Quản lý gia sản: Đích đến của nhiều công ty chứng khoán

0:00 / 0:00
0:00
Quản lý gia sản là mảng mới mẻ, nhưng cũng là “miếng bánh” được nhiều bên đánh tiếng hướng tới trong tương lai.
Nhiều “ông lớn” ngành tài chính tại Việt Nam đang phát triển dịch vụ quản lý gia sản của riêng mình. Ảnh: Đức Thanh Nhiều “ông lớn” ngành tài chính tại Việt Nam đang phát triển dịch vụ quản lý gia sản của riêng mình. Ảnh: Đức Thanh

Mảng thị trường đầy tiềm năng

Cuối tháng 3/2024, Edmond de Rothschild hé lộ khoản đầu tư thành lập một công ty quản lý quỹ tại Việt Nam thông qua hoạt động liên doanh góp vốn với Công ty cổ phần Chứng khoán BIDV (BSC). Trước đó vài tháng, tổ chức này cũng thiết lập mối quan hệ đối tác chiến lược nhằm cung cấp dịch vụ Private Banking phục vụ nhóm khách hàng cao cấp của BIDV. Sự xuất hiện của định chế tài chính hàng đầu châu Âu về quản lý gia sản cho các gia tộc lâu đời thực tế cũng phản ánh tiềm năng phát triển của thị trường này tại Việt Nam.

Báo cáo của McKinsey với tiêu đề “Tương lai châu Á - Diện mạo mới của người tiêu dùng Việt” ước tính có khoảng 37 triệu người tiêu dùng thuộc tầng lớp trung lưu vào năm 2030. Còn theo dự báo mới nhất của Knight Frank, đến năm 2028, tốc độ tăng số lượng người siêu giàu của Việt Nam dự kiến cao hơn Hàn Quốc, Singapore và Hồng Kông.

Đi cùng sự gia tăng trên, tốc độ tăng trưởng tài sản đầu tư cá nhân của thị trường Việt Nam đang đứng đầu châu Á và tăng trưởng trung bình hàng năm 15%. Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO AFA Capital, nhà sáng lập Nền tảng đầu tư và quản lý tài chính cá nhân TOPI, điều này không chỉ phản ánh truyền thống tích lũy, mà còn cho thấy thị trường tài sản đầu tư tài chính cá nhân của người dân đang theo xu thế tăng trưởng mạnh mẽ.

Quản lý tài sản hay rộng hơn là quản lý gia sản (wealth management) đã không còn là khái niệm quá mới mẻ tại Việt Nam. Các sản phẩm cung cấp dịch vụ quản lý gia sản (Wealth Management) thông thường gồm 3 cấu phần, bao gồm việc xây dựng kế hoạch tài chính dài hạn, quản lý danh mục kinh doanh và quản lý danh mục đầu tư.

Yếu tố mới còn khá lạ lẫm trong quản lý gia sản nằm ở cấu phần đầu tiên, bởi người Việt thường đầu tư 3 - 6 tháng tới 1 năm, mà vẫn chưa quen với việc xây dựng kế hoạch dài hạn để về hưu, chuẩn bị cho các mục tiêu tương lai... Quản lý gia sản là cách tiếp cận tổng thể mang lại giải pháp đáp ứng được nhu cầu cuộc sống của khách hàng, tương ứng với mỗi giai đoạn cuộc đời khác nhau.

Đích đến của nhiều công ty chứng khoán

Thị trường quản lý gia sản của Việt Nam nằm trong khu vực tăng trưởng mạnh với mức tăng trưởng mạnh nhất 31,6%/năm dự kiến trong giai đoạn 2021-2030. Thị trường do đó sẽ đủ lớn cho các tổ chức tài chính có thể cung cấp dịch vụ đáp ứng nhu cầu này, bao gồm cả các công ty chứng khoán.

Ông Darren Buckley, Giám đốc Khối ngân hàng Bán lẻ Techcombank

Trước khi bắt tay với Edmond de Rothschild chuẩn bị thành lập công ty quản lý quỹ, lãnh đạo BSC từng tiết lộ tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 về khả năng tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới, gồm mảng quản lý tài sản trên cơ sở hợp tác với cổ đông chiến lược Hana Securities.

Trước đó, năm 2019, BSC ra mắt là dịch vụ quản lý danh mục đầu tư i-Fortune, bước đầu đi vào mảng quản lý tài sản cá nhân. Việc góp vốn vào công ty quản lý quỹ danh mục sản phẩm đầu tư vừa qua sẽ mở rộng thêm sản phẩm đầu tư, qua đó hướng đến giải pháp đầu tư hiệu quả, tối ưu cho khách hàng.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 vừa được tổ chức vào trung tuần tháng 5, một trong những tham vọng mà CEO của Công ty cổ phần Chứng khoán SHS nhắc đến là có thể quản lý nhiều hơn tài sản của khách hàng, không chỉ ở riêng nhóm tài sản chứng khoán. Sở dĩ định hướng này được Ban lãnh đạo SHS hướng đến vì sớm đã có sẵn “hệ sinh thái khác biệt và đa dạng hiện có”.

Đảm nhận vị trí Chủ tịch HĐQT của SHS, kiêm Chủ tịch HĐQT Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội và Phó chủ tịch SHB, ông Đỗ Quang Vinh cho rằng, SHS chưa tận dụng được thế mạnh sẵn có là các công ty thành viên liên kết trong hệ sinh thái liên quan gồm ngân hàng, bảo hiểm, quỹ đầu tư. Định hướng trở thành đơn vị trung tâm trong tập đoàn tài chính đầu tư hàng đầu Việt Nam với kế hoạch cụ thể được trình trong 1- 2 năm tới sẽ là lợi thế của SHS nếu quyết tâm tham gia mảng quản lý gia sản.

Công ty cổ phần Chứng khoán Kỹ thương (TCBS) là một trường hợp khá đặc biệt. Thay vì cạnh tranh ở thị trường môi giới cổ phiếu, Công ty đã sớm đi một ngách riêng khi hướng đến sản phẩm đầu tư và quản lý gia sản đầy đủ cho nhóm khách hàng trung lưu. Từ 10 năm trước, TCBS tập trung phân phối các sản phẩm quản lý gia sản gồm trái phiếu, quỹ trái phiếu, quỹ cổ phiếu nội địa. Nền tảng từ sản phẩm quản lý gia sản hỗ trợ một phần cho sự bứt phá của mảng môi giới cổ phiếu từ quý II/2023 và vẫn đang vươn lên những vị trí cao hơn trong top thị phần.

Theo Ban lãnh đạo TCBS, sản phẩm TCInvest được định hướng sẽ trở thành 1 siêu ứng dụng, có khả năng cung cấp “tất cả trong một” cho mọi nhu cầu đầu tư và quản lý gia sản của một khách hàng. Hoạt động tư vấn tài chính được hỗ trợ qua công cụ online TCWealth ra mắt năm 2020 thông qua việc sử dụng danh mục sản phẩm đa dạng của TCBS để đưa ra giải pháp đầu tư tốt nhất, phù hợp, dựa trên mục tiêu và khả năng tài chính.

Thanh Thủy
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục