Quan hệ cổ đông - từ lý thuyết đến thực tiễn

(ĐTCK-online)Trong cuốn sách "Corporate Governance and Equity Prices" (tạm dịch: Quản trị doanh nghiệp và giá cổ phiếu) do Paul Gopers (Havard) và Andrew Metrick (trường Wharton, Đại học Pennesylvania) có đoạn: "Một doanh nghiệp mà quyền lợi của cổ đông được quan tâm hơn sẽ có giá trị doanh nghiệp cao hơn, nhiều lợi nhuận hơn, chi phí sử dụng vốn ít hơn và ít nguy cơ bị mua bán thâu tóm".
Bảo vệ nhà đầu tư là bảo vệ TTCK, qua đó tạo điều kiện cho chính doanh nghiệp phát triển. Bảo vệ nhà đầu tư là bảo vệ TTCK, qua đó tạo điều kiện cho chính doanh nghiệp phát triển.

Trên thế giới, hoạt động quan hệ với nhà đầu tư (investor relation - IR) rất được chú ý, không chỉ các công ty niêm yết mà còn cả các CTCK (thông qua hỗ trợ DN xúc tiến hoạt động công bố thông tin). Ở TTCK Hàn Quốc, IR được coi là hoạt động không thể thiếu và một trong những trách nhiệm của các CTCK, Sở giao dịch chứng khoán là phải tư vấn giúp công ty niêm yết thực hiện tốt hoạt động này, giúp nhà đầu tư biết đến DN và sẵn sàng bỏ vốn đầu tư vào DN.

Có ý kiến cho rằng, giao dịch của TTCK chỉ đơn thuần là việc chảy vốn từ túi người này qua túi người khác mà không thực sự mang lại hiệu quả cho DN, tuy nhiên, đây bị coi là cách nhìn phiến diện. Thực tế cho thấy, khi thị trường thứ cấp phát triển thì thị trường sơ cấp, nơi DN phát hành các loại chứng khoán mới có cơ hội phát triển. Điều dễ nhận thấy là khi TTCK bùng nổ, các DN thực hiện IPO đã huy động được lượng vốn lớn với chi phí khá thấp. Vậy nhưng, vấn đề phát hành cổ phiếu những tháng gần đây lại gặp không ít khó khăn, nhiều trường hợp phải hoãn lại. Điều này cho thấy, khi mối quan hệ giữa DN và nhà đầu tư tốt, lợi ích đầu tiên là dành cho DN phát hành. Việc phát triển mối quan hệ giữa DN và cổ đông góp phần quan trọng trong bảo vệ và gắn bó nhà đầu tư với DN. Khi nhà đầu tư hiểu rõ DN, những quyết định đầu tư sẽ đúng đắn hơn, sự gắn bó lâu dài hơn, và họ sẽ thực sự thể hiện được vai của cổ đông.

Ông Đào Lê Minh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu khoa học và Đào tạo chứng khoán nói: "Hiện nay, các cổ đông nhỏ của chúng ta hầu như đều “tự nguyện” từ bỏ quyền cổ đông và chỉ chú ý đến DN với tư cách là nhà đầu tư ngắn hạn. Họ không quan tâm đến việc DN làm như vậy đúng hay sai, hành động đó về lâu dài có gây hậu quả cho DN không. Mà tất cả những gì họ quan tâm chỉ là DN làm như thế nào để ngày hôm nay mua cổ phiếu, sau đó ít hôm giá tăng lên bán đi có lợi. Đây chính là lý do khiến HĐQT có đặc quyền nhiều hơn những gì họ được giao".

Điều này trở nên đáng nói hơn khi các DN của Việt Nam có thói quen quản trị công ty theo kiểu gia đình, do vậy, hoạt động IR chưa thực sự được chú ý. Hiện mối liên hệ chủ yếu giữa công ty niêm yết và nhà đầu tư là dựa trên những công bố thông tin mang tính bắt buộc. Ngoài ra, các công cụ khác như: thông qua cổng thông tin trực tuyến (website), nhân viên quan hệ cổ đông, các buổi giao lưu giới thiệu, thông qua các phương tiện truyền thông… chưa thực sự được chú ý. Có lẽ vì vậy mà tâm lý nhiều nhà đầu tư đã rất hoang mang khi thị trường có dấu hiệu suy giảm dẫn tới khó khăn cho DN khi muốn huy động vốn và đôi khi suy giảm cả uy tín trong kinh doanh.

Một trong những kinh nghiệm đầu tư thành công của Warren Buffett là lựa chọn đầu tư vào những DN có hiệu quả, ngành nghề kinh doanh tốt và người lãnh đạo thật tâm huyết với công việc hiện tại. Khi đó, dù đầu tư vào với tỷ lệ sở hữu DN lớn nhưng ông không can thiệp vào bất cứ hoạt động kinh doanh nào của DN. "Tuy nhiên, ở Việt Nam sẽ rất khó để thực hiện điều này, và đây thực sự là khó khăn cho việc giải ngân của các quỹ. Khi các ông chủ thấy tỷ lệ quyền lợi của họ trong DN bị giảm đi, họ tìm cách móc tiền của DN thông qua lập công ty "sân sau" hay có những hành động gian lận khác thay vì gắn bó với công ty cũ", Phó giám đốc một CTCK nói. Đây được coi là một trong những lý do khiến nhiều công ty khi ở quy mô nhỏ thì hoạt động hiệu quả, nhưng lại trở nên kém hơn khi bung ra quy mô lớn.

Trong thời gian qua, TTCK đã thấy một số động thái tích cực trong phát triển hoạt động IR (như trường hợp của FPT và sắp tới là hội thảo "Giao lưu giữa 4 DN niêm yết hàng đầu và nhà đầu tư") nhưng đây vẫn chưa thực sự trở thành phong trào chung của các DN niêm yết. Bảo vệ nhà đầu tư là bảo vệ TTCK, qua đó tạo điều kiện cho chính DN phát triển, do đó lãnh đạo các DN không thể đứng ngoài cuộc. "Thị trường đã dạy cho chúng tôi bài học về tầm quan trọng của công tác quan hệ với các nhà đầu tư và chúng tôi sẽ nỗ lực làm tốt công tác này", ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc FPT đã nói như vậy, hy vọng các công ty niêm yết khác nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này. Muộn còn hơn không.

Đông Nhi
Đông Nhi

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,273.11 4.33 0.34% 230,739 tỷ
HNX 241.54 1.53 0.63% 2,110 tỷ
UPCOM 93.07 0.37 0.4% 1,197 tỷ