Quản lý tiền của nhà đầu tư: Nhiều CTCK vẫn níu kéo

(ĐTCK) Mặc dù thời hạn cuối cùng để thực hiện việc chuyển tiền của nhà đầu tư từ các công ty chứng khoán về ngân hàng quản lý (ngày 1/10) đã trôi qua hơn một tháng, nhưng đến nay các công ty chứng khoán thực sự đáp ứng yêu cầu trên vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Theo thống kê, hiện chỉ có khoảng 20 trên tổng số gần 100 công ty chứng khoán đã hoàn tất việc kết nối và chuyển quản lý tiền của nhà đầu tư về ngân hàng quản lý.
Để phòng ngừa rủi ro, nhà đầu tư phải biết "chọn mặt gửi vàng". Để phòng ngừa rủi ro, nhà đầu tư phải biết "chọn mặt gửi vàng".

Mặc dù vậy, đến nay những công ty chứng khoán chưa thực hiện việc chuyển tiền của nhà đầu tư về ngân hàng vẫn không hề bị xử phạt nên các đơn vị này tiếp tục dửng dưng với nghĩa vụ trên. Do vậy, việc công ty chứng khoán có thể lạm dụng tiền của nhà đầu tư để trục lợi vẫn là băn khoăn của nhiều người. Đơn cử, một ví dụ đơn giản là so với lãi suất tiền gửi ngân hàng đang áp dụng ở mức phổ biến 16 - 16,5%/năm, thì tiền nhà đầu tư để tại công ty chứng khoán chỉ được hưởng lãi suất không kỳ hạn khoảng 3%/năm. Với những công ty chứng khoán đang quản lý một số lượng khoảng 15.000 tài khoản thì mỗi năm thì tiền lãi thu về sẽ không nhỏ. Đây cũng chính là lý do để nhiều đơn vị chần chừ thực hiện nghĩa vụ này.

Trong khi đó, nguy cơ đổ vỡ của một số công ty chứng khoán là có thật. Theo một chuyên gia trong ngành chứng khoán, hiện một số công ty chứng khoán đã "ăn" lậm vào vốn nên đành phải thu hẹp hoạt động, cắt giảm nhân sự. Hay mặc dù không có quyết định sa thải chính thức, nhưng nhân viên của một số công ty chứng khoán đang thực sự khó khăn đành phải ra đi, do công ty không có đủ nguồn thu trả tiền lương. Vị chuyên gia trên cho rằng, nếu tình hình TTCK tiếp tục diễn biến phức tạp và kéo dài chỉ từ nay đến cuối năm, chắc chắn một số công ty chứng khoán khó tồn tại. Đây cũng là lý do khiến hàng chục công ty chứng khoán đã được cấp giấy phép hoạt động, nhưng chưa dám mở cửa đón nhà đầu tư.

Theo một nguồn tin, hiện có khoảng 80% công ty chứng khoán đang làm ăn thua lỗ và không ít trong số này có nguy cơ đóng cửa trong năm nay. Chính điều này sẽ mang lại nhiều rủi ro cho nhà đầu tư mở tài khoản tại những công ty chứng khoán chưa kết nối và chuyển tiền về ngân hàng quản lý. Do đó, theo vị chuyên gia trên, để phòng ngừa rủi ro, nhà đầu tư phải biết "chọn mặt gửi vàng". Bởi chắc chắn rủi ro sẽ xảy ra nếu công ty chứng khoán có tiềm lực yếu phá sản. Một ví dụ điển hình là Lehman Brothers (Mỹ) phá sản khiến nhà đầu tư mất toàn bộ tiền và chứng khoán gửi tại công ty này.

 Hiện Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước vẫn chưa có một biện pháp hành chính nào đối với những công ty chứng khoán chưa thực hiện việc kết nối và chuyển tiền nhà đầu tư về ngân hàng quản lý. Trong khi việc này được một chuyên gia trong ngành đánh giá là hoàn toàn không quá khó về kỹ thuật như nhiều công ty chứng khoán vẫn kêu ca. Trên thực tế, đã có một số công ty chứng khoán kết nối thành công khá dễ dàng với ngân hàng. Chẳng hạn như ACBS đã kết nối với gân hàng mẹ là Ngân hàng Á Châu (ACB) ngay từ khi đi vào hoạt động. Tiền trong tài khoản của nhà đầu tư giao dịch tại ACBS đều do ACB quản lý.

Theo đại diện ACBS, một khi có những công ty chứng khoán thực hiện, còn một số  khác chưa hoàn tất, chắc chắn sẽ xảy ra sự bất cập. Đáng chú ý là về tính minh bạch, công khai và quyền lợi của nhà đầu tư hoàn toàn không được bảo vệ. Khác với ngân hàng, các công ty chứng khoán tuy nhận tiền gửi của nhà đầu tư nhưng lại không chịu bất kỳ cơ chế quản lý nào, cũng như không hề được hỗ trợ nào từ Ngân hàng Nhà nước khi gặp vấn đề về thanh khoản. Nguy hiểm hơn nữa là tiền gửi của nhà đầu tư tại các công ty chứng khoán cũng không được bồi hoàn theo quy định về bồi hoàn tiền gửi như tiết kiệm ngân hàng.

Thùy Thanh
Thùy Thanh

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,290.18 7.09 0.55% 258,687 tỷ
HNX 243.92 1.07 0.44% 1,863 tỷ
UPCOM 91.48 0.35 0.39% 587 tỷ