng tài chính...
Thứ năm, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành chính sách tiền tệ trong trường hợp tiền kỹ thuật số do NHTW phát hành. Khi đó, sự thay thế của tiền kỹ thuật số với vai trò là đồng tiền pháp định giúp tiết giảm/loại bỏ nhiều loại chi phí liên quan đến phát hành và lưu thông tiền mặt như: in ấn, lưu thông, bảo an đồng tiền, chống tiền giả, tiêu hủy tiền cũ/rách/hỏng... Đồng thời, NHTW có thêm công cụ giúp kiểm soát chính xác lượng cung tiền, từ đó, nâng cao hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ đối với thúc đẩy nền kinh tế (có thể áp dụng lãi suất âm đối với tiền kỹ thuật số để kích thích tăng trưởng kinh tế).
Bên cạnh đó, cũng có 4 thách thức cần được đo lường cụ thể. Đầu tiên là mức độ chấp nhận thấp so với đồng tiền pháp định, truyền thống. Tiếp đó là những rủi ro với các ngân hàng thương mại/trung gian tài chính khi việc phổ biến của tiền kỹ thuật số có thể “xóa sổ” một số nguồn thu dịch vụ truyền thống, thậm chí đe dọa sự tồn tại của các tổ chức này. Thêm vào đó, việc các quốc gia có chính sách chấp nhận/cấm đoán các đồng tiền kỹ thuật số sẽ gây rủi ro cho các trung gian tài chính/Fintech chấp nhận chúng.
Ngoài ra, có thể kể tới các rủi ro kỹ thuật và các hoạt động phi pháp. Hoạt động giao dịch, mua bán tiền kỹ thuật số phụ thuộc vào các thiết bị điện tử và hệ thống công nghệ thông tin, vì vậy, luôn hiện hữu nguy cơ mất an toàn khi sàn giao dịch bị sập, ổ cứng bị lỗi, dữ liệu bị virus, các tập tin bị mất cắp, hacker và tội phạm mạng… Cùng với đó, do tính ẩn danh và thuận lợi, dễ dàng trong giao dịch nên tiền kỹ thuật số có thể bị lợi dụng cho các giao dịch phi pháp như rửa tiền, trốn thuế, tài trợ khủng bố, tin tặc…
Cuối cùng, đó là thách thức với các NHTW và cơ quan quản lý trong kiểm soát lượng cung tiền cũng như trách nhiệm quản lý, giám sát và xử lý sự cố, rủi ro.
Yêu cầu đổi mới trên góc độ quản lý
Có thể khẳng định rằng, tiền kỹ thuật số là phát minh của nhân loại, là sản phẩm tài chính dựa trên công nghệ hiện đại, vì vậy, xu thế tồn tại và phát triển của tiền kỹ thuật số là tất yếu, góp phần phát triển nền kinh tế số toàn cầu.
Thực tế cho thấy, trong giai đoạn đầu, có hơn 700 loại tiền kỹ thuật số do các tổ chức/cá nhân phát hành (nổi bật nhất là Bitcoin) với nhiều ưu điểm và tiềm năng nhưng chưa được chấp nhận rộng rãi. Tuy nhiên, sức hấp dẫn của tiền kỹ thuật số ngày càng tăng khi bước vào giai đoạn phát triển mới. Sự ra đời của Libra hay Nhân dân tệ số của Trung Quốc (DCEP) được đánh giá là có nhiều ưu điểm nổi trội hơn, bù đắp những nhược điểm của đồng tiền số trước đó, đồng thời được đảm bảo bởi các tổ chức uy tín toàn cầu và mức độ chấp nhận rộng rãi.
Trong điều kiện đồng tiền kỹ thuật số tiếp tục phát triển, yêu cầu thay đổi trên góc độ quản lý sẽ đặt ra cấp thiết với các cơ quan quản lý tiền tệ quốc gia - chủ yếu là NHTW. Thay vì những quyết định “không công nhận”, các NHTW cần sớm nghiên cứu, đánh giá về nhiều nội dung.
