Quan chức Ngân hàng Trung ương Nhật Bản kêu gọi cải tổ chính sách tiền tệ

0:00 / 0:00
0:00
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản cần xem xét cải tổ chính sách tiền tệ siêu nới lỏng của mình, bao gồm cả việc thoát khỏi vùng lãi suất âm và kiểm soát lợi suất trái phiếu chính phủ.
Bên ngoài trụ sở Ngân hàng Trung ương Nhật Bản tại thủ đô Tokyo. Ảnh: Reuters Bên ngoài trụ sở Ngân hàng Trung ương Nhật Bản tại thủ đô Tokyo. Ảnh: Reuters

Nhanh chóng và linh hoạt trong chính sách tiền tệ

Ông Hajime Takata, thành viên hội đồng quản trị Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, đề xuất trong một bài phát biểu hôm 29/2 rằng: "(Ngân hàng Trung ương Nhật Bản - BTV) cần phải xem xét thực hiện một động thái nhanh chóng và linh hoạt, bao gồm cả cách thoát ra hoặc chuyển hướng khỏi chính sách tiền tệ siêu nới lỏng hiện nay".

Theo ông Hajime Takata, các biện pháp cần được xem xét bao gồm việc thoát khỏi kiểm soát đường cong lợi suất (YCC), lãi suất âm và điều chỉnh cam kết của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đối với việc tiếp tục mở rộng cơ sở tiền tệ cho đến khi lạm phát ổn định vượt quá 2%.

"Mặc dù có một số bất ổn về kinh tế, nhưng tôi cảm thấy rằng cuối cùng chúng ta cũng nhìn thấy triển vọng đạt được mục tiêu lạm phát 2%", ông Takata nhận định, đồng thời chỉ ra những dấu hiệu thay đổi ngày càng lớn trong thông lệ lâu nay của các công ty về việc từ bỏ việc tăng lương và tăng giá.

Sau đề xuất của ông Takata, đồng đô la Mỹ đã trượt giá 0,33% so với đồng yên Nhật Bản và giao dịch ở mức 1 USD đổi 150,21 JPY, trong khi trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm tăng 1,5 điểm cơ bản lên 0,710%, điều mà những người tham gia thị trường cho rằng là báo hiệu khả năng lớn rằng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản sắp dỡ bỏ chính sách tiền tệ siêu nới lỏng.

Theo chương trình kích thích khổng lồ của mình, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản hiện hướng dẫn lãi suất ngắn hạn đến mức âm 0,1%, giới hạn lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm ở mức 0% và tiếp tục mua số lượng lớn tài sản như trái phiếu chính phủ.

Sẵn sàng can thiệp nếu đồng yên biến động quá mức

Trong khi đó, phía Bộ Tài chính Nhật Bản đã đưa ra cảnh báo mới về biến động quá mức của đồng yên.

Ông Masato Kanda, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản, cho biết nước này sẵn sàng thực hiện hành động thích hợp chống lại những biến động tỷ giá hối đoái quá mức. Cảnh báo được đưa ra sau khi đồng yên trượt giá xuống mức mà các nhà giao dịch coi là làm tăng cơ hội can thiệp tiền tệ.

Lời cảnh báo của Thứ trưởng Masato Kanda có thể phản ánh mong muốn của Tokyo trong việc ngăn chặn việc đồng yên sụt giá thêm, điều sẽ gây tổn hại cho các hộ gia đình và nhà bán lẻ vì làm tăng chi phí nhập khẩu nguyên liệu thô, theo Reuters.

Trả lời báo chí bên lề cuộc họp của các nhà lãnh đạo tài chính G20 ở Sao Paulo vào ngày 28/2, Thứ trưởng Kanda nói: "Tôi sẽ không bình luận về những biến động tiền tệ gần đây. Nhưng điều mong muốn là tỷ giá hối đoái sẽ biến động ổn định và phản ánh các nguyên tắc cơ bản".

Ông Kanda nói thêm: "Chúng tôi đang theo dõi các biến động tiền tệ với tinh thần cấp bách mạnh mẽ và sẵn sàng đưa ra phản ứng thích hợp nếu chúng tôi thấy những biến động quá mức".

Đồng yên là loại tiền được giao dịch nhiều thứ ba trên thị trường ngoại hối sau đồng đô la Mỹ và đồng euro. Nó cũng được sử dụng rộng rãi như một loại tiền tệ dự trữ sau đồng đô la Mỹ, đồng euro và bảng Anh. Đồng yên có diễn biến tệ nhất kể từ đầu năm đến nay khi các quỹ và các đồng tiền khác giao dịch dựa trên chênh lệch lãi suất và lợi suất trái phiếu Mỹ-Nhật rất lớn, và đặt cược rằng chênh lệch này sẽ tiếp tục duy trì.

Từ đầu năm đến nay, đồng yên đã trượt giá 6% giá trị so với đồng đô la Mỹ khi giảm xuống dưới mức 150,00 JPY đổi 1 USD, gần mức thấp nhất sau năm 1990 là khoảng 152,00 JPY đổi 1 USD.

Thứ trưởng Kanda, người thay mặt Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki tham dự cuộc họp của các nhà lãnh đạo tài chính G20, cho biết ông đã kêu gọi các nhà hoạch định chính sách lưu ý đến rủi ro biến động có thể gia tăng trên thị trường tài chính, bao gồm cả tỷ giá hối đoái.

"Tôi đã nói tại cuộc họp rằng sự biến động quá mức trên thị trường tiền tệ là điều không mong muốn và điều quan trọng là phải duy trì cam kết G20 về tỷ giá hối đoái", ông Kanda nói.

Nhật Bản đã can thiệp vào thị trường tiền tệ ba lần vào năm 2022 khi đồng yên giảm xuống mức thấp nhất trong 32 năm về còn gần 152 JPY đổi 1 USD. Phía Nhật Bản đã có hành động can thiệp hiếm hoi là bán ra đô la Mỹ và mua vào đồng yên.

Giới giao dịch ngoại hối vẫn cảnh giác với bất kỳ dấu hiệu can thiệp nào khi đồng yên dao động ở mức 150 JPY đổi 1 USD - mức được coi là giới hạn của Tokyo.

Chính quyền Nhật Bản đã nhiều lần cho biết họ đang chú ý nhiều hơn đến tốc độ thực hiện các động thái tiền tệ hơn là mức độ trong việc quyết định xem có nên can thiệp hay không và khi nào cần can thiệp.

Sự sụt giảm gần đây của đồng yên một phần là do thị trường ngày càng kỳ vọng rằng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản sẽ giữ lãi suất ở mức cực thấp, ngay cả sau khi đã kéo lãi vay ngắn hạn ra khỏi vùng âm.

Đông Phong
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục