Quản lý quỹ: 15 năm vẫn ra đi!

(ĐTCK) Hai công ty quản lý quỹ ngoại: một gia hạn hoạt động thêm 5 năm (đến năm 2018), một thông báo đóng cửa văn phòng đại diện tại Việt Nam sau hơn 15 năm gắn bó.
Quản lý quỹ: 15 năm vẫn ra đi!

Công ty ở lại là Temasek Holdings (Private) Limited của Singapore, đã hiện diện ở Việt Nam từ năm 2008. Temasek Holdings có các khoản đầu tư vào những công ty vốn hóa lớn như HAG, KDC, FPT, DPM, MPC và được đánh giá là một công ty hoạt động đầu tư hiệu quả.

Công ty ra đi là Finansa, một trong những NĐT nước ngoài đầu tiên bước chân vào thị trường Việt Nam từ những năm 1990, đã từng thành công nhưng sau đó gặp nhiều thất bại.

Trong quá khứ, Finansa từng quản lý hai quỹ đóng có vốn lần lượt là 15 triệu EUR (từ năm 2005 - 2007) và 50 triệu USD (từ 1994 - 2004), với kết quả hoạt động khá tốt.

Đến tháng 4/2008, Finansa lập quỹ mở đầu tiên có tên Finansa Vietnam Fund, với số vốn cam kết 3,7 triệu USD. Thời gian sau đó, Finansa liên tiếp thất bại trong hoạt động. Tính đến cuối năm 2010, hai quỹ đầu tư dạng mở của Finansa vào Việt Nam đã giảm vốn xuống 7 triệu USD, từ mức 10 triệu USD năm 2009.

“Quyết định tập trung vào việc khai trương các quỹ ở Việt Nam năm 2008 là một quyết định vội vàng, khi mà thị trường Việt Nam có diễn biến xấu”, Finansa viết trong Báo cáo thường niên khi kết thúc năm 2010.

Mặc dù vậy, Finansa kỳ vọng, Việt Nam sẽ thoát giai đoạn đáy và đảo chiều, nên đã mời gọi một đối tác chiến lược từ Trung Quốc để ra mắt một quỹ kết hợp Trung Quốc -Việt Nam vào quý II/2011, với số vốn khởi điểm 4 triệu USD, đồng thời duy trì hai quỹ mở trước đó. Tuy nhiên, đến cuối năm 2012, tổng tài sản quản lý của hai quỹ mở nói trên đã giảm xuống còn 5 triệu USD, trong khi tài sản của quỹ kết hợp với Trung Quốc vẫn giậm chân tại chỗ.

Quản lý quỹ: 15 năm vẫn ra đi! ảnh 1

Temasek Holdings đang có các khoản đầu tư vào những công ty vốn hóa lớn như HAG, KDC, FPT, DPM, MPC...

“Nhóm đầu tư đã sẵn sàng duy trì lỗ đối với các quỹ đầu tư ở Việt Nam, với kỳ vọng thị trường đảo chiều trong thời gian dài, tuy nhiên, mục tiêu này hiện không còn khả thi nữa”, Finansa viết trong báo cáo cuối năm 2012.

Lý giải về sự thất bại của mình, Finansa nhấn mạnh vào nguyên nhân quy mô tài sản quá nhỏ trong thời điểm tài chính toàn cầu gặp khủng hoảng, khiến NĐT quốc tế tập trung tiền vào các quỹ lớn hơn.

“Vì là quỹ nhỏ, nên thu nhập phí quản lý của Finansa không đủ bù đắp chi phí duy trì văn phòng đại diện và nhân viên ở Việt Nam. Finansa quyết định sẽ đóng của hai văn phòng vào giữa năm 2013”, Công ty viết trong báo cáo cuối năm 2012.

Sự thất bại của Finansa có một phần liên quan đến câu chuyện chậm cổ phần hóa DNNN Việt Nam. Quỹ Finansa Vietnam Fund khi khai trương đã đặt mục tiêu đầu tư vào các DN sở hữu Nhà nước của Việt Nam đang trong quá trình cổ phần hóa, nhưng quá trình này đã không diễn ra nhanh chóng như kỳ vọng của Quỹ.

Trong khi đó, Temasek là thương hiệu lớn, có tổng tài sản quản lý trên toàn cầu 173 tỷ USD tính đến 31/3/2013, tăng gấp 5 lần từ con số 34 tỷ USD hồi tháng 3/2003. Việc Temasek đầu tư vào một công ty niêm yết Việt Nam nào đó thường đem lại hiệu quả tích cực với giá cổ phiếu của công ty.

Câu chuyện trái ngược của Temasek và Finansa nêu trên phản ánh xu hướng thay đổi cơ cấu các nhà quản lý quỹ tại Việt Nam.

Ngay trong nhóm công ty quản lý quỹ nội địa, nhiều công ty nhỏ lần lượt giải thể, ngừng hoạt động hoặc chuyển nhượng cho chủ đầu tư mới. Trong khi đó, các công ty lớn đủ tiềm lực duy trì khoản lỗ trong giai đoạn thị trường lao dốc suốt từ năm 2009 đến nay, đang nỗ lực cho một giai đoạn mới.

Vinawealth, Công ty quản lý quỹ thuộc nhóm đầu ngành quản lý quỹ nội địa vừa thông báo đã tăng vốn điều lệ từ 39 tỷ đồng lên 60,2 tỷ đồng. Trao đổi với ĐTCK, Vinawealth cho biết, Công ty kỳ vọng vào một giai đoạn mới của ngành quản lý quỹ, với một loạt sản phẩm mới gồm quỹ mở, quỹ ETF, quỹ REIT và quỹ hưu trí.

“Việc tăng vốn đem lại cho Công ty sinh lực mới và có thể nhanh chóng triển khai các chiến lược, kế hoạch phát triển thị trường và sản phẩm”, đại diện Vinawealth nói và cho hay, Công ty đã nộp hồ sơ lập một quỹ mở cổ phiếu lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Kế tiếp, Công ty sẽ phát triển quỹ hưu trí bổ sung tại Việt Nam và đặt mục tiêu khai trương một quỹ ETF hoặc quỹ tín thác bất động sản (REIT).

Tuy nhiên, Vinawealth nhận định, tốc độ đào tạo NĐT về các sản phẩm mới, sự cạnh tranh lớn về giá giữa các quỹ mới trong tương lai, khả năng giữ nhân tài cho các quỹ đầu tư mới có tính phức tạp cao này sẽ là thách thức lớn đối với ngành quản lý quỹ trong tương lai.

“Xu hướng giảm công ty quản lý quỹ là tất yếu. Sẽ chỉ còn những công ty đủ tiềm lực ở lại với ngành quản lý quỹ”, giám đốc một công ty quản lý quỹ nói.

>> Sẵn sàng đón quỹ ETF nội địa

>> Market Vectors ETF đã bán gần 5 triệu cổ phiếu VCG

>> Kiến thức về quỹ đầu tư

>> Quỹ mở không “đóng” chiến lược đầu tư

>> Việt Nam hấp dẫn đối với ngành quản lý quỹ

>> Công ty quản lý quỹ khó lãi từ quản lý quỹ  

Hải Linh
Hải Linh

Tin cùng chuyên mục