Quản lý dòng tiền vay trên TTCK: Thách thức chưa có lời giải!

(ĐTCK-online) Hỗ trợ tài chính cho NĐT là nghiệp vụ đã được các CTCK triển khai trong khoảng 4 năm trở lại đây. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Bộ Tài chính vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể, khiến cho trên thị trường có nhiều cách làm khác nhau, tiềm ẩn rủi ro khó lường.
Để giám sát việc sử dụng đòn bẩy tài chính trên TTCK, UBCK cần làm quyết liệt việc tách tiền gửi của NĐT ra khỏi CTCK - Ảnh: Hoài Nam Để giám sát việc sử dụng đòn bẩy tài chính trên TTCK, UBCK cần làm quyết liệt việc tách tiền gửi của NĐT ra khỏi CTCK - Ảnh: Hoài Nam

Cuộc họp giữa VASB và các công ty chứng khoán lớn mới đây đã không thể đưa ra một cam kết chung nào về tỷ lệ ký quỹ. Câu chuyện quản lý dòng tiền vay trên TTCK Việt Nam vì thế vẫn sẽ là một thách thức mang tính dài hạn.

 

Chậm margin vì chờ bán khống?

Giao dịch ký quỹ (GDKQ) là một trong những câu chuyện được NĐT quan tâm đề cập nhiều nhất trong suốt gần 1 năm qua. Thông tư hướng dẫn nghiệp vụ này cũng đã được đặt lên bàn Bộ Tài chính cách đây vài tháng. Tuy nhiên, theo một quan chức của UBCK, bất cứ một sản phẩm mới nào ra cũng có tính hai mặt. Việc cho phép GDKQ là một thách thức rất lớn đối với năng lực của cơ quan quản lý, trình độ và nhận thức của NĐT cũng như hệ thống công nghệ của các CTCK, các thành viên thị trường. Đó là lý do chính khiến cơ quan quản lý thận trọng trong việc ban hành chính sách trên.

Tuy nhiên, còn một lý do nữa khiến Bộ Tài chính đắn đo: bản chất của GDKQ là đòn bẩy thúc đẩy thị trường tăng trưởng. Nếu cho triển khai nghiệp vụ này, thị trường sẽ có nguy cơ tăng trưởng quá nóng. Để cân bằng hiệu ứng từ việc cho phép GDKQ, cần cho phép NĐT bán khống. Tuy nhiên, nếu cho phép bán khống, sẽ lại dẫn đến nguy cơ đẩy thị trường lao dốc mạnh hơn trong những thời kỳ biến động xấu, như bài học của thị trường chứng khoán Âu - Mỹ vừa qua, một số quốc gia đã hạn chế, thậm chí cấm bán khống. Chính vì thế, cơ quan quản lý, mà cụ thể Bộ Tài chính, tỏ ra rất thận trọng.

Như vậy, có thể hình dung, thông tư hướng dẫn GDKQ sẽ còn rất lâu mới được ban hành bởi nó sẽ chỉ được ra đời cùng lúc hoặc trước một chút so với việc cho phép bán khống. Trong khi đó, nghiệp vụ bán khống cho đến thời điểm này vẫn không được nhắc đến, chứ chưa nói là có dự thảo thông tư hướng dẫn thực hiện.

Mặc dù Bộ Tài chính có những quan ngại về tác động của việc chính thức cho phép thực hiện GDKQ nhưng trên thị trường, các CTCK đã triển khai nghiệp vụ này từ nhiều năm qua. Dịch vụ này được thực hiện như một cách thu hút NĐT. Nếu UBCK cho phép giao dịch ký quỹ, điều đó chỉ được coi là sự hợp thức hoá một việc mà nhiều CTCK đã làm. NĐT và CTCK đã trải qua những đợt thị trường sụt giảm mạnh nên đã có kinh nghiệm nhất định trong việc sử dụng đòn bẩy mà GDKQ nằm trong số đó.

 

Dòng tiền vẫn có thể được kiểm soát

"Nếu như Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cách đây vài năm đã có sự quyết liệt kiểm soát dòng tiền vào TTCK thì Bộ Tài chính và UBCK lại có vẻ không chú trọng vấn đề này. Bằng chứng là NHNN đã ban hành nhiều văn bản khống chế tỷ lệ cho vay từ các tổ chức tín dụng đối với đầu tư chứng khoán trong khi phía Bộ Tài chính, đến thời điểm này, lại chưa có văn bản nào chế tài", nhiều thành viên thị trường nhận xét.

Trong khi chưa có khung khổ pháp lý rõ ràng, các CTCK vẫn triển khai đòn bẩy tài chính. Vấn đề đặt ra là, UBCK có thể kiểm soát được dòng tiền cho vay hỗ trợ đầu tư chứng khoán hay không? Nhiều thành viên thị trường cho rằng, vẫn có thể kiểm soát được. Trên thực tế, đòn bẩy tài chính được các CTCK triển khai thông qua hai nguồn tiền. Một là thông qua các ngân hàng để thực hiện các nghiệp vụ: cầm cố, GDKQ, bảo lãnh thanh toán, chậm trả… Thông qua kênh này, UBCK có thể nắm bắt được phần nào tình hình sử dụng đòn bẩy tài chính bằng việc phối hợp với NHNN. Hình thức thứ hai là CTCK ký hợp đồng hợp tác, hợp đồng repo với NĐT. Hợp đồng hợp tác có bản chất là hợp đồng cho vay nhưng được núp dưới hình thức hợp tác. UBCK có thể kiểm soát được kênh này thông qua việc yêu cầu các CTCK tuân thủ chế độ báo cáo đầy đủ khi triển khai.

Tuy nhiên, để giám sát được một cách chặt chẽ và sát sao việc sử dụng đòn bẩy tài chính trên TTCK, theo nhiều ý kiến, UBCK cần làm quyết liệt việc tách tiền của NĐT ra khỏi CTCK, gửi tại ngân hàng. Khi đó, mọi giao dịch liên quan đến tiền của NĐT được thực hiện qua ngân hàng và sẽ hạn chế việc CTCK lấy tiền của NĐT này cho NĐT khác vay. UBCK có thể thông qua kênh ngân hàng để kiểm soát dòng tiền.

Trong cuộc làm việc giữa Hiệp hội kinh doanh chứng khoán (VASB) và một số CTCK có quy mô lớn mới đây, một ý tưởng kiểm soát nghiệp vụ GDKQ đã được đề xuất, đó là khống chế mức trần chung cho NĐT vay tại tất cả các CTCK. Các công ty chỉ được phép thực hiện dưới mức đó với mục đích đảm bảo an toàn cho hệ thống và cạnh tranh lành mạnh. Ủng hộ quan điểm trên, ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam cho rằng, để an toàn cho thị trường, các CTCK chỉ nên đưa ra tỷ lệ 50/50 (có 50 triệu đồng được đầu tư đến 100 triệu đồng). Với những nghiệp vụ lành mạnh như ứng trước tiền bán chứng khoán thì không cần khống chế.

Nhưng cuộc họp giữa VASB và các công ty chứng khoán lớn cuối cùng đã không thể đưa ra được một cam kết chung về tỷ lệ ứng vốn cho nhà đầu tư (theo nhiều cách khác nhau). Tuy vậy, nếu VASB có đưa ra một văn bản đề nghị các CTCK tuân thủ chung một tỷ lệ ứng vốn thì hiệu lực của văn bản cũng rất yếu vì không có tính pháp lý.

Phát triển TTCK an toàn và ổn định là mục tiêu trọng yếu của cơ quan quản lý TTCK. Tuy nhiên, việc lượng hóa dòng tiền cho vay trên TTCK để từ đó có chính sách hợp lý nhằm hạn chế rủi ro đang là thách thức không nhỏ đối với UBCK, cơ quan quản lý trực tiếp thị trường.          

Đông Hải
Đông Hải

Tin cùng chuyên mục