Ít ai biết được quán nhỏ không tên nằm ở đầu dốc Nguyễn Du, hướng vào từ đường Quang Trung, đã có gần 30 năm.
Giữ nguyên thực đơn của mấy chục năm trước, chị Trang, chủ quán hiện tại mỗi ngày thức dậy từ 4 giờ sáng để chuẩn bị các công đoạn cho ba món bún bò, bún riêu và mì Quảng.
Tôi ghé quán cùng một người bạn đã thưởng thức món ăn ở đây từ lúc nhỏ. Quán chỉ có một chiếc bảng to nằm ở trước. Nếu không để ý kỹ thì có thể bạn sẽ đi ngang qua mà không hay biết.
Điều khiến tôi ấn tượng khi đặt chân vào là mùi thơm thoang thoảng của nồi nước lèo tràn ngập cả gian nhà. Không giống như bún riêu ở miền xuôi, vị nước lèo ở quán được chị Trang nấu nhạt hơn bình thường một chút, không nồng mùi mắm tôm, vị thanh nhờ xương hầm.
Nếu như mì Quảng được quán giữ đúng phong cách truyền thống, nước dùng được chan xăm xắp chỉ đủ để ngấm vào sợi mì thì món bún bò có phần kỳ công hơn.
Người đứng bếp phải thật khéo tay để món ăn có vị ngọt từ thịt quyện với hơi cay nồng của sa tế, mùi thơm của sả, nước dùng phải có vị đặc trưng của mắm ruốc.
“Công đoạn khó nhất chắc là phải nấu ba nồi nước lèo khác nhau cùng lúc. Nhưng nấu lâu rồi cũng quen. Việc thì nhiều nhưng làm từ từ thì cũng hết nên không có gì vất vả…”, chị Trang vừa khuấy nồi bún riêu vừa nói. Dù chỉ là quán nhỏ, suốt mấy mươi năm qua quán chưa một ngày nghỉ ngơi.
Ngoài các món chính, bạn cũng có thể ăn thêm sữa chua phô mai được cô Thuyền, chủ nhân đầu của quán tự tay làm. Mỗi hũ sữa chua có giá 10.000 đồng, dẻo mịn, có vị béo ngọt và thơm mùi sữa tươi.
Trong không gian khiêm tốn đã được tân trang bởi những bộ bàn inox, ghế nhựa thay vì bàn ghế gỗ trước đó, chị Trang bận luôn tay vẫn không quên hỏi thăm những khách quen, một trong số đó là người bạn đi cùng tôi.
Tuy trời Đà Lạt hôm đó mưa gió từ sớm, vẫn là cái lành lạnh đặc trưng thu hút lữ khách khắp nơi nhưng tôi vẫn thấy không gian ấy ấm cúng đến lạ.