Thứ nhất, nhận thức, đánh giá, dự báo được những lợi ích và rủi ro của tiền kỹ thuật số trong điều kiện mỗi quốc gia. Thứ hai, phải linh hoạt, chủ động trong ứng xử với tiền kỹ thuật số, vì nếu đã là xu hướng thì rất khó để một NHTW trong điều kiện kinh tế phẳng đi ngược được xu hướng hay cấm hoàn toàn. Điều đáng chú ý là nhiều NHTW dù không công nhận tiền kỹ thuật số, nhưng đều đang thay đổi theo hướng tích cực, cởi mở hơn.
Khảo sát của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) năm 2019 (công bố tháng 1/2020), 85% NHTW dự định sẽ phát hành một CBDC trong vòng 3 năm tới, 15% cho biết họ đã có thẩm quyền hoặc sẽ sớm có thẩm quyền ban hành CBDC. Cũng theo khảo sát này, 70% NHTW khẳng định đang nghiên cứu về CBDC; 30% đã tích cực, chủ động chuẩn bị các kế hoạch để phát hành các đồng tiền số; trong đó, 10% đang phát triển các dự án thí điểm.
Thứ ba, cần đáp ứng yêu cầu cao hơn về bảo mật thông tin và an ninh mạng, bảo đảm sự ổn định hệ thống tài chính, kiểm soát phòng ngừa rủi ro. Theo khảo sát của OMFIF, 82% NHTW lo ngại rủi ro các hoạt động ngân hàng sẽ xảy ra với tốc độ nhanh hơn trước nếu triển khai CBDC. Cuối cùng là tăng cường hợp tác quốc tế trong quản lý, nghiên cứu phát hành tiền kỹ thuật số vì đặc điểm của tiền số là không biên giới. Với sự xuất hiện của Libra và việc thử nghiệm DCEP của NHTW Trung Quốc, nhiều NHTW đang phối kết hợp nghiên cứu, đánh giá lợi ích/tiềm năng/rủi ro của CBDC, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện cho việc phát hành. Nổi bật là nhóm các nước G20, EU, nhóm 4 NHTW hàng đầu thế giới là Nhật Bản, Canada, Anh, Thụy Điển, EU và BIS.
Một số hàm ý chính sách với Việt Nam
Tại Việt Nam, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) coi tiền kỹ thuật số là một loại tài sản ảo (tiền ảo) và không chấp nhận là tiền tệ hay phương tiện thanh toán, việc dùng tiền kỹ thuật số làm phương tiện thanh toán là vi phạm quy định pháp luật. Việc chấp nhận đồng tiền kỹ thuật số trong giai đoạn này có thể là chưa phù hợp đối với thực tiễn ở Việt Nam.
Tuy nhiên, Việt Nam không thể đi ngược lại với xu thế phát triển của tiền kỹ thuật số cũng như sự bùng nổ của các giao dịch liên quan đến đồng tiền này. Vì vậy, Việt Nam cần sớm có những giải pháp phù hợp bắt nhịp với xu thế thế giới một cách thận trọng, có quan sát và vận dụng.
Thứ nhất, xác định quan điểm đối với tiền kỹ thuật số và lộ trình, giải pháp quản lý phù hợp: Chuẩn hóa các khái niệm, định nghĩa về tiền kỹ thuật số, CBDC, phân biệt với tiền ảo, tiền điện tử, làm cơ sở để xây dựng, hoàn thiện pháp lý theo tiêu chuẩn quốc tế; NHNN, các cơ quan quản lý thể hiện quan điểm “sẵn sàng chấp nhận, linh hoạt, chủ động, sáng tạo trong quản lý” với sự phát triển của tiền kỹ thuật số; Nghiên cứu, học tập kinh nghiệm Trung Quốc và xây dựng lộ trình phát hành CBDC (nếu có) phù hợp với Việt Nam; Cập nhật, ứng phó kịp thời với ảnh hưởng của việc triển khai Nhân dân tệ kỹ thuật số của Trung Quốc từ tháng 5/2020 đối với hệ thống tài chính, thương mại, đầu tư của Việt Nam.
