Nằm trong một con hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Thiện Thuật (quận 3), quán hủ tiếu Trường Thạnh đã có thâm niên phục vụ khách hàng gần 60 năm nay. Cứ mỗi chiều, từ 16h, khi vừa dọn hàng ra, quán lại tấp nập thực khách ra vào cho đến tận 1h sáng hôm sau.
Quán được mở bởi một người đàn ông gốc Hoa tên Thái Minh Khôn và vợ là bà Tô Thị Kham. Sau khi ông Khôn mất, quán được chuyển giao sang con gái, bà Thái A Muối, cùng công thức làm bò viên, nước lèo gia truyền.
"Ngày trước, ba tôi được một thầy dạy cho cách làm bò viên rồi mở tiệm bán. Tuy nhiên, ban đầu, do hương vị lạ nên nhiều người cũng không thích lắm. Sau đó, ba tôi thử nghiệm lại nhiều lần, cuối cùng sáng tạo được công thức làm bò viên được nhiều người yêu thích cho đến ngày nay", bà Muối tâm sự.
Điểm đặc biệt nhất của tiệm hủ tiếu Trường Thạnh chính là viên bò to, thịt chắc, luôn được ngâm trong nước dùng để đảm bảo độ nóng đến tận lõi bên trong khi đem ra phục vụ thực khách. Ở quán có hai loại bò viên riêng biệt là bò viên thịt và bò viên gân. Ngoài ra, quán còn phục vụ thêm các món ăn khác như gân bò, lòng bò, lá xách...
Bò viên ở đây do chính tay những người trong gia đình bà Muối trực tiếp làm. Mỗi ngày, vào khoảng 6-7h, bà Muối sẽ ra chợ để chọn lựa những phần thịt tươi ngon nhất, đem về lạng phần mỡ bỏ đi, chỉ giữ lại phần thịt và gân, rồi cho vào máy xay.
Trong khi đó, cũng theo bà Muối, nước dùng tại quán được ninh từ xương bò để đảm bảo độ ngọt thanh.
Ngoài ra, nước chấm là tương đen, tương ớt ăn kèm cũng được gia đình bà tự tay sản xuất để đảm bảo đúng hương vị, đặc trưng riêng biệt của tiệm hủ tiếu.
Vì đặc điểm là quán người Hoa nên sợi hủ tiếu ở đây là sợi hủ tiếu mềm, to cỡ gấp đôi sợi phở. Tô hủ tiếu được dọn ra có hành và cải thảo muối giòn sần sật được rắc lên trên, ăn kèm với các loại rau thơm, rau ngò gai.
Ngoài ra, sợi mì vàng đặc trưng của người Hoa cũng được phục vụ tại quán.
Nằm trong hẻm, quán Trường Thạnh có không gian khá rộng rãi, có thể phục vụ được 30-40 khách ăn tại quán cùng lúc. Bà Muối cho biết ngày trước, khách ghé quán bà rất đông, nhưng bây giờ có phần giảm bớt, do có quá nhiều hàng quán khác mọc lên.
Ông Dương Văn Nghĩa (73 tuổi), một thực khách đã ăn tại đây từ trước năm 1975 đến nay, cho hay: "Hồi trước tôi ở gần đây nên gần như ngày nào cũng ghé ăn. Sau này, tôi chuyển về Thủ Đức sống nhưng mỗi lần có dịp ghé lại gần đây cũng phải vào ăn cho bằng được".
Hầu hết người làm tại quán đều trong gia đình, phối hợp với nhau rất nhịp nhàng, ăn ý. Quán chỉ mướn thêm một người phục vụ và một người rửa chén. Điểm trừ của quán có thể kể đến là giá khá cao so với mặt bằng chung, 60.000 đồng/tô.