Đó là đánh giá được các chuyên gia đưa ra tại Hội thảo “Tác động của mô hình quản lý rừng dựa vào cộng đồng trong phát triển kinh tế – xã hội địa phương” do Tổng cục Lâm nghiệp - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Hội Chủ rừng Việt Nam (VIFORA) và Tổ chức ActionAid Việt Nam (AAV) đồng tổ chức vừa diễn ra.
Hội thảo là một hoạt động của dự án “Khuyến khích người dân tham gia cải thiện quản trị rừng và giảm nghèo Việt Nam” (PFG) do Đại sứ quán Phần Lan và ActionAid Việt Nam đồng tài trợ.
Mục tiêu của dự án nhằm thúc đẩy quyền tham gia của cộng đồng và người dân cấp cơ sở vào hệ thống thông tin quản lý rừng quốc gia, nâng cao tính giải trình trong quản trị rừng, góp phần giảm nghèo ở Việt Nam.
Báo cáo nghiên cứu ”Tác động của mô hình quản lý rừng dựa vào cộng đồng trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương” được công bố chỉ ra hai phương thức quản lý rừng cộng đồng đã được áp dụng tại Việt Nam, bao gồm: (i) Rừng được giao cho cộng đồng và cộng đồng tự quản lý; (ii) Rừng được giao cho hộ gia đình và các hộ tự liên kết với nhau để quản lý rừng. Hai hình thức quản lý này đều đem đến những tác động tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Năng lực và tính chủ động của cộng đồng được nâng cao, đặc biệt là khi cộng đồng chủ động sử dụng hệ thống thông tin ngành lâm nghiệp quốc gia (FORMIS) để lập kế hoạch quản lý và bảo vệ rừng.
Mô hình rừng trồng đem lại thu nhập cao và bền vững; công tác kết nối thị trường được định hướng ngay từ khi xây dựng nên đã thu hút sự tham gia của nhiều chủ rừng quy mô nhỏ. Sau khi mô hình hoàn thành và có kết quả, đã có rất nhiều hộ khác trong cộng đồng chủ động làm theo.
Hương ước cộng đồng góp phần tăng cường tình đoàn kết và cam kết của cộng đồng trong việc bảo vệ và phát triển rừng. Số lượng vụ vi phạm lâm luật đã giảm đáng kể.
Mô hình sinh kế dựa vào rừng đem lại lợi ích thiết thực. Khi cộng đồng được hưởng lợi từ rừng thì sẽ chủ động bảo vệ và phát triển rừng; đã giảm được 135 ha đất trống và đồi núi bỏ hoang.
Theo bà Hoàng Phương Thảo, Trưởng Đại diện Tổ chức ActionAid Việt Nam, yếu tố tạo nên tính hiệu quả ở các mô hình mà Dự án PFG triển khai đó là hỗ trợ và khuyến khích cộng đồng sử dụng công nghệ, sử dụng thông tin cập nhật từ hệ thống thông tin ngành lâm nghiệp quốc gia (FORMIS), tự thành lập hợp tác xã chế biến gỗ rừng trồng, tự xây dựng hương ước bảo vệ và phát triển rừng, tìm kiếm và kết nối với doanh nghiệp cho đầu ra của các sản phẩm từ rừng, qua đó chủ động hơn trong lập kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng ở địa phương, giúp họ có thể phát triển kinh tế, tăng mối quan hệ, tính liên kết trong cộng đồng.
Cộng đồng đã trở thành một trong các chủ thể sử dụng đất, quản lý rừng trong Luật Đất đai các năm 2003, 2013 và Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004 và nay là Luật Lâm nghiệp 2017. Đến nay đã có nhiều mô hình quản lý, bảo vệ rừng cộng đồng tốt, vừa có ý nghĩa đối với sinh kế, văn hoá của người dân địa phương, vừa có tác dụng tích cực về môi trường, sinh thái.