Quản lý nhân sự bằng văn hoá, thay vì quy tắc

(ĐTCK) Quản trị nhân sự tốt luôn là động lực quan trọng để tạo dựng doanh nghiệp lớn mạnh. Trước thềm các sự kiện thuộc khuôn khổ APEC Việt Nam 2017, các CEO doanh nghiệp hàng đầu quốc gia, khu vực và toàn cầu đã có những chia sẻ ấn tượng về vấn đề tuyển dụng, quản trị nhân sự.
Quản lý nhân sự bằng văn hoá, thay vì quy tắc

Nâng cao đòi hỏi đối với lực lượng lao động

Bà Dương Thị Mai Hoa, Tổng giám đốc Vingroup, một trong 4 CEO Việt Nam là diễn giả của APEC CEO Summit, diễn ra ngày 9 - 10/11/2017, sẽ có những chia sẻ tại phiên thảo luận về “Kiến tạo việc làm trong kỷ nguyên công nghệ”.

Nữ CEO cho rằng, tại Việt Nam, dự báo trong những năm tới, lực lượng lao động sẽ tăng bình quân 1,28% mỗi năm, tương ứng 723 nghìn người/năm. Quy mô lực lượng lao động tăng 55,54 triệu người năm 2016 lên 62 triệu người năm 2025. Để đáp ứng nhu cầu việc làm cho người lao động, hàng năm nền kinh tế cần tạo thêm khoảng 650 nghìn nơi làm việc mới.

Cùng với đó, thị trường sẽ có những đòi hỏi cao hơn về trình độ lao động. Lực lượng nhân công trẻ khỏe vốn có ưu thế trong giai đoạn trước sẽ giảm dần cơ hội so với lao động có tri thức và kỹ năng. Lao động đơn giản, ít chuyên môn sẽ phải đối mặt với rủi ro mất việc, hoặc khó tìm việc làm cao hơn.

Đồng thời, thị trường lao động sẽ liên tục mở rộng, không chỉ bó hẹp trong phạm vi một địa phương, mà trong phạm vi cả nước, cũng như ngày càng mở rộng ra quốc tế theo cả hai chiều: người dân ra nước ngoài làm việc và người nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

Chưa kể, các thiết bị, công nghệ mới sẽ được ứng dụng phổ biến hơn nữa từ công việc giản đơn cho tới bậc cao. Trong bối cảnh này, nhóm lao động giản đơn sẽ là đối tượng dễ bị tổn thương bậc nhất khi mất việc làm, không đáp ứng được yêu cầu khi có cơ hội ở công việc mới. Việt Nam sẽ đối diện với mối nguy cơ lớn bởi số lao động khu vực nông thôn là 31,9 triệu người, chiếm 66,6% lực lượng lao động.

Một vấn đề quan trọng là trong giai đoạn tới, với mỗi đối tượng lao động, các yêu cầu tuyển dụng, đào tạo sẽ cần chú ý tới những yếu tố cụ thể sau:

Thứ nhất, với các chức danh lãnh đạo, cần có vốn kiến thức về pháp luật, thuế, marketing, tài chính doanh nghiệp, sản xuất, công nghệ. Bên cạnh những phẩm chất cần có của người lãnh đạo như tầm nhìn, chấp nhận mạo hiểm, khả năng thích nghi…

Thứ hai, với các chức danh chuyên môn, đòi hỏi phải có sự say mê đối với nghề nghiệp, khả năng truyền thụ kiến thức…

Thứ ba, với các chức danh lao động phổ thông, cần đề cao ý thức trách nhiệm với công việc, tính tuân thủ kỷ luật, khả năng sử dụng các thiết bị kỹ thuật và thích nghi với môi trường thay đổi.

Lựa chọn và xây dựng đội ngũ trên cơ sở niềm tin

Trong khi đó, tại Diễn đàn Thanh toán điện tử 2017, tỷ phú giàu nhất Trung Quốc Jack Ma, Chủ tịch Alibaba Group đã có những chia sẻ thú vị về quản trị nhân sự, nuôi dưỡng nguồn lực doanh nghiệp.

Theo đó, một trong ba việc Jack Ma xác định phải làm trên cương vị chủ tịch công ty là "đảm bảo Alibaba là một công ty hoạt động vì sứ mệnh và tầm nhìn".

"Tôi mong muốn Alibaba tồn tại và phát triển xuyên thế kỷ, tới 102 năm. Tôi rất ghét nếu sau IPO, hàng ngày chúng tôi cứ phải lo quý sau sẽ ra sao, quý sau nữa sẽ thế nào. Điều đó không hay ho gì. Vì thế, vào ngày IPO, tôi đã nhấn mạnh rằng, trong vòng 84 năm tới, Alibaba vẫn phải là một công ty hoạt động vì sứ mệnh và tầm nhìn", Jack Ma chia sẻ.

Việc thứ hai là quan tâm và dồn nguồn lực giải quyết các vấn đề dài hạn, không bị gò bó bởi các yếu tố như KPI trong ngắn hạn.

"Công ty nhỏ thường có nhiều ước mơ, trong khi các công ty lớn tới một quy mô nào đó thường chỉ quan tâm tới KPI", Jack Ma nói.

Quan điểm thứ ba là phải quản lý nhân sự bằng văn hoá, thay vì quy tắc. Theo đó, trên cương vị Chủ tịch Alibaba, Jack Ma cam kết sẽ cố gắng để Alibaba có môi trường văn hoá lành mạnh và những con người tuyệt vời.

"Nếu bạn muốn những người thông minh làm việc với bạn, cần hiểu rằng, họ chỉ có thể được quản lý bởi văn hoá, không phải bởi quy định, luật pháp. Ở Alibaba, chúng tôi dành nhiều thời gian để xây dựng văn hoá doanh nghiệp. Nền tảng của văn hoá chính là chữ tín", vị tỷ phú Trung Quốc cho biết.

Chia sẻ thêm về các nỗ lực tạo dựng và giữ gìn bản sắc văn hóa của công ty, Jack Ma cho biết, ông là người cởi mở, hài hước và sẵn sàng làm "trò" cho nhân viên, bởi nếu làm cho nhân viên “hạnh phúc”, ông chủ sẽ có đội ngũ cấp dưới chăm chỉ và trung thành.

Bên cạnh đó, Jack Ma cho biết, ông lựa chọn và xây dựng đội ngũ trên cơ sở niềm tin.

"Nếu phải lựa chọn giữa một người hứa đưa cho tôi 1 triệu USD và một người trao cho tôi sự tín nhiệm, tôi sẽ chọn người nào tin cậy tôi. Với sự tín nhiệm, tin cậy, chúng tôi có thể gắn kết đội ngũ. Một khi họ đã tín nhiệm thì tôi phải có nghĩa vụ trung thành với họ, trung thành với mục tiêu, tầm nhìn chúng tôi đã cùng thống nhất", ông nói.

Hoàng Vân - Thủy Nguyễn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục