Hoạt động repo (mua - bán chứng khoán trên thị trường OTC có kỳ hạn) từng phát triển mạnh cách đây 2 năm khi TTCK tăng trưởng. Có 2 hình thức là repo thông thường và reverse repo (tức repo ngược). Với repo thông thường, NĐT sẽ bán chứng khoán cho CTCK để lấy tiền và cam kết sau một khoảng thời gian nhất định sẽ mua lại số chứng khoán này. Khi giá chứng khoán đó giảm quá một tỷ lệ nhất định, nếu muốn giữ lại chứng khoán, NĐT phải bổ sung thêm tiền hoặc chứng khoán để đảm bảo cho việc thực hiện hợp đồng repo. Nếu NĐT không bổ sung, CTCK sẽ xử lý số chứng khoán này. Còn với reverse repo, NĐT dự báo giá có xu hướng giảm thì sẽ nộp một số tiền nhất định để mua chứng khoán của CTCK, sau đó bán cho bên thứ 3 (số tiền bán chứng khoán sẽ được CTCK giữ lại) và cam kết sau một khoảng thời gian sẽ bán số chứng khoán này cho CTCK. Lâu nay, NĐT vẫn chọn repo thông thường (đầu tư theo xu hướng giá lên), nhưng hiện đã dần làm quen với việc đầu tư theo chiều hướng giá xuống nên nhiều NĐT đã chọn reverse repo.
Repo được xem là công cụ hữu ích cho NĐT, giúp họ tìm kiếm cơ hội đầu tư vào TTCK. Theo ông Nguyễn Thanh Tuấn, Phó phòng Repo của CTCK Ngân hàng Á Châu (ACBS), nhu cầu về vốn và chứng khoán để mua bán của NĐT luôn tồn tại trong mọi thời kỳ. Tuy nhiên, để NĐT có thể sử dụng repo một cách hiệu quả và đảm bảo an toàn cho CTCK trong cung ứng dịch vụ, đòi hỏi các CTCK phải có cơ chế quản lý rủi ro ro chặt chẽ, hệ thống theo dõi và xử lý thông tin tốt.
Mở cửa hoạt động ngay từ những ngày đầu TTCK hình thành, ACBS đã đi tiên phong trong việc triển khai repo. Tuy nhiên, do ảnh hưởng từ chính sách thắt chặt tiền tệ nhằm kiềm chế lạm phát, cùng với sự sụt giảm của TTCK đã khiến ACBS và nhiều CTCK khác phải tạm ngưng repo. Sau 1 năm tạm ngưng, đến đầu năm 2008, ACBS tái triển khai repo. Để mở rộng thị phần, ACBS chủ động hợp tác với các định chế tài chính nhằm liên kết bán chéo sản phẩm. ACBS làm trung gian quản lý nguồn vốn thông qua repo, đáp ứng cho các đối tượng khách hàng mục tiêu. Để hạn chế rủi ro, Công ty có sự chọn lọc khách hàng và chứng khoán chấp nhận repo. Trước khi đưa ra danh mục chứng khoán nhận repo, ACBS phân tích, định giá và trình qua Hội đồng đầu tư phê duyệt. ACBS chỉ chọn chứng khoán của những công ty có hoạt động ổn định và tính thanh khoản cao trên thị trường.
Ông Nguyễn Việt Hải, Tổng giám đốc ACBS cho biết, rủi ro trong repo luôn tiềm ẩn nếu đơn vị repo không xây dựng được biện pháp quản lý chặt chẽ. Khi TTCK biến động, NĐT không thực hiện đúng những quy định trong hợp đồng, rủi ro đầu tiên sẽ là khả năng thanh toán. Kế đến là rủi ro về giá cổ phiếu và cuối cùng là rủi ro đối tác. Theo ông Hải, để hạn chế tối đa các rủi ro này, đồng thời đẩy mạnh repo, hỗ trợ NĐT, tạo thanh khoản cho TTCK, CTCK triển khai repo phải có đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp, biết phân tích thông tin và dự báo được xu hướng thị trường. Đồng thời, công ty đó cần chọn lọc kỹ NĐT, chứng khoán và giới hạn giá chấp nhận repo phù hợp.
Đối tượng khách hàng mà ACBS chọn cung cấp repo là những NĐT có năng lực tài chính và có quan hệ với ACBS (mở tài khoản giao dịch tại ACBS). Đặc biệt, trước khi tái triển khai repo kể từ đầu 2008, ACBS đã xây dựng lại cơ chế vận hành và quản lý rủi ro một cách chặt chẽ. Vì theo ông Hải, khi đáp ứng nhu cầu repo cho NĐT, phải biết rõ một số thông tin về năng lực tài chính cũng như lịch sử quan hệ của NĐT với Công ty. Sắp tới, ACBS sẽ liên kết với Trung tâm Thông tin tín dụng - CIC (Ngân hàng Nhà nước) để hỗ trợ việc nhận định, đánh giá năng lực tài chính và pháp lý của NĐT. ACBS còn có bộ phận giao dịch OTC nên rất thuận lợi trong việc theo dõi và cập nhật biến động giá của các cổ phiếu nằm trong danh mục repo. Mặt khác, tỷ lệ xác định giá cổ phiếu nhận repo là 40% thị giá và tối đa không quá 3 lần mệnh giá cũng là cơ sở hạn chế rủi ro về giá. Đồng thời, ACBS có quy định từng tỷ lệ tính trên giá repo để cảnh báo và nhắc nhở NĐT kịp thời bổ sung thêm tài sản, nhằm đảm bảo nghĩa vụ thanh toán hợp đồng.
Hiện danh mục repo của ACBS gồm 10 mã chứng khoán có tính thanh khoản cao nhất trên sàn OTC, trong đó chủ yếu là các cổ phiếu thuộc nhóm ngân hàng. Mức phí repo tại ACBS khá cạnh tranh, từ 1,65 - 1,7%/tháng, thời hạn linh hoạt từ 1 ngày đến 1 năm. ACBS vừa hoàn tất hệ thống giao dịch OTC hiện đại, NĐT có thể đặt lệnh bán chính chứng khoán đang thực hiện repo, Công ty tự động trừ vào nghĩa vụ thanh toán, phần chênh lệch sẽ chuyển vào tài khoản của NĐT tại Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB). ACBS đã giải ngân được 400 tỷ đồng kể từ khi tái triển khai repo và dự kiến sẽ gia tăng thêm 50 tỷ đồng để tiếp tục hỗ trợ NĐT. Tuy nhiên, ACBS cho rằng, để nghiệp vụ repo hoạt động theo đúng nguyên tắc thì Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần có quy định và sự kiểm soát để hạn chế rủi ro cho cả CTCK và NĐT.