Thứ hai, phát huy vai trò đầu mối của NHNN trong việc xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý cho sự phát triển của kỹ thuật số: Hoàn thiện trình Chính phủ “Chiến lược tổng thể về hệ thống thanh toán quốc gia”; sớm ban hành Nghị định thay thế Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt với những quy định đột phá; Hoàn thiện khung pháp lý đối với các công nghệ hiện đại ứng dụng trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính, trong đó có công nghệ Blockchain; NHNN, Ban chỉ đạo Fintech phối hợp với Bộ Tài chính, các bộ, ngành hoàn thiện hành lang pháp lý (gồm cả dạng thí điểm - sandbox) để người dân, tổ chức, doanh nghiệp của Việt Nam có thể ứng dụng, khai thác và kiểm soát rủi ro khi ứng dụng công nghệ hiện đại, Blockchain; Xây dựng các quy định, tiêu chuẩn cấp phép đối với các tổ chức, cá nhân trung gian tham gia cung cấp dịch vụ liên quan đến tiền kỹ thuật số như quy định phân tách tài sản khách hàng với tài sản của công ty; phải mở tài khoản riêng tại các tổ chức tín dụng; báo cáo các giao dịch đáng ngờ; lưu trữ dữ liệu tại máy chủ trong nước; kiểm toán số dư tiền pháp định và tiền ảo thường xuyên...
Thứ ba, phát triển hệ thống thanh toán quốc gia đảm bảo hiệu quả và hạn chế rủi ro cho các giao dịch thanh toán xuyên biên giới liên quan đến tiền kỹ thuật số: nâng cấp hệ thống thanh quyết toán tức thời (RGTS), cho phép các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phi ngân hàng được tiếp cận RGTS, từng bước tiến tới cho phép tiền kỹ thuật số được tích hợp một cách hiệu quả nhất vào hệ thống thanh toán quốc gia; nâng cấp hạ tầng thanh toán quốc gia (hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, hạ tầng thanh toán tập trung; gia tăng số lượng và nâng cao chất lượng các máy chủ an toàn; vận hành hệ thống thanh toán bù trừ tự động phục vụ các giao dịch bán lẻ) đáp ứng sự phát triển của tiền kỹ thuật số và các phương thức, công nghệ thanh toán mới.
Thứ tư, thúc đẩy thói quen thanh toán không dùng tiền mặt kết hợp với phổ cập kiến thức và nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp về tiền kỹ thuật số và thanh toán không dùng tiền mặt: tạo điều kiện cho các tổ chức có đủ uy tín, quy mô (có thể gồm cả các Fintech, Bigtech, các doanh nghiệp, tổ chức thuộc khu vực kinh tế tư nhân) được phép cung cấp dịch vụ liên quan đến tiền kỹ thuật số như mobile money, ví điện tử, cho vay ngang hàng…; tạo động lực khuyến khích doanh nghiệp, người dân sử dụng tiền kỹ thuật số, mobile money, ví điện tử trong các giao dịch thanh toán, dịch vụ tiêu dùng bằng cách: miễn phí đối với giao dịch nhỏ trong thời gian đầu; giải quyết, quy đổi tiền mặt nhanh chóng (nếu xảy ra sự cố); đẩy mạnh truyền thông, tiếp thị.
NHNN cần phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng thực thi “Chiến lược giáo dục tài chính gắn với sự phát triển của công nghệ” nhằm thực hiện tốt cấu phần giáo dục tài chính trong Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. NHNN phối hợp với các bộ, ngành liên quan như Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, đồng thời chỉ đạo các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng và các đơn vị liên quan phối hợp hướng dẫn, phổ biến kiến thức về tiền kỹ thuật số, những lợi ích/rủi ro và giải pháp xử lý kịp thời.
Cuối cùng, tăng cường hợp tác quốc tế trong quản lý tiền kỹ thuật số. Chính phủ, NHNN cần phối hợp với Chính phủ, NHTW Trung Quốc và các quốc gia; các tổ chức quốc tế chuẩn hóa các vấn đề liên quan đến khung pháp lý; tham gia phối hợp nghiên cứu về CBDC, DCEP; phối hợp với tổ chức phát hành tiền kỹ thuật số để đảm bảo AML/CFT, chống trốn thuế, lưu giữ, chia sẻ và bảo mật thông tin liên quan đến giao dịch tiền kỹ thuật số phù hợp với quy định của Việt Nam và pháp luật quốc tế; tăng cường ứng dụng thông tin, nâng cao hiệu quả giám sát các hoạt động thanh toán xuyên biên giới liên quan đến tiền kỹ thuật số, đảm bảo cam kết hội nhập và đảm bảo an toàn, an ninh mạng và an toàn tài chính quốc gia và toàn cầu.